Có còn ai viết thư tay?

“Thư không về là em đã quên tôi”…

28/07/2021 - 16:45

PNO - Thư viết tay chỉ “độc bản”, đã gửi đi là mất hút “thăm thẳm chiều trôi”

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất,

Anh cho em, kèm với một lá thư.

Em không lấy, và tình anh đã mất

Tình đã cho không lấy lại bao giờ.

Tội nghiệp cho ông Xuân Diệu “sinh bất phùng thời”. Ngày nay, lá thư ấy, ông hoàn toàn có thể thực hiện theo cách copy + paste, tức là thư đã gửi đi, nếu cô nàng từ chối thì ông có thể lập tức chuyển nội dung đó cho cô khác. “Nửa nốt nhạc” là xong. Sở dĩ thời trước không thể vì thư viết tay chỉ “độc bản”, đã gửi đi là mất hút “thăm thẳm chiều trôi”. Đã thế, viết thư tay còn có cả nhọc nhằn - nhất là viết thư tình, thì kìa, ta hãy nghe tác giả Gửi hương cho gió bộc bạch:
Giấy phong kỹ mang thầm trong túi áo,

Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi.

Ối dào, thư viết cho người yêu phải cân nhắc từng dòng, nắn nót từng chữ. Chẳng may đang viết nửa chừng, viết nhầm rồi à? Xóa đi, viết đè lên chữ khác? Không, ai lại làm thế. Kém trân trọng. Bèn xé toẹt. Viết lại. Đã viết xong, trước lúc gửi đi, cẩn thận đọc lại bỗng thấy chưa ưng ý chữ này, đoạn kia, muốn thay thế à? Vậy, phải làm sao? Phải viết lại, chứ trăng với sao gì nữa! Nói tóm lại, cái thời máy tính chưa ra đời, muốn gửi thông tin “thả thính” ai đó, mọi người đều phải viết bằng tay, rõ ràng có lúc trần ai khoai củ. Viết xong lá thư chẳng khác gì leo lên võ đài đánh vật. Nhọc sức quá.

Mà nào đã xong đâu bạn mình ơi. Viết xong thư, chẳng lẽ lúc gặp nhau ba điều bốn chuyện là vội vàng móc lá thư trong túi đưa cái rẹt cho nàng? Nhỡ nàng không nhận thì quê. Bởi thế, thời xa xưa ấy mới xuất hiện từ “chim xanh”. Có thể đó là cô, cậu bé nhóc tì trong nhà hoặc hàng xóm được nhờ làm giao liên, chuyển giúp thư. Còn nếu “đối tượng” ở xa quá, không thể nhờ cậy “chim xanh” thì phải nhờ đến con cò/con tem:

Làm thơ giấy trắng, em gắn con cò xanh
Gởi về thăm bạn có tên anh trong này

Hoặc:

Buồn tình cha chả buồn tình
Có ai đi Huế cho mình gửi thư

Khi phương tiện truyền tin đã thay đổi, thư tay “xếp xó” là lẽ tất nhiên. Dù vậy ta cũng thấy rằng, khi nhìn nét chữ trên trang giấy thì đó không chỉ là thông tin mà còn thể hiện tính cách nữa. Há chẳng nghe câu nói “nét chữ nết người” đó sao? Kìa, chữ “o” tròn quá, chắc lúc đó “người ấy” phải mím môi đấy chăng? Kia, chữ “yêu” lả lướt bay bướm quá, chắc “đối tượng” đang nhớ mình đến độ “ngất trên cành quất”. Nhìn nét chữ tha hồ suy đoán. Lại nữa, còn có cả hương thơm tình tứ:

Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương
Nét bút đa tình lả lơi. 

Sức mấy thư điện tử đạt đến sự quyến rũ lãng mạn cỡ những người như ông Đoàn Chuẩn đã cảm nhận. Đã thế, thư điện tử lại không tạo cho người nhận sự hồi hộp, sung sướng của từng ngày chờ đợi như câu thơ của Hoàng Anh Tuấn:

Tôi sợ lắm lòng ôi, đừng mách bảo
Thư không về là em đã quên tôi
Thư không về là cách trở xa xôi
Không. Có lẽ ngày mai thư sẽ đến

Không phải ngẫu nhiên, vì lẽ đó, hiện nay đã có nhiều bạn trẻ nhuần nhuyễn vi tính, có đủ thứ hộp thư hotmail, gmail, yahoo nọ kia vẫn giữ kiểu viết thư tay theo cách người xưa đã trao duyên, tán tỉnh dù mất thời gian hơn.

Ừ, dù mất thời gian còn hơn là vì thực hiện theo công thức copy + paste nên ai kia đã méo mặt trước tình huống cực kỳ éo le: quên đổi tên nên thư viết tên người này lại gửi đến người kia. Phát hiện ra sự nhầm lẫn chết người này, bấy giờ kêu trời thì trời cũng bí rị, chẳng thể giúp được gì. Hóa ra viết thư tay cũng có cái hay của nó, bạn mình ơi! 

Lê Minh Quốc

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI