Thu hút người tài, tháo gỡ từ đâu?

05/09/2018 - 09:17

PNO - 'Hiền tài là nguyên khí quốc gia'. Nhà cầm quyền của bất kỳ thời đại nào, bất kỳ nơi đâu, nếu có lòng vì sự hưng vong của đất nước đều luôn phải nghĩ tới, luôn thực hiện các chính sách thu hút người tài.

Tuy nhiên, từ ý định tích cực này, khi áp dụng vào thực tế đất nước ta, thiết nghĩ phải cần có một cơ chế đặc thù dành cho nó.

Thu hut nguoi tai, thao go tu dau?
Vũ kịch Kẹp hạt dẻ - tác phẩm vũ kịch hoàn chỉnh đầu tiên trên sân khấu TP.HCM

Ngày xưa, khi Đào Duy Từ được tiến cử, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã cho Đào Duy Từ “thi vấn đáp” - trực tiếp hỏi về kinh sử, tài trị quốc… ông trả lời trôi chảy. Nhận thấy ông có tài kinh bang tế thế nên chúa ưng thuận, xếp ông dưới trướng, cùng bàn việc quân cơ.

Trước và sau khi lên ngôi, không dưới hai lần, vua Quang Trung phải “hạ mình” trực tiếp mời La Sơn phu tử ra giúp nước. Gần đây nhất, năm 1946, khi sang Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã trực tiếp kêu gọi và mời một số nhân sĩ, trí thức trở về nước tham gia kháng chiến, kiến quốc.

Với ba ví dụ trong số rất nhiều ví dụ có thể kể ra, ta thấy rằng, muốn thu hút được người tài thì trước hết, người đứng đầu một tổ chức phải có tài nhìn người, thuyết phục, bằng không thì cũng phải có tâm - biết đặt lợi ích của cộng đồng, của quốc gia lên cao nhất.

Ngày nay, sự tiến cử và tuyển chọn như trên, có lẽ khó có thể xảy ra, bởi hầu hết đều phải thông qua tổ chức của hội chuyên ngành thuộc lĩnh vực nhất định. Với cơ chế hiện nay, hầu hết các ngành nghề, kể cả văn hóa nghệ thuật, đều có hội chuyên ngành và đây chính là lý do chính sách tốt đẹp của thành phố về thu hút nhân tài e khó có tín hiệu tích cực.

Bấy lâu nay, điều khiến công chúng lẫn những người hoạt động trong lĩnh vực đó luôn băn khoăn là các vị đứng đầu hội chuyên ngành có thật sự đủ tài và tầm để tìm kiếm và đề xuất, tiến cử nhân tài cho cơ quan cấp trên.

Nói như thế, vì có một sự thật đã và đang diễn ra là người “làm nghề thật sự” không còn tha thiết sinh hoạt, hoạt động trong các hội chuyên ngành nữa. Không ít người đã chọn cách “tự thân vận động”, tùy theo khả năng và sở trường của mình, để làm nghề và thành công với nghề mà không cần bất kỳ sự nâng đỡ nào từ các hội nghề nghiệp mang trách nhiệm hỗ trợ họ.

Các hội chuyên ngành đã giúp được gì cho công việc sáng tạo của hội viên? Chỉ cần một cuộc thăm dò bỏ túi cũng đủ giúp ta có câu trả lời. Thậm chí, thời gian qua, các thành viên ở hội chuyên ngành còn bàn tán về một trường hợp chẳng ra làm sao. Rằng, cơ quan nọ ra giải thưởng hàng trăm triệu đồng cho sáng kiến, phát minh nào hiệu quả nhất. Ngay lập tức, hai ông phó chủ tịch hội đó đề cử thành quả của chính mình, dù so với mặt bằng chung thì chúng rất tệ.

Hành động này được thiên hạ gọi đích danh là “tranh ăn” với anh em trong hội. Nhưng một khi đã có suy nghĩ tệ lậu đó và thực sự hành động qua việc tự đề cử, họ cần gì đếm xỉa, quan tâm đến những người tài đứng ngoài hội, thậm chí là hội viên của mình.

Kế đến, xem trên đề án thu hút nhân tài của nhiều tỉnh, thành đã công bố, ta đều thấy có một “mẫu số chung” là lấy tiền lương, nhà cửa làm “đòn bẩy”. Điều này không sai. Nhưng đây chỉ mới là điều kiện cần, chứ chưa phải đủ.

Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ thuộc hạng nhân tài, đã từng được tuyển chọn và cử đi nước ngoài đào tạo, mong một ngày họ trở về phục vụ đất nước. Kế hoạch đầy mộng mơ này, ban đầu rất đáng mừng, nhưng rồi hầu như phá sản.

Trường hợp phổ biến nhất vẫn là sau khi học hành “ngon lành cành đào”, họ tìm cách ở lại nước ngoài để sinh sống và làm việc, với những điều kiện đãi ngộ tốt hơn, trong một môi trường cởi mở và khuyến khích sáng tạo nhiều hơn. Những trường hợp trở về nước thường bỏ ngang, chấp nhận bồi thường chi phí đào tạo hoặc tìm cách né, làm việc chểnh mảng.

Họ bảo do không thể “hòa nhập” được với môi trường làm việc ì ạch, chỉ vì lợi ích nhóm, “cha chung không ai khóc”, ầu ơ ví dầu “sáng vác ô đi, tối vác về” của số đông... Những gì đã được đào tạo, họ cũng không thể áp dụng vào thực tiễn khi chúng ta thiếu vô số điều kiện đi kèm. “Một con én không thể làm nên mùa xuân”, vậy nên họ đành chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”.

Thu hút nhân tài là một chuyện, nhưng giữ được họ không mới là chuyện lớn. Thế thì, đâu là cơ chế làm sạch môi trường để nhân tài có thể hào hứng, an tâm phục vụ cho cộng đồng?  Đâu là cơ chế nhằm thu hút, đề cử nhân tài mà không phải thông qua “rào cản” các hội chuyên ngành?

Tất nhiên, chúng ta không vơ đũa cả nắm, “vô hiệu hóa” hay đánh giá thấp vai trò của các hội chuyên ngành. Điều quan trọng là chúng ta phải mở rộng thêm nhiều kênh khác nữa, như cho phép nhân tài tự tiến cử, tiến cử từ những tổ chức chính trị, xã hội khác hoặc một hội đồng độc lập tìm nhân tài ở các lĩnh vực. Càng nhiều kênh thì mới không bỏ lọt nhân tài.

Lê Văn Nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI