Thử làm người sang chảnh một lần

09/07/2020 - 09:18

PNO - Sáu năm đơn thân, con còn trong lứa tuổi ăn học, nên tôi cứ phải chi li tính toán từng cái nón, bộ quần áo mới cho mình.

Có lẽ nếp sống tiết kiệm đến chi li đã ăn sâu vào tâm não tôi. Mà không tiết kiệm sao được, ngày làm mười tiếng, lương tháng năm triệu đồng, số tiền đó chỉ đủ chi phí cho cái ăn cái mặc, học hành, thuốc men của ba mẹ con tôi. 

Sau cuộc hôn nhân 5 năm rút mòn sức lực và niềm tin vào người đàn ông ỷ lại, dựa dẫm, tôi đã ly hôn để sống cuộc đời đơn thân; không còn ngày ngày đối mặt với người mẹ chồng thích can thiệp vào hôn nhân của con.

Sáu năm đơn thân, con còn trong lứa tuổi ăn học, nên tôi cứ phải chi li tính toán từng cái nón, bộ quần áo mới cho mình. Cứ cầm đôi dép hơi đắt tiền lên là tự tính xem nó bằng mấy chục hột vịt, bao nhiêu ký gạo. Muốn mua cái túi xách lại chi li: “Bằng cả tháng tiền ăn của con đó nha”. 39 tuổi, tôi cho rằng mình đã quá già, cuộc sống không còn gì mơ ước ngoài việc cố gắng nuôi con khôn lớn. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vậy rồi bỗng dưng có một người đàn ông làm cùng công ty muốn chung vai gánh vác để mái gia đình vốn khuyết của tôi được tròn đầy. Anh là chuyền trưởng mới đổi đến, hơn tôi bốn tuổi, có một đời vợ đã ly hôn, con đang sống với mẹ.

Chẳng biết anh hỏi đâu mà rõ hoàn cảnh của tôi như lòng bàn tay. Mấy khi kiểm hàng gấp, anh hay đứng bên kiểm phụ, đẩy những bao hàng cao vào kho, anh đều như vô tình đi “tiện đường” để đẩy cùng. Rồi trong ngày sinh nhật của tôi do nhóm bạn tổ chức, anh đã ngỏ lời muốn cùng tôi đi hết quãng đường đời còn lại. Tôi mừng rơi nước mắt vì lòng mình cũng đã hướng về anh mà không dám nói, sợ người ta không chấp nhận. 

Một đám cưới nho nhỏ diễn ra sau đó hai tháng, ấy là thời gian để anh “làm quen” với các con tôi. May thay, do vắng cha từ nhỏ, hai con trai tôi thèm tình phụ tử nên dễ dàng chấp nhận anh. Về sống với ba mẹ con tôi, anh bảo tôi bỏ ngay tư tưởng “nuôi bon sai” bọn trẻ, cứ ăn thoải mái vào, tụi con đang tuổi ăn tuổi lớn kia mà, chú dư sức nuôi tụi con. Sữa uống mỗi tháng mẹ chỉ mua hai lốc, dẹp cái tính chi li của em đi, em hãy thử làm người giàu một lần, mua ngay một thùng cho con uống xem có nghèo không? Anh nói và giúi và tay tôi xấp tiền bằng hai tháng lương của tôi. “Từ nay, nhà này các con ăn uống học hành gì anh lo hết, lương em em cứ để dành, nhưng cấm làm bà già ki bo nữa nha”.

Đưa tôi đi Sài Gòn thăm bạn cũ, chồng tôi hẹn bạn tại quán cà phê ở Q.1. Đường Sài Gòn mà còn cây xanh bóng mát thế này, có ao cá giữa sân quán nữa, thì quả thật là tiên cảnh rồi. Nhưng khi nhìn menu, đến gần trăm ngàn đồng một ly cà phê, nước ép, cam vắt cũng tám chục ngàn đồng, tôi giãy nảy: “Thôi kiếm cái quán nào mười ngàn một ly đó anh. Quán này… mắc quá”. 

Chồng cười khì khì: “Trời ơi… Em thử làm người giàu một lần xem! Nghèo hơn chục năm nay em không chán à?”.

Vậy là đành phải ngồi im, tan tành giấc mơ mười ngàn đồng một ly nước để được thưởng thức mùi vị đậm đà của câu “tiền nào của nấy”. Chồng cười ngất khi tôi uống sạch ly cam vắt: “Ủa ngon hả em? Đáng đồng tiền hả?”. Tôi lấp liếm: “Sợ bỏ thừa tội thôi hà”.

Bàn tay chồng tìm tay tôi đan vào kèm lời thì thầm: “Từ nay có anh rồi, đừng có tiết kiệm vô lý nữa. Nuôi con là một lẽ, nuôi mình để có cơ thể khỏe mạnh, tâm hồn thư thái, cũng rất quan trọng”. 

Trang Đào

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI