"Thử lần cuối", hóa ra là lần may mắn

17/02/2021 - 14:15

PNO - Nhiều trường hợp bệnh nặng nhưng đã được bệnh viện tuyến quận, huyện cứu sống một cách ngoạn mục.

 

Ca phẫu thuật thay khớp vai cho bà cụ L.T.N, 93 tuổi tại BV đa khoa khu vực Thủ Đức
Ca phẫu thuật thay khớp vai cho cụ bà L.T.N tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức

Nhiều bệnh nhân hồi sinh nhờ "bác sĩ quận, huyện"

Bao nhiêu hy vọng bỗng tắt lịm khi chị Nguyễn Thị Phương (40 tuổi, ở Đồng Nai) nghe bác sĩ thông tin mẹ chị 83 tuổi, bị gãy xương đùi nên khó khăn khi điều trị. Bà cụ gãy xương khi bước xuống thềm nhà. Chân phải vẫn còn sưng to và làm bà đau đớn, không thể ngồi lên được; thậm chí trở người cho đỡ mỏi cũng rất khó khăn. 

Sau 20 ngày thấy tình trạng bệnh chưa cải thiện, chỗ mắt cá bắt đầu lở loét do hoại tử, chân bị gãy vẫn sưng to và đau đớn nên gia đình đưa bà về. 

Quyết định thử lần cuối, gia đình đưa bà cụ vào khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức vì bệnh viện này gần nhà và cũng từng có người quen đi đá banh bị gãy chân đã được mổ lành ở đây. Bà cụ được nhập viện và mổ ngay trong ngày hôm sau.

Bác sĩ phẫu thuật thông báo, bà cụ 83 tuổi nhưng hoàn toàn đủ sức khỏe để thực hiện ca phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo vì xương đùi bị gãy ở cổ xương, phần ở khớp háng, không phải gãy ở thân xương đùi.

2 tuần sau phẫu thuật, bà cụ đã hết đau, chân không còn sưng, có thể đứng lên và đi lại trong nhà.

Một trường hợp khác là bà Nguyễn  Thị T. (70 tuổi, quận Thủ Đức). Thấy có khối u nổi lên ở cổ, đi khám ở khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức, bác sĩ chẩn đoán có thể là u ác tính vì kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy có nhiều mạch máu tăng sinh dẫn vào sâu trong vòm họng.

Bác sĩ chỉ định phải mổ để lấy khối u làm sinh thiết. E ngại bác sĩ ở bệnh viện tuyến quận có nhầm lẫn, bà đi khám lại ở một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối. Bà T. được bác sĩ dùng kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ FNA và cho ra kết quả rất đáng mừng là bà không có tế bào ác tính.

Tuy vậy, những ngày sau đó, khối u vẫn lớn lên. Lo sợ, bà T. chấp nhận để bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức thực hiện phẫu thuật vừa bóc khối u vừa có thể làm sinh thiết. Kết quả cho thấy bà bị ung thư biểu mô carcinoma ở amidan và may mắn bệnh còn ở giai đoạn sớm.

Anh Nguyễn Thanh Hải (40 tuổi ở Tân Phú, Đồng Nai) cũng tìm thấy hy vọng sống cho đời mình sau khi được mổ thay van tim tại khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện quận Thủ Đức vào năm 2018.

Cách đây hơn 10 năm, anh từng có chỉ định mổ tim ở bệnh viện lớn tại TPHCM nhưng anh đắn đo với chi phí lên đến gần 100 triệu đồng. Mức lương công chức còm cõi khiến anh sợ hãi những tháng ngày sau ca mổ. Anh sợ những sinh hoạt phí thường ngày sẽ khiến đời mình thêm túng quẫn.

Lần lữa mãi rồi anh quyết định mặc kệ. Bởi căn bệnh hở van động mạch chủ - hở van 2 lá anh đã quen với nó từ thuở nhỏ. Hình như cái gì lâu dần thì cũng quen, kể cả những lần đột nhiên ngất xỉu.

May mắn cho anh, năm 2018, nhờ chương trình mổ tim hở miễn phí tại Bệnh viện quận Thủ Đức, anh Hải tìm thấy cơ hội duy nhất để “hàn gắn” trái tim thương tổn của mình. Sau 2 năm mổ thay van tim, anh Hải vui vẻ nói: “Rất ổn. Giờ không phải lo xỉu đột xuất nữa”.

Ông T.V.T., 52 tuổi, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu - cũng quyết định thay khớp gối tại BV đa khoa khu vực Thủ Đức sau khi nghe chi phí điều trị tại một bệnh viện tuyến trên quá cao so với kinh tế gia đình.
Ông T.V.T quyết định thay khớp gối tại BV đa khoa khu vực Thủ Đức sau khi nghe chi phí điều trị tại một bệnh viện tuyến thành phố quá cao so với kinh tế gia đình

May mắn phải chăng do phép màu?

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức - để có những ca mổ tim hở đầu tiên thành công, ông đã lên phương án chuẩn bị từ năm 2010.

Ngày 12/12/2017, ca mổ tim hở đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện. Ê-kíp phẫu thuật chính do PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan và các bác sĩ, kỹ thuật viên của Viện Tim TPHCM đảm trách. Sau đó, ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện quận Thủ Đức dần tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và chính thức phẫu thuật dưới sự giám sát tại chỗ của các chuyên gia Viện Tim.

Sau 40 ca mổ tim hở đầu tiên thành công, Bệnh viện quận Thủ Đức chính thức ghi tên mình vào một trong những cơ sở y tế đảm bảo uy tín cho những ca mổ tim, trở thành bệnh viện tuyến quận, huyện đầu tiên của Việt Nam thực hiện được kỹ thuật mổ tim hở.

Bác sĩ Đỗ Quang Sang - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết trường hợp như bà cụ 83 tuổi nói trên không phải là ca khó. Số ca thay khớp háng cho những người từ 80 tuổi trở lên là cả ngàn trường hợp. Người cao tuổi nhất được thay khớp háng lên đến 102 tuổi.

Kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo hóa ra được rất nhiều bệnh viện quận, huyện thực hiện từ năm 2002 trở lại đây. Không chỉ thay khớp háng, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức còn đang thực hiện kỹ thuật thay khớp vai - kỹ thuật khó nhất trong thay khớp.

Theo bác sĩ Sang, tại TPHCM chỉ có 4 nơi đang thực hiện kỹ thuật này là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM và Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức.

Những trường hợp khó, tất nhiên theo bác sĩ Sang, cũng phải từ chối mổ vì hiểu rõ nguy cơ tử vong. Chẳng hạn như người có bệnh lý tim mạch quá nặng, sức khỏe quá yếu. Trường hợp mẹ của chị Phương nói trên, hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để mổ.

Bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực -Mạch máu, BV quận Thủ Đức chuẩn bị cho ca mổ tim hở đầu tiên
Bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu, BV quận Thủ Đức chuẩn bị cho ca mổ tim hở đầu tiên

Vì sao những bệnh viện vốn được xem là tuyến quận, huyện, là nơi vốn được “phân công” khám ban đầu lại có thể gánh những kỹ thuật mới, khó?

Bác sĩ Đỗ Quang Sang - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức nhận định thật ra bác sĩ giỏi thì bệnh viện nào cũng có. Bác sĩ bệnh viện tuyến quận, huyện có khi từng đảm nhận công việc tại bệnh viện tuyến trên. Vì một lý do nào đó, họ chuyển về công tác ở bệnh viện tuyến dưới nhưng với kinh nghiệm, tay nghề sẵn có cộng với việc được lãnh đạo tạo điều kiện tối đa, họ sẽ thực hiện được nhiều kỹ thuật khó.

Trong khi đó, ở bệnh viện tuyến trên cũng có những bác sĩ trẻ, chưa có kinh nghiệm nên làm cho bệnh nhân bị rối hoặc sợ hãi. Chưa kể, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên cũng gây thiệt thòi cho bệnh nhân vì bác sĩ sẽ không có nhiều thời gian để thăm khám, tư vấn kỹ lưỡng cho họ.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI