Thú hoang vô tình

09/09/2015 - 19:07

PNO - Tại sao không phòng tránh tai nạn mà đợi xảy ra hậu quả đáng tiếc mới “khắc phục”?

Mấy ngày nay, báo chí đồng loạt đưa tin một nữ du khách bị hổ vồ đứt lìa cánh tay ở khu du lịch Trại Bò (H.Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An).

Cụ thể, sáng 23/8/2015, chị Lê Thị Yến (21 tuổi) cùng chồng và một số người bạn đến khu du lịch sinh thái Trại Bò để tham quan. Do không có người hướng dẫn nên chị Yến đi ra phía sau, nơi có dãy nhà xây làm chỗ cho hổ ăn và tránh mưa nắng.

Lúc đó, thấy nhiều người trèo lên hàng rào sắt đứng xem hổ, chị Yến cũng đến xem. Khi chị Yến đang đứng cách hàng rào sắt khoảng 30cm và quay mặt ra ngoài để chuẩn bị rời đi thì bất ngờ một con hổ trắng lao đến, chụp và cắn đứt lìa cánh tay trái của chị.

Thấy chị Yến gặp nạn, chồng chị cùng bốn người đi cùng hoảng hốt chạy tìm gậy để đánh hổ, giải cứu cho chị. Do cánh tay chị Yến đã bị hổ cắn nát nên bệnh viện không thể nối lại, phải cắt bỏ đến gần sát nách.

Thu hoang vo tinh
Chị Lê Thị Yến đã bị hổ cắn nát tay đến sát nách

Đọc tin, tôi thấy có nhiều việc thực sự không hiểu nổi. Một nơi nuôi thú hoang, lại là thú dữ, mà chỉ có một lớp hàng rào bảo vệ, đến nỗi cọp dễ dàng xổng ra cắn người? Ở nơi nuôi thú dữ mà “nhiều người trèo lên hàng rào sắt đứng xem”?

Ở đây, không thể không nói đến sự kém chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư: không bảo đảm an toàn về xây dựng, che chắn; không có người hướng dẫn, giám sát; nhưng cũng không thể không trách sự bất cẩn, coi thường tính mạng của nhóm du khách.

Thời điểm nhiều người trèo lên hàng rào sắt để xem hổ, nếu không phải một mà nhiều con hổ nổi giận, hậu quả sẽ như thế nào? Đây không phải lần đầu tai nạn xảy ra ở khu du lịch, vườn thú.

Gần đây nhất, trưa 17/5/2015, một gia đình cho con đi chơi ở vườn thú Hà Nội (P.Ngọc Khánh, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội), trong lúc chơi đùa, bé trai ba tuổi đã chui qua hàng rào cấm để cho khỉ ăn, bị một con khỉ kéo vào trong và cắn rách tay.

Chiều 23/12/2013, anh Đoàn Hữu Tài (28 tuổi, quê Vĩnh Long, nhân viên vườn thú) lấy thùng sơn nước lách người qua thanh chắn chuồng voi để sơn lại hàng rào khu vực khách tham quan của khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương), đã bị con voi đực tên là Ka nặng hai tấn dùng vòi cuốn ngang người, quật chết.

Cũng tại khu du lịch này, vào chiều 10/9/2009, ba nhân viên vườn thú đang trồng cây xanh thì bất ngờ bị một con hổ chuồng kế bên nhảy qua vách ngăn cao 3m tấn công làm anh Nguyễn Thanh Giàu (21 tuổi) bị trọng thương vùng cổ và đầu; ông Nguyễn Công Danh (47 tuổi) bị cắn chết...

Thông thường, cứ sau một tai nạn xảy ra liên quan đến thú dữ, đại diện khu du lịch nơi xảy ra tai nạn đều thanh minh “đây là tai nạn ngoài ý muốn” và họ “đã nỗ lực đưa nạn nhân đi cấp cứu, sẽ chi trả mọi chi phí điều trị”, “sau sự việc này, khu du lịch đã tăng cường người hướng dẫn để tránh tai nạn tương tự” v.v... Tại sao không phòng tránh tai nạn mà đợi xảy ra hậu quả đáng tiếc mới “khắc phục”?

Cũng thông thường, sau một tai nạn, khu du lịch nơi xảy ra tai nạn bắt đầu bị soi kỹ, bị đình chỉ hoạt động, từ đó loại hình du lịch cũng bị đặt vấn đề. Người ta chú trọng tới cái chưa được để phủ nhận những điều “đáng tuyên dương” của giới đầu tư.

Chẳng hạn như trong bối cảnh mà điểm vui chơi, khu du lịch quá khan hiếm, có những ông chủ tư nhân bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư làm khu du lịch, điều đó thật đáng quý. Trong bối cảnh thú hoang trong tự nhiên bị săn bắt vô tội vạ, có người bỏ tiền tỷ để nhân đàn hổ trong môi trường bán hoang dã cũng là điều quá đáng quý.

Khi mà người dân không còn cơ hội tận mắt nhìn thấy hổ, ông chủ khu du lịch Trại Bò đã mua một cặp hổ vàng, một cặp hổ trắng từ châu Phi và sau 5 năm, đã nhân đàn lên thành 30 con (20 hổ vàng, 10 hổ trắng) để người dân chiêm ngưỡng, là việc đáng nể đấy chứ!

Ngành du lịch nhiều nước, trong đó có Thái Lan, rất thành công với loại hình tham quan rừng safari nuôi chim, thú bán tự nhiên, bán hoang dã và hốt bạc.

Ở đó, họ có những khu nuôi cọp, beo, sư tử, bò tót, voi rừng… con nào con nấy béo tốt. Du khách được chở bằng xe đóng kín cửa kính, tận mắt xem thú sống như trong tự nhiên.

Chúng ta khó có những khu safari rộng hàng ngàn héc-ta như họ, nhưng cũng đã có (và có thể có thêm) những khu du lịch nuôi thú rộng vài chục héc-ta.

Nhưng, chúng ta có được tạo điều kiện để làm như họ? Và có đủ sự chuyên nghiệp, cẩn trọng như họ? Hay cứ làm dối, làm ẩu, để rồi khi xảy ra sự cố đáng tiếc, lại cho là “ngoài ý muốn” và lại… “hết sức xin lỗi”?

Ngọc Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI