TPHCM - điểm đến của nhiều du học sinh
Chiều 20/12, chúng tôi gặp Frejelence Canto - nữ sinh viên 37 tuổi, người Philippines - khi cô đang chuốt lá dong, đong nếp đổ vào khuôn, trải nghiệm gói bánh chưng cùng các bạn sinh viên tại Trường đại học (ĐH) Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM).
Hơn 4 năm trước, Frejelence Canto đến TPHCM làm việc cho 1 công ty Na Uy. Cô kể: “Năm 2021, khi dịch COVID-19 ập đến, làn sóng chuyển công việc và học tập qua trực tuyến khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Đây là cơ hội lớn khi tôi vừa có thể làm việc online vừa đi học. Tôi tìm thấy có hàng trăm ngành đào tạo chương trình quốc tế học phí rất rẻ và đã đăng ký học ngành ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Quốc tế”. Hiện cô đã là sinh viên năm 4. Cô dễ dàng hòa nhập vào môi trường học tập khi các môn đều dạy bằng tiếng Anh, sinh viên trong trường giao tiếp tiếng Anh tốt.
|
Frejelence Canto - sinh viên năm 4 ngành ngôn ngữ Anh, Trường đại học Quốc tế - thuyết trình trong một tiết học vào cuối tháng 12/2024 |
Còn Matteo Losito - 36 tuổi, Ý - từng lo sẽ bị kỳ thị khi đi học ĐH ở tuổi này. Tuy nhiên, anh ngạc nhiên bởi sự chào đón từ nhà trường, các sinh viên trong nước. Cách đây vài năm, khi tới Việt Nam du lịch, anh bị cuốn hút bởi khí hậu nhiệt đới, môi trường sống và sự thân thiện của người dân. Anh chia sẻ: “Mọi thứ ở TPHCM đều rất rẻ. Tôi nhận ra nếu học ĐH ở đây thì chi phí rẻ hơn 8-9 lần so với các nước tôi từng đi qua. Tôi quyết định nắm cơ hội, tìm trường có chương trình quốc tế, bằng cấp được các công ty nước ngoài đánh giá cao để theo học”. Hiện, anh đang là sinh viên năm 2 ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Quốc tế và có dự định sẽ học tiếp lên thạc sĩ.
Nói tiếng Việt khá sỏi, Kim Young - 21 tuổi, Hàn Quốc - hài hước: “Mình đã thành người Việt Nam rồi. Mình có thể chạy xe máy khắp TPHCM, quán ăn nào ngon rẻ cũng biết”. Kim Young là 1 trong 11 sinh viên từ TP Busan đến đây gần 2 năm theo chương trình trao đổi 2+2 ngành Việt Nam học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM).
“Không chỉ chi phí học tập rẻ mà thức ăn cũng rất ngon. Người Việt cực kỳ tốt bụng và nhiệt tình. Lúc mới tới, mình khá ngỡ ngàng khi được bạn bè người Việt chỉ từng quán ăn, giúp tìm chỗ ở phù hợp, tập cho mình chạy xe máy, đưa mình đi học bằng lái xe…” - Kim Young khoe. Sau 1,5 năm, anh đã có bằng lái xe, giao tiếp được bằng tiếng Việt và rất thích môi trường sống ở đây. Anh dự định sẽ ở lại làm việc lâu dài sau khi tốt nghiệp.
Tại TPHCM, nhiều trường ĐH đang có sinh viên quốc tế theo học như: các trường thành viên của ĐH quốc gia TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Sư phạm TPHCM…
Cần chủ trương quốc tế hóa
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lại Phúc Đạt - Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) - con số 22.000 sinh viên quốc tế, chiếm 0,5% tổng số lượng sinh viên của nước ta là rất thấp so với các nước trong khu vực.
Ông ví dụ, năm 2023, tỉ lệ sinh viên quốc tế tại Malaysia và Singapore cùng đạt 18%. Kết quả này nhờ số lượng chương trình chuẩn quốc tế nhiều, đa dạng, hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ, hạ tầng xã hội tốt, đặc biệt là môi trường đa văn hóa. Trong khi Malaysia chọn hướng đi liên kết với các trường ĐH quốc tế lớn trên thế giới mở cơ sở tại nước mình thì Singapore chọn cách đầu tư trực tiếp và xây dựng thương hiệu cho các ĐH lớn để thu hút người học. Cả hai cách làm này đều rất hiệu quả, Việt Nam cần tham khảo, áp dụng.
Thạc sĩ Nguyễn Quỳnh Sơn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên quốc tế, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho biết, việc tuyển sinh quốc tế còn nhiều khó khăn khi hầu hết trường ĐH chưa có nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Các ngành đào tạo bằng tiếng Việt dù được phép tuyển sinh nhưng sinh viên quốc tế phải đạt trình độ tiếng Việt tương đương B2 (bậc 4/6 - Khung năng lực tiếng Việt) trở lên theo quy định của Bộ GD-ĐT. Chi phí đầu tư nơi ở đạt chuẩn cho sinh viên quốc tế rất lớn cũng là khó khăn không nhỏ đối với các trường.
Ông cho biết trong bối cảnh đó, để tăng thu hút sinh viên quốc tế, trường đã dành chính sách học bổng lớn, hỗ trợ thủ tục tiếp nhận, cấp visa du học, đào tạo tiếng Việt, bố trí nơi ở, hỗ trợ học vụ và tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, hỗ trợ tìm việc làm; hợp tác với các tổ chức ngoài nước để tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, tổ chức các chương trình ngắn hạn và trao đổi sinh viên…
Bà Hồ Thị Quỳnh Mai - chuyên viên Phòng Quan hệ đối ngoại, phụ trách sinh viên quốc tế Trường ĐH Quốc tế - cho biết, để thu hút sinh viên quốc tế trường đã đi theo hướng chuẩn hóa quốc tế, dạy 100% bằng tiếng Anh. Điều này giúp sinh viên quốc tế dễ dàng thích nghi. 100% giảng viên của trường du học từ các nước về, tạo môi trưởng mở giao thoa nhiều nền văn hóa. Trường cũng có trung tâm dịch vụ sinh viên quốc tế nhằm tư vấn, hỗ trợ du học sinh từ khi tìm hiểu chương trình đến suốt quá trình học tập, giúp giải quyết vấn đề học vụ, giấy tờ hành chính, visa, các khó khăn khác…
Đại diện Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, việc mở các ngành ngoại ngữ, những ngành có tính quốc tế cao như quan hệ quốc tế, Việt Nam học, Đông phương học, nhân học, văn hóa học… và các lớp đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài cũng là lợi thế thu hút du học sinh.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Hùng - Phó giám đốc ĐH Kinh tế TPHCM - thông tin: trường đã xây dựng và thiết kế chương trình đào tạo tiệm cận theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, việc trường được xếp hạng cao trên các bảng xếp hạng quốc tế cùng nhiều chính sách học bổng… đã thu hút được du học sinh. Gần đây, số lượng sinh viên quốc tế ngày càng tăng. Hệ chính quy của trường hiện có hơn 40 sinh viên đến từ Myanmar, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, New Zealand, Lào, Ukraine, Campuchia… theo học.
Là trường thu hút được khá nhiều sinh viên quốc tế tới học ngành y khoa và răng hàm mặt, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - cho rằng, cần phải có lộ trình chuẩn hóa chương trình đào tạo. Cụ thể, các trường phải xây dựng chương trình bằng tiếng Anh, môi trường đa văn hóa; có sự hỗ trợ về mặt chính sách chung để xây dựng hạ tầng và chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh viên quốc tế về visa, nhà ở, hoặc văn hóa…
“Không kể các nước phương Tây tiên tiến, ngay các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia và Thái Lan đã xây dựng được hình ảnh mạnh mẽ về nền giáo dục quốc tế, được nhà nước hỗ trợ rất lớn. Làm được điều này, chúng ta cũng cần một chủ trương mạnh mẽ về quốc tế hóa giáo dục Việt Nam để thu hút sinh viên quốc tế. Rất mong Nhà nước có những quyết sách đúng đắn để thúc đẩy điều này” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Cần quảng bá rộng rãi các lợi thế ĐH Kinh tế TPHCM liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng, tăng thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới… để nhiều sinh viên quốc tế biết đến. Các du học sinh sẽ giúp lan tỏa thông tin khi họ được trải nghiệm môi trường học tập chuẩn quốc tế và chất lượng. Chúng ta có nhiều lợi thế về chi phí học tập, sinh hoạt, chương trình đào tạo chất lượng, môi trường an ninh thân thiện… Tuy nhiên, cần phải quảng bá rộng rãi để tận dụng được hết những lợi thế này khi tuyển sinh quốc tế. n Ông Bùi Quang Hùng - Phó giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM |
Nguyễn Loan