edf40wrjww2tblPage:Content
Với tổng số điểm 28.5 điểm (toán: 9,75; lý: 9; hóa: 9,5), Võ Văn Nam trở thành thủ khoa Đại học Quy Nhơn và cũng là thủ khoa có số điểm cao nhất trong 3 thủ khoa hiện tại của tỉnh Bình Định.
Nam bên góc học tập của mình. Theo Nam, “làm được một bài toán khó, rắc rối mà đến máy cũng không giải được, em vui lắm, thấy thú vị, nhiều lúc no khỏi cần cơm”.
Nhận được tin Nam đỗ thủ khoa Đại học Quy Nhơn ngành sư phạm toán, cả thầy lẫn trò trường THPT số 1 Phù Cát vỡ òa trong niềm vui sướng. “Vui, hạnh phúc, tự hào nhưng không bất ngờ, bởi trước khi đi thi, tôi dám chắc Nam soán ngôi thủ khoa năm nay” - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, thầy Hồ Trọng Khương nói.
Là học sinh giỏi 12 năm liền, 3 năm cấp 3, Nam đạt học sinh giỏi với số điểm tổng kết trên 8,5. Với riêng Nam, toán học là sở thích, sở trường của Nam trong các năm học.
Với thành tích giải nhì học sinh giỏi toán cấp tỉnh năm lớp 9, giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh lớp 11, giải khuyến khích cấp tỉnh kỳ học sinh giỏi toán thi vượt cấp lớp 12, Nam đã khẳng được khả năng học toán của bản thân.
Nam và thầy giáo chủ nhiệm chụp ảnh lưu niệm tại sân trường.
Nói về cậu học trò cưng, thầy giáo Hồ Trọng Khương kể: “Là giáo viên chủ nhiệm lớp 3 năm liền, tôi biết khả năng, sức học của Nam. Tôi khẳng định một điều, trong 30 năm dạy toán đến nay, Nam là học sinh xuất sắc, nhạy bén về môn toán nhất mà tôi biết. Ở trên lớp, hiếm học sinh giỏi nào có thể hoàn thành bài 15 phút toán dạng khó, hiểm mà tôi ra, càng ít học sinh đạt điểm tuyệt đối, tìm ra phương pháp giải hay... nhưng Nam luôn làm được điều đó. Đôi lúc, vì Nam giành quá nhiều điểm 10, tôi tìm những bài toán hóc búa, rút ngắn thời gian giải để thử thách nhưng Nam đều giải quyết tốt. Trong khoảng thời gian dạy, ôn tập, ôn thi học sinh giỏi, chưa bao giờ Nam bí trước một bài toán nào. Nam là học sinh có tư chất thiên bẩm về toán. Kỳ thi đại học này, tôi chắc chắn là Nam đạt trên 9,5 điểm môn toán, kết quả 9,75 là xứng đáng cho tư chất và sự cố gắng của em Nam”.
Sở trường toán, tư chất thiên bẩm nên lựa chọn hàng đầu của Nam là ngành sư phạm toán (Đại học Quy Nhơn). Theo lời thầy Khương, dù không can thiệp sâu vào định hướng nghề nghiệp của Nam, nhưng thầy vẫn luôn hy vọng Nam chọn ngành toán để phát huy tài năng của mình. Trong cuộc trò chuyện về thành tích của cậu học trò nhỏ, thầy Khương nói bông đùa nhưng rất thật: “Dạy toán cho Nam, thiệt tình là tôi hết bài để dạy rồi. Ra 6 bài toán, các bạn mới làm được 3 bài, Nam đã làm xong 6 bài... Lắm lúc tôi phải nghĩ cách đánh bẫy học trò của mình để hạ điểm. Không lẽ cứ chấm nó 10 điểm hoài, tôi cũng dị, mà sợ nó lại không cố gắng thêm”.
Ngoài thành tích môn toán đáng nể, Nam còn là một cán bộ lớp nhiệt tình, năng nổ. Sự giỏi giang cùng với phẩm chất đạo đức tốt giúp chàng thủ khoa Đại học Quy Nhơn trở thành đảng viên khi còn là học sinh phổ thông.
“Không chỉ giỏi về học tập, điều đáng quý ở Nam là phẩm chất, tư cách đạo đức của một học sinh. Giỏi mà không kiêu là tích cách của Nam từ nhỏ đến bây giờ. Toàn bộ giáo viên trong trường đều dành lời khen đó cho Nam. Phải nói, Nam đã làm rạng danh cho trường khi giành danh hiệu thủ khoa, và tiếp nối truyền thống thủ khoa cho trường”, cô giáo Dương Thị Hồng Loan - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Phù Cát, nhận xét.
Thủ khoa Đại học Quy Nhơn,Võ Văn Nam bên cha mẹ trong ngày vui.
Khi hay tin cậu con trai út đỗ thủ khoa Trường Đại học Quy Nhơn, bố mẹ của Nam tạm nghỉ bữa làm đồng, ở nhà cùng con chia sẻ niềm vui.
Niềm vui lan khắp xóm nhỏ khi chúng tôi tìm đến ngôi nhà của Nam ở miền quê Phong An, Cát Trinh (Phù Cát, Bình Định). Tiếng cười nói của bà con lối xóm, những cuộc điện thoại chúc mừng của thầy cô, bạn bè làm rộn ngôi nhà nhỏ của chàng thủ khoa.
Thấy chúng tôi, bố Nam mời vào nhà. “Nhà báo hé, phỏng vấn, chụp hình thằng Nam phải không. Đợi chút, đợi tôi thay cái áo mồ hôi, mặc cái áo đi “ăn giỗ” (áo mới) rồi chụp bóng cho đẹp”, ông Võ Nhuận (60 tuổi, bố Nam) tươi cười nói. Trong lời nói, ánh mắt và cử chỉ của ông Nhuận là cả niềm vui hạnh phúc vô bờ bến.
“Nhà nông, nuôi con ăn học thì không cần phải kể khó, kể khổ nữa. Ngoài 3 sào ruộng được cấp, gia đình tôi phải thuê thêm ruộng, đất để có cái ăn, cái làm. Nhà nông, được mùa còn tích cóp chút đỉnh, mất mùa coi như trắng tay. Những gì mà cháu nó đạt được hôm là thành quả mà cháu nó trả ơn thầy cô dạy dỗ, bố mẹ nuôi lớn. Tôi biết cháu thích toán từ nhỏ nhưng vẫn muốn nó theo học ngành y (Đại học Y Dược TP.HCM). Học y khoa mất nhiều thời gian, tốn kém nhưng tới đâu tôi ráng lo cho con tới đó”, ông Nhuận nói.
Sinh ra trong gia đình làm nông, gia đình có 5 người con, mỗi Nam là trai, lại là út trong nhà. Bà Hà Thị Thao (54 tuổi, mẹ Nam) nói: “Từ ngày sinh ra, nó đã ốm yếu, bố mẹ, các chị đều toàn tâm, toàn ý đầu tư cho Nam ăn học. Thương bố mẹ và các chị, Nam tự lực học tập, thời gian rảnh, cuối tuần nó cũng biết lo phụ giúp bố mẹ đồng áng, cơm nước trong nhà”.
Khi được hỏi về bí quyết học giỏi, Nam khiêm tốn nói: “Em không có bí quyết gì đặc biệt, chủ yếu là em học ở lớp, học các bài giảng của thầy cô giáo, nắm kiến thức là chính. Học toán, em dành một cuốn sổ riêng ghi công thức cần nắm, ghi những bài toán hay, toán vui, tranh thủ một tuần 2 buổi, em đến các tiệm internet tìm thông tin, các bài toán hay trên mạng về giải thêm. Riêng năm lớp 12, em tải những đề thi toán năm trước về giải riêng vào vở, tích lũy kiến thức. Ngoài sư phạm toán Đại học Quy Nhơn, em còn dự thi khối B ngành bác sĩ đa khoa (Đại học Y Dược TP.HCM). Nhắm chắc điểm thi vào trường y là 26 điểm, nhưng em vẫn chọn học toán, một phần vì sở thích, một phần để đỡ tốn gánh nặng chi phí cho bố mẹ khi học gần nhà”, Nam chia sẻ.
Thu Dịu