Thủ lĩnh hội giúp người dân thoát nghèo

23/11/2023 - 06:08

PNO - Không chỉ giỏi phát triển kinh tế gia đình, nhiều thủ lĩnh hội còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, vận động người dân cùng tham gia làm kinh tế để thoát nghèo.

Cải thiện thu nhập nhờ thuần hóa dược liệu

Kiểm tra những cây khôi nhung sắp đến ngày thu hoạch trong rừng keo, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - cho biết, loài cây dược liệu này rất hợp trồng xen canh dưới tán cây, tán rừng… Không tốn quá nhiều công chăm sóc, nhưng người dân có thể thu hoạch được 2 loại cây trên cùng một diện tích đất. Đây là một lợi thế lớn để bà con có thể tận dụng được quỹ đất rừng rộng lớn phát triển kinh tế.

“Cây khôi nhung được xem là một loài dược liệu quý dùng để chữa các bệnh dạ dày, đau bụng… Người dân ở quê tôi vẫn thường hái lá cây khôi nhung nấu nước uống để chữa đau dạ dày. Một lần gặp người bạn là bác sĩ, tôi tình cờ biết về nhiều công dụng của cây thuốc quý này, nhiều công ty dược cũng đang thu mua với số lượng lớn lá cây để điều chế thuốc chữa bệnh. Thấy ở quê đất rừng nhiều, cây khôi nhung thường mọc hoang trong rừng nên tôi nảy sinh ý tưởng thuần hóa loài cây này” - chị Ngọc Anh kể.

Để hiện thực hóa ý tưởng của mình, chị Ngọc Anh lên mạng tìm tòi các tài liệu về cây khôi nhung. Năm 2020, chị tìm đến xã Xuân Long, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái - nơi đang trồng hơn 60ha khôi nhung - để tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây. Nắm được kỹ thuật, chị mạnh dạn mua 1.000 cây giống về trồng thử nghiệm. Sau gần 3 năm trồng thí điểm cho thấy, cây khôi nhung rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Thanh Chương. Đặc biệt, cây khôi nhung phát triển nhanh, cho năng suất cao hơn khi trồng dưới tán cây rừng.

“Cây khôi nhung rất dễ trồng, ưa ẩm, ít sâu bệnh và đặc biệt là không tốn công chăm sóc. Sau 6 tháng trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm có thể thu hoạch lá 4-6 lần. Với 1.000 cây, trung bình mỗi năm có thể bán được 20 triệu đồng tiền lá” - chị Ngọc Anh nói. Khi đã thực sự thấy được thành quả, chị Ngọc Anh bắt đầu vận động, chia sẻ kinh nghiệm cho chị em trên địa bàn trồng cây khôi nhung để tăng thu nhập.

Và theo chị Ngọc Anh, mỗi cây khôi nhung giống có giá 6.000 đồng, song có thể cho thu hoạch đến 10 năm. Lá cây hiện đang được các doanh nghiệp thu mua với giá 30.000 đồng/kg lá tươi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn e ngại, không dám trồng vì sợ trồng xong doanh nghiệp lại không thu mua. Để thuyết phục mọi người, chị Ngọc Anh tiếp tục mua thêm 4.000 cây giống về trồng trên các đồi keo và khẳng định lá khôi nhung được một hợp tác xã chuyên chế biến dược liệu và nông sản ở huyện Quỳ Hợp nhận bao tiêu sản phẩm.

Đến nay, người dân ở nhiều xã trên địa bàn huyện Thanh Chương đã mạnh dạn mua cây khôi nhung giống về trồng xen canh trong các rừng keo. “Nhu cầu thu mua lá khôi nhung rất lớn, hiện nguồn cung không đủ cầu cho các cơ sở, công ty dược. Nếu bà con nhân rộng mô hình này sẽ có thêm được một nguồn thu đáng kể mỗi năm” - chị Ngọc Anh nói.

Chị Ngọc Anh trong vườn khôi nhung của mình - ẢNH: N.A.
Chị Ngọc Anh trong vườn khôi nhung của mình - ẢNH: N.A.

Liên kết hội viên cùng làm kinh tế

Gần 10 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, chị Phạm Thị Hà đã vận động hội viên thành lập được 5 tổ hợp tác làm kinh tế, xây dựng 30 mô hình kinh tế vừa và nhỏ. Những mô hình phát triển kinh tế này không chỉ giúp nhiều chị em xã Đức Lạng có việc làm ổn định, mà còn giúp nhiều người phất lên với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chị Hà cho biết, xã Đức Lạng có diện tích đất nông nghiệp rất lớn, nhưng chủ yếu vẫn là vườn tạp, đồi trọc. Không muốn bỏ lỡ lợi thế về đất đai, năm 2014, chị Hà tham mưu cho UBND xã Đức Lạng vận động người dân cải tạo, phát triển kinh tế vườn đồi. Cùng đó, vợ chồng chị quyết định vay vốn ngân hàng về cải tạo 2ha đất đồi để trồng cam và nuôi 100 tổ ong mật.

Rồi “quả ngọt” cũng đến với vợ chồng chị Hà sau những năm miệt mài bên những sườn đồi. Chị cho biết, mỗi năm gia đình thu về hơn 10 tấn cam, 700 lít mật ong, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí. Thành quả này càng thêm thuyết phục khi chị vận động bà con phát triển kinh tế từ vườn đồi. Được chị Hà nhiệt tình truyền kinh nghiệm, hàng trăm gia đình ở xã Đức Lạng lần lượt cải tạo vườn tạp, đồi trọc để phát triển kinh tế.

Chưa dừng lại ở đó, bà Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đức Lạng còn liên kết hàng chục chị em có chung chí hướng để thành lập các tổ hợp tác làm vườn, chăn nuôi heo, thu mua phế liệu, dịch vụ nấu ăn, nuôi ong mật. “Các thành viên trong tổ sẽ hỗ trợ nhau về vốn, kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm…” - chị Hà cho biết.

Mỗi năm, thành viên các tổ hợp tác đều có thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Với những gia đình chưa có điều kiện tham gia các tổ hợp tác, chị Hà tư vấn cho họ phát triển các mô hình kinh tế vừa và nhỏ như chăn nuôi gà, vịt, dê…

Phụ nữ xã Đức Lạng còn được đánh giá cao về các hoạt động văn hóa xã hội, thể dục thể thao. Toàn xã hiện có 6 câu lạc bộ (CLB) dân vũ với hơn 200 thành viên, 1 CLB dân ca ví dặm 16 thành viên, 1 CLB bóng chuyền và 1 CLB xây dựng vườn mẫu. Bà Nguyễn Thị Thảo - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Thọ - đánh giá, Hội LHPN xã Đức Lạng là một trong những đơn vị mạnh trong các hoạt động của huyện. “Cá nhân chị Hà thì quá chuẩn rồi. Vợ chồng chị không chỉ giỏi làm ăn, phát triển kinh tế mà còn rất khéo trong công tác dân vận. Chị luôn là người tiên phong trong các phong trào, rồi mới vận động người dân cùng tham gia” - bà Thảo nói. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI