|
ĐBQH Đồng Ngọc Ba phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận chiều 21/6 |
Không nên quy định thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ
Phát biểu tại phiên thảo luận buổi chiều về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) đề nghị bổ sung thêm vào các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với các dự án phát triển đô thị, cải tạo khu chung cư cũ, dự án chỉnh trang khu dân cư nông thôn, cải tạo chung cư cũ. Theo ĐB, đây là các dự án trọng yếu, Nhà nước phải làm nhưng cần xã hội hóa. Nếu để phần giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp thì thường không làm được hoặc khó làm.
Ông cũng đề nghị, bổ sung thêm các trường hợp thu hồi đất để làm dự án công viên,trường học, bệnh viện thể dục thể thao, giải trí, hoặc nhà ở thương mại dịch vụ nếu đáp ứng điều kiện có quy mô lớn, tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng và đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương. Các dự án này được tổ chức đấu thầu, chi tiết do HĐND cấp tỉnh quyết nghị.
Bấm nút tranh luận lại với ĐBQH Nguyễn Trúc Anh, ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng, việc thu hồi đất để cải tạo chung cư là không hợp lý. Tại dự thảo luật đã có quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có giải trình song ĐBQH cho rằng không phù hợp với thực tiễn và pháp luật hiện hành. Thậm chí, thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ còn giống như “đổ thêm dầu vào lửa” trong nỗ lực cải tạo chung cư cũ, trái với các quy định của pháp luật hiện hành.
ĐBQH phân tích, người dân có quyền sử dụng đất chung khi họ có quyền sở hữu căn hộ. Quyền nay không thay đổi ngay cả khi có nguy cơ sập đổ hay bị phá dỡ. Do đó, thay vì các quy định thu hồi đất để xây dựng chung cư cũ hay quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư - như một số ĐBQH đề xuất tại Luật nhà đất (sửa đổi) thì phải có quy định, biện pháp để di dời người dân, trình tự thuận lợi để cải tạo.
Quyền tài sản của người dân chưa thực sự đảm bảo theo hiến pháp
|
ĐBQH Dương Khắc Mai lo ngại quyền tài sản của người dân không thực sự được bảm đảm theo Hiến pháp, với các quy định thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội trong dự thảo luật |
Cũng liên quan tới vấn đề thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội tại điều 79 của Dự thảo Luật, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, để giải quyết những vướng mắc trong thu hồi đất, trước hết cần xác định thu hồi đất có phải là đất có phải là trưng mua quyền sử dụng đất hay không.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo hộ và không được quốc hữu hóa; trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua, trưng dụng và có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
Như vậy, kết hợp với nội dung về tài sản và thu hồi đất, để làm rõ việc thu hồi đất theo quy định của hiến pháp theo hình thức nào cần được xác định rõ tài sản cá nhân tổ chức không bị quốc hữu hóa. Chỉ trong trường hợp cần thiết nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
Nghị quyết số 18 của Trung ương cũng khẳng định rõ quyền sử dụng đất và quyền tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. “Việc xác định như dự thảo luật cho thấy quyền tài sản của người dân chưa thực sự được đảm bảo theo quy định của Hiến pháp”, ông nói.
Liệt kê các trường hợp bị thu hồi đất tại Điều 79, ông đánh giá, việc xác định lợi ích công cộng trong thu hồi đất là một bài toán rất khó và khó xác định lợi ích công cộng trong thu hồi đất, nếu chỉ áp dụng phương pháp loại trừ hoặc phương pháp xác định cụ thể. Khái niệm lợi ích công cộng như dự thảo luật chưa bao quát thực sự rõ ràng. Vì vậy ĐB đề nghị kết hợp hai phương pháp xác định lợi ích công cộng, cần xác định ai là người sử dụng đất tiếp theo, nếu sau khi thu hồi việc sử dụng đất không có yếu tố nhà nước, không phải vì mục đích công cộng…
ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hoà) chỉ ra, Điều 79 các tiêu chí để nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được liệt kê gồm 3 nhóm lớn với 31 loại dự án. “Mặc dù dự thảo luật đã cố gắng xác định cụ thể danh mục các dự án mà nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, vì mục đích quốc phòng, an ninh, tuy nhiên, tôi e rằng dự thảo luật không thể liệt kê hết các dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sẽ phát sinh trong tương lai. Vì vậy, dự thảo luật cần thiết kế một chế định khác để xử lý trong trường hợp thực tế có phát sinh loại dự án cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng không có trong danh mục dự án đã được ghi trong luật”, ĐB đề xuất.
Minh Quang