Thủ lĩnh của 23 chàng trai Thái, là một cô gái Việt Nam

25/01/2023 - 06:04

PNO - Tại một đấu trường lạnh lẽo và trơn trượt dành cho giới thượng lưu thế giới, xứ sở chùa vàng đã trình làng một phụ nữ giữ vai trò quản lý cả hai đội tuyển quốc gia nam và nữ khúc côn cầu (hockey) trên băng Thái Lan. Ít ai biết một sự thật khá thú vị, cô gái thủ lĩnh của môn thể thao ấy mang quốc tịch Việt Nam.

 

Trà Giang và anh Benjamin Kleineschay - thủ môn của  đội tuyển nam quốc gia khúc côn cầu trên băng Thái Lan
Trà Giang và anh Benjamin Kleineschay - thủ môn của đội tuyển nam quốc gia khúc côn cầu trên băng Thái Lan - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Muốn tồn tại, trước tiên đừng tự té ngã

Nếu thắng, người ta sẽ mở tiệc ăn mừng, chẳng nhớ gì đến một cô gái lủi thủi như một chiếc bóng nơi phòng thay quần áo. Còn thất bại, mọi cụm từ mỉa mai sẽ đổ dồn về cô: “Con bé Việt Nam ấy mà quản lý gì”…

Và, người ta bắt đầu biết đến cô gái Việt Nam Nguyễn Trà Giang (Jane Nguyen) khi cô đã giúp đội tuyển nam hockey Thái Lan lần đầu chạm cúp vô địch Á vận hội mùa đông năm 2017 tại Nhật Bản. “Thấy cờ nước mình trên sân đấu, tôi mừng quá chạy ù tới nhận bà con. Anh kia hỏi ủa Việt Nam hả, sao mặc áo cờ Thái? Lòng tự hào dân tộc trỗi lên khi tôi được biết đoàn thể thao mùa đông Việt Nam cũng lần đầu tiên tham dự ở bộ môn trượt tuyết tốc độ. Thấy tôi là người Việt, lại quản lý một đội bóng nước ngoài, người có mặt trong đoàn hôm đó là anh Mai Bá Hùng - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - đã say sưa tìm hiểu về “ice hockey”. Để rồi sau chuyến đó, anh về kêu gọi thành lập Liên đoàn Trượt băng Việt Nam năm 2018” - Giang kể.

Giang tốt nghiệp cử nhân bóng bàn tại Trường đại học Thể dục thể thao TPHCM, rồi sang Bangkok nghiên cứu sau đại học. Cô lấy bằng tiến sĩ quản lý thể thao tại Đại học Burapha (Thái Lan) năm 2014. Trải qua công việc giảng dạy tại đây, rồi thỉnh giảng cho Đại học Bangkok Thonburi và các đại học khác ở châu Á, châu Âu và Mỹ, đến năm 2016, Giang gia nhập Liên đoàn Khúc côn cầu trên băng Thái Lan (IHAT) với tư cách chuyên viên quan hệ công chúng, hợp tác quốc tế.

Môn hockey có đến 200 điều luật phức tạp. Người Thái khó tìm đâu ra một chuyên gia vừa am tường môn thể thao quý tộc vừa giỏi quan hệ quốc tế như cô gái Việt Nam này. Chỉ 1 năm sau, làng hockey chấn động khi ông chủ tịch IHAT giao trọng trách quản lý 2 đội tuyển nam nữ quốc gia cho Giang. Cô lập tức đối mặt với một làn sóng phản đối cùng hàng loạt câu hỏi nặng tính kỳ thị: “Tại sao không phải người Thái, Nhật, hay Mỹ, mà là Việt Nam?”, “Tại sao lại là phụ nữ?”, “Cô ta biết chơi môn này không, đã huấn luyện đội tuyển ngày nào chưa?”… Thậm chí, vận động viên (VĐV), huấn luyện viên còn bỏ tập để tỏ thái độ không đồng tình. “Muốn tồn tại, trước tiên đừng tự té ngã. Càng bị tẩy chay, tôi càng muốn cho họ thấy không phải ngẫu nhiên mà vị chủ tịch xuất thân hoàng tộc lại chọn mình” - Giang cho hay.

Khi Giang mới về liên đoàn, IHAT chưa mạnh về quan hệ quốc tế - vốn là yếu tố then chốt để phát triển môn thể thao đặc thù này. Ngoài vận động tài trợ, hợp tác trong nước và nước ngoài, cô mạnh dạn thuyết phục liên đoàn mời các VĐV lưỡng tịch ở các nước có nền khúc côn cầu mạnh như Canada, Phần Lan, Thụy Điển về đầu quân cho quê hương. Qua Giang, Phần Lan đã giúp hockey Thái rất nhiều trong công tác huấn luyện. Từ các thành quả đạt được, Chủ tịch IHAT nhận ra câu chuyện quản lý đội bóng không thể cứ theo lề thói trước đây. Tức là giao cho một đại gia nào đó không có kiến thức thể thao, không hiểu về luật quốc tế, không am tường về dinh dưỡng, thể chất VĐV… Ông bảo với cô gái Việt sõi tiếng Thái như tiếng mẹ đẻ: “Chuyện này, chỉ cô mới làm được”.

Nguyễn Trà Giang cùng đại diện 13 nước tham gia chương trình Global Sport Mentoring Program năm 2018 của Bộ Ngoại giao Mỹ kết hợp với Trường đại học Tennessee (Mỹ), trình bày dự án Trao quyền phụ nữ trong thể thao
Nguyễn Trà Giang cùng đại diện 13 nước tham gia chương trình Global Sport Mentoring Program năm 2018 của Bộ Ngoại giao Mỹ kết hợp với Trường đại học Tennessee (Mỹ), trình bày dự án Trao quyền phụ nữ trong thể thao

Với tư cách team general manager, Giang “tổng quản” tất tần tật từ miếng ăn giấc ngủ của VĐV, cung cách xuất hiện trước báo chí của đội, trang phục trước và khi bước vào trận, quản lý trị liệu, dinh dưỡng, cho đến các tiểu tiết mà cái nào cũng hết sức quan trọng. Cụ thể như đôi giày phải khớp với cân nặng của từng thành viên, gậy ngắn dài tùy vị trí chơi, thậm chí lưỡi dao dưới mỗi đôi giày thi đấu phải được mài dày hay mỏng tùy theo cân nặng và độ nghiêng chân thuận, phù hợp với từng “gậy thủ”. 

Bằng kiến thức vượt trội, Giang luôn chiến thắng trong những cuộc họp gay gắt liên quan đến luật lệ trước các giải đấu, do Liên đoàn Ice Hockey thế giới chủ trì. Cô bảo vệ các VĐV 2 quốc tịch của mình, khi vận dụng các điều luật chứng minh họ đủ tiêu chuẩn nhập tịch, đủ điều kiện thi đấu. Tương tự như vậy với các huấn luyện viên nước ngoài.

“Lúc dẫn đội sang Hokkaido thi đấu, cả đội vẫn chưa phục tôi. Nhật kiểm tra hộ chiếu VĐV các đội rất kỹ để phòng gian lận. Có 3 VĐV của tôi bị giơ cờ đỏ trước khi giải diễn ra, lý do là không đủ điều kiện thi đấu cho đội tuyển quốc gia Thái Lan vì có 2 quốc tịch. Khi đó tôi đã trích dẫn các điều luật theo quy định của Liên đoàn Ice Hockey thế giới, luật bao nhiêu, chương nào, trang mấy, để chứng minh người của mình hoàn toàn hợp lệ để thi đấu. Sự cố này khiến tôi mất hơn 3 ngày liên tục đấu trí với Liên đoàn thế giới, để giải trình với hàng tá giấy tờ, thủ tục. Kết quả cả ba VĐV đều được tham gia giải. Đội tuyển bắt đầu nhìn tôi bằng một ánh mắt khác” - Giang kể, không giấu vẻ tự hào.

“Công dân toàn cầu" mong được cống hiến cho quê hương

Chưa đầy 40 tuổi, Nguyễn Trà Giang mang trên mình khá nhiều trọng trách và sức làm việc đáng nể. Hiện tại, ngoài quản lý 2 đội nam và nữ tuyển quốc gia Thái Lan, cô còn là Trợ lý Chủ tịch Liên đoàn Khúc côn cầu trên băng Thái Lan. Với mong muốn được cống hiến cho quê hương, cô quay về Việt Nam làm việc và hiện là Viện trưởng Viện Khoa học và Quản lý thể dục thể thao, Trường đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM (UMT), đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn Khúc côn cầu TPHCM. Trong công tác bảo trợ bởi Bộ Ngoại giao Mỹ, cô là nhà sáng lập các dự án trao quyền phụ nữ thông qua thể thao như Stay active, Happy her, Happy us hay Muaythai, She, Safe and Strong.

Trà Giang (áo vàng) giảng dạy với hoài bão thể thao tại Việt Nam phải trở thành phương tiện giáo dục các giá trị
Trà Giang (áo vàng) giảng dạy với hoài bão thể thao tại Việt Nam phải trở thành phương tiện giáo dục các giá trị

Hồi tháng 10/2021, chúng tôi gặp Giang với tư cách đại sứ thiện chí tham dự hội nghị trực tuyến “Sức khỏe tinh thần hạnh phúc toàn cầu 2021”. Đây là sự kiện mang thông điệp về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, chia sẻ những tấm gương truyền cảm hứng, cùng những hướng dẫn thiết thực, giúp mỗi cá nhân có thể tự chăm sóc và quản lý sức khỏe bản thân.

“Chương trình đào tạo thể dục thể thao của Việt Nam cần chú trọng kiến thức quản lý, làm sao áp dụng thể thao phục vụ xã hội, chứ không phải huấn luyện để trở thành một VĐV thành tích cao thi đấu Olympic. Sức khỏe mới là điều quan trọng nhất, phải có chiến lược truyền tải kiến thức đến cộng đồng, tập thể thao như thế nào, trong bao lâu là đúng cách, việc tập luyện mang lại lợi ích gì? Ở nước ngoài, các chương trình thể thao được thiết kế cho học sinh, sinh viên với niềm tin rằng các VĐV học đường cần phát triển về thể chất, xã hội, tinh thần và cảm xúc. Họ công nhận thể thao là một phần quan trọng của giáo dục phổ thông, bởi nó tạo cơ hội cho học sinh phát triển trách nhiệm, sự tự lực, lòng tự trọng và nâng cao nhận thức về văn hóa. Điều này, theo tôi, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để làm được” - Giang nói, và chào tạm biệt tôi để tiếp tục đi châu Phi cho những dự định hợp tác mới với viện nghiên cứu của mình tại TPHCM. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI