Thu hồi thuốc có thể gây ung thư: Cấm vẫn bán!

07/10/2019 - 11:36

PNO - Cục Quản lý Dược yêu cầu phải thu hồi 11 loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng do chứa tạp chất gây ung thư, nhưng phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM vẫn dễ dàng mua các loại thuốc này trên thị trường.

“Giá 1.000 đồng/viên để dễ bán cho người nghèo”

Ngày 2/10, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế gửi công văn về việc thu hồi toàn quốc 11 loại thuốc chứa hoạt chất Ranitidine điều trị loét dạ dày tá tràng sau khi Cơ quan Khoa học y tế Singapore, Cơ quan Quản lý dược phẩm Thụy Sĩ thu hồi các thuốc này do chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) vượt ngưỡng cho phép nên có nguy cơ gây ung thư. 

Thu hoi thuoc co the gay ung thu: Cam van ban!
Số đăng ký thuốc ghi rõ số đăng ký bị cấm lưu hành

Thạc sĩ - dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM, cho biết: ngay khi nhận được văn bản trên, sở đã đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của ngành y tế thành phố, thông báo trên cổng cơ sở dược quốc gia đến các nhà thuốc, đồng thời có văn bản gửi đến 24 phòng y tế quận/huyện để triển khai đến nhà thuốc yêu cầu ngưng bán các thuốc này và phối hợp với các công ty thu hồi, tránh vì lợi nhuận mà kéo dài hoặc chậm trễ thu hồi.

Đồng Nai có bán nhiều loại thuốc loét dạ dày tá tràng bị thu hồi

Ghi nhận tại nhà thuốc Phú Mỹ, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho thấy, tiệm thuốc này vẫn còn bán một trong số sản phẩm trong danh sách thu hồi. Cụ thể, khi phóng viên hỏi loại thuốc Aciloc 150mg cho người nhà bị loét dạ dày tá tràng, nhà thuốc này vẫn bán.

Nhân viên nhà thuốc hỏi: “Bác uống loại này thấy đỡ hả chị?”. Tôi nói: “Mẹ chị uống nhiều loại không thấy đỡ, uống loại này thấy êm hơn. Ngoài thuốc này có loại khác không em?”. Nhân viên nhà thuốc nói: “Vậy chị lấy một vỉ uống năm ngày nhé, chỉ 10.000 đồng thôi. Biệt dược này chỉ có một nhà sản xuất”. 

Khi đến hỏi hai nhà thuốc nhỏ hơn trên địa bàn TP.Biên Hòa với cùng một loại thuốc Aciloc và Zantac Tablets (cùng có hoạt chất Ranitidine) đều không có. Chủ các nhà thuốc này chỉ phóng viên đến các nhà thuốc lớn tìm thuốc có hoạt chất Ranitidine sẽ dễ kiếm hơn.

Lan Phi

Thế nhưng, khi phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM tìm mua loại thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng chứa hoạt chất Ranitidine bị cấm lưu hành thì nhiều nơi vẫn vô tư bán cho khách.

Chiều 4/10, chúng tôi ghé ngẫu nhiên 40 nhà thuốc ở các quận: 1, 2, Phú Nhuận, Bình Thạnh, bên cạnh một số nhà thuốc khuyên nên đổi sang thuốc tương tự, không nên mua thuốc bị thu hồi, có nguy cơ gây ung thư thì một số nơi vẫn ung dung bán cho khách, thậm chí tiếc rẻ vì hết hàng.

Khi tôi ghé tiệm thuốc T.T. đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh hỏi mua thuốc Zantac dạng viên 150mg, chủ tiệm thuốc liền tư vấn: “Thuốc đó của châu Âu do Tây Ban Nha sản xuất nên giá mắc gấp 4-5 lần thuốc thường. Ở đây, em chỉ bán hàng của Ấn Độ, mỗi viên 1.000 đồng, quanh đây toàn dân lao động nghèo mới mua được”.

Tôi hỏi thuốc Ấn Độ tên gì, hàm lượng bao nhiêu? Chủ tiệm thuốc liền đưa ra một hộp 100 viên (mỗi vỉ 10 viên) có tên Aciloc 300. Hộp thuốc ghi rõ, Aciloc 300 do Công ty Cadila Pharmaceuticals của Ấn Độ sản xuất, hoạt chất Ranitidine 300mg, số đăng ký lưu hành tại Việt Nam là VN-17848-14. Tôi giật mình vì đây cũng là một trong 11 loại thuốc trị loét dạ dày tá tràng bị thu hồi.

Thu hoi thuoc co the gay ung thu: Cam van ban!
Nhà thuốc T.T. hướng dẫn cách sử dụng thuốc Aciloc 300

Chưa kịp “hoàn hồn”, chủ quầy thuốc nhắc: “Anh đem về uống thử một vỉ 10 viên trước, chỉ có 1.000 đồng/viên. Vì loại Aciloc 300 này gấp đôi hàm lượng 150mg như anh tìm nên về bẻ thuốc ra làm đôi để uống. Nếu anh thấy hiệu quả, ghé đây em lấy loại 150mg về bán cho anh (cũng là loại của Ấn Độ nằm trong danh sách 11 loại thuốc dạ dày tá tràng có nguy cơ ung thư bị thu hồi - PV).

Ghé vào nhà thuốc M.C. đường Hai Bà Trưng, Q.1 tìm Zantac 150mg, chủ tiệm thuốc liền báo: “Ở đây không có thuốc đó”. Tôi vừa quay đầu xe đi thì chủ tiệm thuốc gọi lại: “Chờ em xíu”. Chủ tiệm leo lên cầu thang phía trong rồi quay ra bảo: “Còn nhưng ở dạng thuốc chích (cũng là loại đang bị thu hồi - PV) anh có lấy không?”.

Tôi liền gật đầu thì chủ tiệm lấy điện thoại di động gọi cho người đem hàng qua. Khoảng 10 phút sau, một thanh niên đi xe máy vứt hộp thuốc trên bàn, nhưng không phải thuốc chích mà là thuốc viên Zantac 150mg do Tây Ban Nha sản xuất. Chủ tiệm báo giá: “Hộp này 70 viên, giá 328.000 đồng”. 

Thu hoi thuoc co the gay ung thu: Cam van ban!
Thuốc viên Zantac 150mg được bán tại nhà thuốc M.C.

Trả lời về việc tại sao một số nhà thuốc vẫn bán thuốc đã được thông báo thu hồi, thạc sĩ - dược sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết: TP.HCM có gần 6.500 nhà thuốc, số lượng thuốc lưu hành trên địa bàn thành phố chiếm 1/3 cả nước nhưng có một số nhà thuốc chưa nhận thức việc nguy hại cho người tiêu dùng và tuân thủ ngưng bán. Tuy nhiên, sở sẽ nghiêm túc triển khai các đoàn hậu kiểm ngay tuần sau để tránh nguy hại đến sức khỏe người dân.

Việt Nam không kiểm soát được, phải chờ nước ngoài “báo tin”?

Chúng tôi thử vào trang điện tử của Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HAS) thì tám loại thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng có hoạt chất Ranitidine chứa tạp chất NDMA đã được thông báo thu hồi từ ngày 16/9/2019. Cơ quan Quản lý dược phẩm Thụy Sĩ (Swissmedic) cũng ra thông báo thu hồi một số loại thuốc Ranitidine vào ngày 23/9/2019, đến ngày 2/10/2019, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế Việt Nam mới ra thông báo thu hồi.

Cơ quan Khoa học y tế Singapore cho rằng NDMA là tạp chất nitrosamine. Nitrosamine là chất gây ô nhiễm môi trường và có thể được tìm thấy trong thực phẩm hoặc môi trường với số lượng rất nhỏ. Ví dụ, NDMA có thể được tìm thấy trong thực phẩm chế biến (rau ngâm, cá muối, các sản phẩm thịt chế biến như thịt xông khói và xúc xích) cũng góp phần gây ung thư. Các tạp chất nitrosamine gần đây cũng bất ngờ được tìm thấy trong quá trình sản xuất một số loại thuốc. 

Chia sẻ điều này, dược sĩ Đỗ Văn Dũng giải thích: “Các thuốc có nguồn gốc hóa dược thường được sản xuất bằng cách tổng hợp hóa học hoặc bán tổng hợp.

Trong quá trình tổng hợp hay bán tổng hợp, ngoài hoạt chất chính được hình thành thì cũng có thể lẫn những tạp chất.

Các tạp chất này thường có cấu trúc tương đồng với chất chính và rất khó loại bỏ. Ngoài ra, trong quá trình bảo quản, hoạt chất chính cũng có thể biến đổi sinh ra tạp chất.

Việc định danh và xác định hàm lượng của các tạp chất cũng rất khó khăn do khó tìm chất chuẩn để đối chiếu. Hầu như các tạp chất là những chất gây hại như NDMA có nguy cơ gây ung thư.

Thu hoi thuoc co the gay ung thu: Cam van ban!
Mỗi viên thuốc Aciloc chỉ có 1.000 đồng

Mặt khác, việc sản xuất thuốc đạt chất lượng hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu sản xuất tạo ra loại thuốc đó. Điều này lý giải, nhiều loại thuốc sản xuất để trị cùng một loại bệnh nhưng có loại không hoặc chứa rất ít tạp chất (như tạp chất NDMA) nên không gây nguy hại, vẫn ở ngưỡng an toàn cho phép, trong khi đó có những loại thuốc chứa nhiều tạp chất nên gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.

Ví dụ, cũng là những thuốc chứa hoạt chất Ranitidine hay Valsartan nhưng tại sao không bị thu hồi, trong khi các loại thuốc sử dụng nguồn nguyên liệu của Trung Quốc, Ấn Độ… thì chứa tạp chất nhiều hơn. Như vậy, công nghệ sản xuất nguyên liệu có tính chất quyến định đến chất lượng nguyên liệu”. 

Chưa kể, để Việt Nam có một cơ quan chủ động kiểm nghiệm tìm các tạp chất khuyến cáo như các nước trên thế giới sẽ khó khăn. Công nghiệp dược Việt Nam còn yếu thì làm sao phát triển ngành công nghiệp hóa dược?

Cụ thể, trên thị trường cả nước có khoảng 25.000 mặt hàng thuốc với 1.200 hoạt chất lưu thông mỗi năm thì Việt Nam chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar (tại TP.HCM) sản xuất được hai nguyên liệu kháng sinh là Ampicillin và Amoxicillin, còn tất cả nguyên liệu làm thuốc khác hầu như phải nhập từ các nước, chứ Việt Nam chưa có nhà máy nào sản xuất được nguyên liệu làm thuốc.

Ước tính, Việt Nam nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu sản xuất thuốc từ Trung Quốc và Ấn Độ, 20% từ châu Âu, phần còn lại là Mỹ, Úc, Canada…

Thu hoi thuoc co the gay ung thu: Cam van ban!
Thuốc viên Zantac 150mg bị cấm lưu hành

Một số chuyên gia về dược cho rằng, chất chuẩn để thử các tạp chất nguy hại nhập về để thử thuốc rất tốn kém nên Việt Nam chỉ biết dựa theo khuyến cáo từ các nước phát triển. Hiện nay, Việt Nam chỉ chú trọng đến hàm lượng hoạt chất chính trong trị bệnh, mà ít để ý đến các tạp chất đi kèm tạo ra từ viên thuốc đó; giờ cả thế giới đã chú trọng đến các tạp chất này nên Việt Nam phải chạy theo. 

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM, giải thích: Ranitidine là một loại thuốc dùng để giảm sản xuất a-xít trong dạ dày ở những bệnh nhân mắc các chứng như ợ nóng và loét dạ dày.

Riêng tạp chất NDMA là chất bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào nhóm có khả năng gây ung thư, gây độc cho bộ gen và có thể gây ung thư bao tử hoặc ung thư ruột già; ngoài ra có thể gây tổn thương gan, thận… Ngưỡng an toàn theo WHO là dưới 0,005mcg/L. Ngưỡng gây độc là bao nhiêu thì chưa được xác định rõ do còn phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc. 

Danh sách 11 loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng chứa tạp chất NDMA có nguy cơ gây ung thư bị thu hồi:

1. Thuốc Aciloc 150 (số đăng ký: VN-17188-13), nhà sản xuất Cadila Pharmaceuticals (Ấn Độ).

2. Aciloc 300 (số đăng ký: VN-17848-14), nhà sản xuất Cadila Pharmaceuticals (Ấn Độ).

3. Ratylno-150 (số đăng ký: VN-18567-14), tên tại Singapore là Zynol-150 Tablet 150, nhà sản xuất Micro Labs Ltd (Ấn Độ).

4. Apro-Ranitidine 150 (số đăng ký: VN-3366-07), nhà sản xuất Apotex Inc (Canada).

5. Zantac Tablets tương đương 150mg (số đăng ký: VN-10264-1-; VN-20764-17), nhà sản xuất Glaxo Wellcome SA. (Tây Ban Nha).

6. Zantac dạng chích 25mg/ml (số đăng ký: VN 10265-10; VN 20516-17), nhà sản xuất GlaxoSmithKiline Manufacturing S.p.A (Ý).

7. Vesyca film coated tablet 150mg, nhà sản xuất Y.S.P Industries (M) Sdn. Bhd, Maylaysia.

8. Hyzan Tablet 150mg, nhà sản xuất Xepa-Soul Pattinson (Malaysia).

9. Neoceptin R-150 Tablet 150mg, nhà sản xuất Beximco Pharmaceuticals Ltd.

10. Xanidine Tablet 150mg, nhà sản xuất Berlin Pharmaceutical Industry Co Ltd Thái Lan.

11. Zantac Syrup 150mg/10 ml, nhà sản xuất Aspen Bad Oldesloe GmbH, Đức.

Cục Quản lý Dược yêu cầu các nhà phân phối thuốc thông báo thu hồi tất cả các lô thuốc thành phẩm trên, đồng thời gửi báo cáo về Cục Quản lý Dược, bao gồm số lượng nhập khẩu, số lượng thu hồi và các bằng chứng về thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán thuốc.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI