Chị cũng vậy. Giờ đây, nhọc nhằn áo cơm chưa thể trút xuống, nhưng chị vẫn gác lại, ưu tiên “phục vụ’’ một lẽ sống mà nhiều người ví von: ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Chị tên Đồng Thị Luyện -nhiều người gọi chị là thủ lĩnh câu lạc bộ Cuộc chiến ung thư.
Tự mình… bắt bệnh
Tôi nhìn vào bức ảnh chị Luyện ngồi trước gương. Người phụ nữ gầy gò, đen đúa trong gương được chị chú thích: “Tôi, sau chuỗi ngày điều trị ung thư”. Một chú thích… đánh lừa, dẫn người xem đến suy nghĩ sự tàn tạ của dung nhan trong cuộc chiến chống bệnh tật. Nhưng không, người phụ nữ trong gương đang nhìn vào chính mình, ngẩng đầu, đôi mắt - dẫu khắc khoải, như nén đau, thì ánh nhìn vẫn đầy ắp kiên cường.
Nào phải chị tuyên chiến với căn bệnh quái ác; dáng ngồi kia, ánh mắt ấy, chỉ muốn nói rằng, phải đối diện, đấu tranh trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì, sau chuỗi ngày điều trị - với 41 lần hóa và xạ trị liên tiếp, một cơ thể suy kiệt sẽ còn bước vào cuộc chiến khác; mà để thắng, chỉ có thể dùng ý chí, tinh thần.
Như cách vị bác sĩ đau đáu nhìn chị, nói như mắng: “Tại sao lại để đến mức này, tại sao lại đến trễ như vậy?”. Chị bình thản: “Ừ, tôi đến trễ sẽ về trễ. Tôi chưa chết được đâu”. Vị bác sĩ “đuổi” chị ra ngoài, mời một bác sĩ khác vào bàn luận chuyện thông báo cho gia đình chị. Chị đứng ngoài cửa sổ, thò đầu vào: “Thôi khỏi thì thầm, khỏi mời gia đình vì tôi biết rõ mà, giai đoạn cuối rồi”. Họ ngỡ ngàng. Chị ôm bệnh án rời bệnh viện. Còn “một mình” trên đường, chị rớt nước mắt. Không đau đớn, không hoang mang, không sợ hãi; chỉ có cảm giác rất buồn vây lấy chị.
|
Bức ảnh chị Đồng Thị Luyện trước gương sau những ngày điều trị |
Đó là năm 2014, khi không còn chịu đựng nổi cơn đau, chị vác mình đi bệnh viện, sau hơn một năm lặng lẽ tự bắt bệnh, biết bệnh nhưng chống chế: chưa đi khám thì chưa có một kết luận xác tín bệnh của mình. Chị nói rằng: “Không phải tôi chủ quan. Vì tôi thừa biết càng kéo dài tình trạng chịu đựng, càng cướp mất bao cơ hội được cứu sống của mình. Nhưng hoàn cảnh bấy giờ chưa cho phép, tôi chưa thể an tâm bước vào hành trình chữa bệnh”.
Chị làm quản lý bộ phận kinh doanh cho một công ty bảo hiểm, lương cao, nhưng con gái đang du học cần nhiều hơn khoản thu nhập của chị. Chị tất bật làm thêm để kiếm tiền. “Còn đứng lên, còn dắt được chiếc xe là tôi còn đi làm” - chị nói. Nên, chị mặc kệ những cơn sốt ban chiều, ù tai, đầu đau như búa bổ, đi làm về đến nhà là ngã khuỵu. Cho đến năm 2013, hạch nổi, cổ họng đau rát, ho ra máu, chị đoán bệnh ung thư vòm họng đã chọn mình, nhưng chị vẫn kệ. Chị giấu gia đình, bằng lý lẽ công việc quá nhiều, kiệt sức.
Làm công tác tư vấn bảo hiểm, từ rất nhiều hồ sơ và qua tiếp xúc với hàng trăm khách hàng, chị nắm rõ các triệu chứng từng bệnh để thẩm định hồ sơ, để trả lời cho khách. Qua đó chị biết bệnh mình đã nặng. Nên, chưa đi khám, chị đã lặng lẽ làm một cuộc thu xếp. “Tôi chọn nơi để gửi… tro cốt mình, viết sẵn những dặn dò như dự đám tang mình không ai được phép khóc…” - chị tâm sự. Điều chị không an lòng nhất nếu nhắm mắt, là những vụng về của chồng con bấy giờ. Ngoài cô con gái đi du học có thể tự lo lấy mình, cô con gái còn lại chưa từng phải động tay làm việc nhà.
Chồng chị - người đàn ông mà chị nói vui, nhiều lần đem trả cho nơi “sản xuất” bởi ngoài vai trò một kỹ sư chuyên thiết kế, chế tạo máy móc, cái gì anh cũng không biết làm. Một lần, mẹ chồng tuyên bố: “Không nhận lại “hàng lỗi” nên từ nay đừng mang trả “sản phẩm lỗi” cho mẹ”, chị biết mình phải làm gì. Sáu tháng cuối năm 2013 là quãng thời gian chị tập cho chồng con làm quen với chợ búa, bếp núc. Tranh thủ những lúc rảnh, chị đưa họ đến chợ hay gian hàng quen bán hàng chất lượng, chỉ cách lựa rau, thịt sạch…
Chị đến công ty, thu xếp “giang sơn” của mình. Nhiều vật dụng tặng cho đồng nghiệp, chị trao luôn một cuốn sổ đầy những món nợ, nợ lời hứa chưa thực hiện với người này, nợ người kia một khoản tiền… Chị dặn: “Nếu tôi đi chữa bệnh lâu về thì hãy mở ra xem, điều gì thực hiện được hãy tiến hành giùm chị, điều gì thuộc về gia đình hãy đưa cho người thân giúp”. Chị nói, mình đi chữa bệnh ở một nơi rất xa, không muốn ai đến thăm. Chị sợ trong tháng ngày khổ sở với thuốc thang, hóa xạ trị gây buồn lòng cho người nào chứng kiến.
|
Chị Đồng Thị Luyện luôn có mặt để động viên các bệnh nhân ung thư |
Trở về từ “cửa tử”
Chiến đấu với căn bệnh quái ác đã đến hồi di căn, là chiến đấu với đỉnh điểm những cơn đau thấu trời, hằng đêm, chị ngồi dựa vào tường, dùng tay chắn lên tường, liên hồi đập đầu vô tay. Bàn tay tứa máu. Vài khi, chị kiệt sức, buông xuôi, nằm thoi thóp. Người thân ghé thăm, đau lòng sụt sùi, họ nói nhỏ, nhìn chị, không dám mơ một cuộc “trở lại”, bởi thấy chị như đang trên đà “đi”. Chị gượng dậy, thều thào: “Đừng khóc. Tôi vẫn ở đây!”. Chị không sợ chết, nhưng bảo mình không cam chết khi căn nhà chồng đã bán để có tiền chữa trị cho chị, gia đình đang phải ở nhà thuê.
Chị cố sống, dặn lòng, cuộc nhắm mắt xuôi tay nếu có, phải là cuộc ra đi sao cho an lòng những người ở lại. Nên, trong tháng ngày ấy, được đứa cháu bán nợ cho miếng đất, chị giục chồng xây nhà. Không muốn phó thác hết cho thợ, chị nhờ dựng một căn lều kế bên, mỗi ngày đều có mặt, nằm đó, phụ chồng quán xuyến, hướng dẫn thợ thi công. Nên, trong ngày tháng ấy, vòm họng lở loét, đau rát do hóa xạ trị, miệng đơ cứng không ăn uống được, chị ráng nạy miệng, đổ nhẹ từng thìa sữa, muỗng cháo. Tay chân co rút, chị nén đau, gỡ từng ngón. Cơ thể rã rời chỉ muốn nằm, chị vịn đứng lên, không đi được thì bò, không bò được chị lết nhích từng chút…
Chị xúc động: “Có ngày, đôi chân như muốn liệt, tay giơ lên đau điếng; tôi nhờ chồng giữ hai chân mình rồi dùng tay… bò đi. Phải vận động, cơ thể mới bình phục”. Quãng thời gian điều trị ở bệnh viện, chị chứng kiến bao cuộc ra đi của bệnh nhân, khi họ để cho tinh thần, thể chất mình bạc nhược, buông xuôi. Chị không sao quên nổi hình ảnh một người chồng đã thua cuộc trong cuộc chiến vực dậy tinh thần cho vợ. Ngày vợ ra đi, anh đau đớn: “Vợ tôi không chết vì ung thư, cô ấy chết vì đói”. Người vợ ấy mắc ung thư vòm họng, mệt mỏi, rã rời, tuyệt vọng, cô chọn cách… quay mặt vào tường, nằm mãi, không ăn uống. Nhiều ngày, ăn uống vốn đã khó nhọc, thêm cơ hàm dần cứng lại, muốn ăn, cô cũng không làm sao mở miệng được.
Cách đây vài ngày, bác sĩ Lâm Đức Hoàng - Trưởng khoa Hội chẩn, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM nói rằng, cho đến bây giờ, có thể nói chị Đồng Thị Luyện đã hoàn toàn bình thường, không còn bất cứ tế bào ung thư nào trong người, sự thần kỳ đó là nhờ vào ý chí, tinh thần của chị.
Hơn ai hết, chị biết rõ, với một căn bệnh càng “dìm” chết tinh thần, càng phải dùng chính tinh thần chống chọi bằng tất cả sự mạnh mẽ, khát sống. Thế nên, chị đã truyền đi nghị lực này cho bất cứ bệnh nhân nào mình gặp. Với người bị cắt bỏ hết dạ dày, chị giục: “Chỉ còn cuống bao tử thì vẫn ăn, ăn không được nhiều thì chia thành trăm bữa ăn trong ngày”. Ai tuyệt vọng, chị vờ trách: “Than khóc được gì đâu, phải mạnh mẽ để sống, để người thân an lòng”.
Với cô gái đang buồn chán bị chồng - vừa biết vợ phát bệnh ung thư lập tức quen ngay cô gái khác rồi về đòi ly hôn, chị khuyên: “Không việc gì tiếc nuối, trước tiên coi cuộc hôn nhân đó như một khối u, cắt phăng đi để yên lòng tiếp tục xẻ bỏ những khối u thể xác”…
Bằng cách này, tự trao cho mình một lẽ sống, chị đến với rất nhiều bệnh nhân ung thư. Vẫn đảm trách công việc ở công ty, nhưng bệnh nhân nào cần mình, dù xa xôi, chị không ngại lặn lội tìm đến. San sẻ với họ, chị kêu gọi bạn bè tổ chức những bữa ăn hay các chương trình giao lưu tạo niềm vui, lan tỏa yêu thương, vực dậy tinh thần. Chị tìm mua từng bát cháo, chén xúp ngon nhất ở cửa hàng mình nắm rõ chất lượng mang đến cho bệnh nhân nếu như mình quá bận, còn không, chị tự tay chế biến.
Trên trang Facebook câu lạc bộ Cuộc chiến ung thư, có hơn 6.000 thành viên, phần lớn gọi chị là thủ lĩnh, bởi bất kể đêm ngày, chị luôn xuất hiện, vài khi chỉ để trả lời một câu hỏi của thành viên nào đó, từ kinh nghiệm và kiến thức của mình. Nhiều người nói, chị thật rảnh rỗi... Chị cười, có trở về từ “cửa tử”, người ta mới thấm thía cái hụt hẫng, tức tưởi, muốn sống khi đối diện “thần chết”. Mà, ai đâu sống để mong chờ một cái chết không cam lòng như vậy.
Trong sự có thể của mình, chị muốn mang điều đẹp nhất cho những người cần mình. Nên, sau cơn bàng hoàng trước những thông tin như “viên thuốc bột mì”, “viên thuốc than tre” trị ung thư, hay lô thuốc kém chất lượng trong vụ án VN Pharma hóa phép dùng bán cho bệnh nhân ung thư; chị viết lá thư gửi người có trách nhiệm, yêu cầu chấm dứt tội ác, xử lý cái ác - hy vọng sống của bệnh nhân ung thư vốn mong manh, phải từng ngày đánh cược, giành giật, sao để tồn tại những bàn tay tàn độc, đẩy họ đến cái chết nhanh hơn?
Tuyết Dân
ĐỒNG HÀNH CÙNG CHƯƠNG TRÌNH