PNO - PNO - Máu lẫn nước mắt đã đổ xuống ở chặng đua chung kết Cuộc đua kỳ thú 2013 và đội giành được 300 triệu đã được tìm thấy.
edf40wrjww2tblPage:Content
Quả thật đây là chặng đua đầy kịch tính, nhất là khi các đội bám nhau sát sườn và đội nào cũng có thế mạnh riêng.
Sau 11 chặng đua, nơi được chọn làm chặng dừng chân của hành trình là Hà Nội, và thứ tự xuất phát của các đội là: Linh Chi - Nhan Phúc Vinh, Thu Hiền - Diệp Lâm Anh, Thùy Dung - Đức Hưng. Với thử thách tìm mua một bức tranh cổ động về Hà Nội giai đoạn năm 1945 - 1975, ba đội đều gặp khó khăn như nhau vì việc tìm một cửa hàng bán tranh thông thường ở Hà Nội không khó, nhưng nơi bán tranh cổ động thì không phải ai cũng biết. Sau nhiều lần đến nhầm nơi, hỏi thăm vất vả, đội Thu Hiền - Diệp Lâm Anh phải dốc toàn bộ số tiền mình có để mua nhưng hóa ra lại mua một bức tranh không đúng chủ đề yêu cầu, phải quay lại trả tranh và tiếp tục hành trình tìm kiếm. Ở thử thách này, hoàn thành nhanh chóng nhất vẫn là đội Linh Chi - Nhan Phúc Vinh.
Sau thử thách này, các đội phải đưa ra lựa chọn giữa việc giải mật mã tìm tựa sách ở thư viện Tràng Thi hay múa rối nước ở Nhà hát Thăng Long. Đội Thùy Dung - Đức Hưng là đội duy nhất lựa chọn tìm tựa sách trong khi hai đội còn lại đều quyết định lựa chọn múa rối nước. Nếu như múa rối nước khiến đội lựa chọn phải mất nhiều thời gian vì tập luyện và xây dựng kịch bản câu chuyện cho “vở” của mình, thì ở thử thách tìm tựa sách, Thùy Dung - Đức Hưng chỉ mất hơn 10 phút để giải mã bức mật thư, tìm ra tựa sách Đại Việt sử ký toàn thư. Nhờ hoàn thành suôn sẻ thử thách này, Thùy Dung - Đức Hưng đã rút ngắn đáng kể khoảng cách với hai đội còn lại.
Ở thử thách tiếp theo - viết thư pháp Hán Nôm ở Đền Ngọc Sơn, cả ba đội bám sát nhau hơn khi cùng hiện diện tại điểm thực hiện thử thách. Dù Linh Chi từng học qua chữ Hán vốn có bộ chữ khá gần với chữ Hán Nôm, nhưng đội của cô phải mất đến ba lần, mỗi lần bị phạt khoảng thời gian tàn một nén nhang mới viết đúng yêu cầu. Tranh cãi tiếp tục xảy ra ở đội này, khi mỗi thành viên đều khăng khăng muốn đồng đội phải viết đúng ý mình. Khoảng cách giữa họ và đội Thu Hiền - Diệp Lâm Anh đến lúc này đã kéo gần lại hơn một chút, khi hai cô gái chỉ hoàn thành xong sau hai lần viết. Thùy Dung - Đức Hưng vẫn là đội hoàn thành cuối cùng.
Cũng giống như chặng cuối của năm ngoái, thử thách khắc nghiệt nhất đã xuất hiện ở Vượt rào. Nếu như năm ngoái thành viên thực hiện Vượt rào phải đi thăng bằng trên một thanh sắt vắt ngang trên độ cao tương đương tòa nhà bốn tầng, thì năm nay thử thách đó là leo lên tầng cao của tòa nhà The Garden chỉ bằng một sợi dây thừng để đưa đồng đội của mình xuống bằng thang cứu hỏa. Dù có thể lực vượt trội và kỹ năng của một sinh viên ngành Sư phạm Thể dục, nhưng với thử thách này, Nhan Phúc Vinh đã thực hiện đến hai lần và đều phải dừng lại giữa chừng. Chưa kể việc đu bám dây đã khiến cổ tay bong gân của anh “lên tiếng”, phải nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng y tế hiện trường. Lần thứ ba, tuy thành công nhưng anh đã phải trải qua một cơn đau đớn, khiến đồng đội của mình phải bật khóc khi chứng kiến.
Trong khi đó, dù có kỹ năng bật người của những năm tháng theo đuổi nhảy múa, nhưng thử thách này có vẻ quá sức đối với thể lực của một cô gái, dù đó là cô gái vốn dẻo dai và giỏi chịu đựng như Diệp Lâm Anh. Đến lần thực hiện thứ ba, Diệp Lâm Anh mới hoàn thành, bám sát đội Linh Chi - Nhan Phúc Vinh đến điểm thực hiện thử thách cuối cùng trong gang tấc. Riêng đội Thùy Dung - Đức Hưng, người thực hiện thử thách này là Đức Hưng, nhưng sau hai lần thực hiện, Đức Hưng tỏ vẻ không thể nào kham nổi nhiệm vụ. Người thực hiện nhiệm vụ được hoán đổi sau đó, và Thùy Dung đã khiến Đức Hưng thốt lên “đây là người hùng của tôi” khi cô hoàn thành chỉ với một lần.
Sự gay cấn đã diễn ra ở thứ thách cuối tại Hoàng thành Thăng Long, các đội ghép một bức tranh mang hình ảnh mô phỏng 12 điểm đến của cuộc đua năm nay. Việc phải thực hiện thử thách này khi trước mắt là thảm đích, khiếp các đội mang một áp lực về thời gian và tâm lý không nhỏ. Với quyết tâm cao độ và thái độ khẩn trương, Linh Chi - Nhan Phúc Vinh đã trở thành đội đầu tiên khiêng bức tranh hoàn chỉnh đến đặt trước thảm đích. Tuy nhiên, danh hiệu Quán quân lẫn 300 triệu đồng vẫn chưa trong tầm tay của cả hai, khi một “gáo nước” đã dội xuống đội này: bị phạt 30 phút do vượt đèn đỏ trong quá trình di chuyển và dùng giấy bút để ghi nhớ tại thử thách viết thư pháp.
Vi phạm đó đã khiến đội Thu Hiền - Diệp Lâm Anh lấy lại được tinh thần sau giây phút cho rằng danh hiệu Quán quân đã vuột khỏi tầm tay. Sự khẩn trương ở 30 phút quyết định đã khiến cả hai phải dùng đến toàn bộ sức lực, đến mức Thu Hiền bật khóc khi vừa ghép xong bức tranh của mình. Cuối cùng, đội Linh Chi - Nhan Phúc Vinh phải ngậm ngùi nhìn 300 triệu tiền thưởng vuột dần khỏi tay mình qua mỗi bước chân của Thu Hiền - Diệp Lâm Anh tiến đến thảm đích. Hai cô gái người mẫu chân yếu tay mềm, từng gây nghi ngại khi đến với chương trình đã trở thành Quán quân mùa thứ hai của Cuộc đua kỳ thú.
Câu hỏi còn lại
So với mùa trước, Cuộc đua kỳ thú năm nay đã tạo được hiệu ứng lan rộng khi thực hiện phiên bản dành cho người nổi tiếng. Tuy nhiên, chính vì dành cho người nổi tiếng nên chương trình đã để lại nhiều điều đáng bàn khác, nếu xét ở tinh thần của một cuộc đua thật sự, một phiên bản The Amazing Race thật sự. Hầu hết các thử thách đều không đi đến tận cùng khắc nghiệt như vẻ ngoài của nó, việc chấp nhận kết quả của người giám sát cũng dễ dãi hơn.
Ở thử thách làm chổi trong chặng 7, khán giả có thể nhìn vẻ mặt miễn cưỡng cho qua của người giám sát trước sự nài nỉ của Linh Chi. Ở thử thách lùa heo vào chuồng của chặng 11, dù quy định ghi rõ là người chơi không được dùng tay chân chạm vào các chú heo nhưng hình ảnh hậu trường sau đó cho thấy Tiến Đạt đã dùng chân đẩy heo vào, thế nhưng kết quả đó vẫn được ghi nhận… Đáng nói hơn cả là việc hoán đổi người thực hiện thử thách Vượt rào ở chặng cuối cùng của đội Thùy Dung - Đức Hưng.
Trả lời điều này, đại diện truyền thông của chương trình cho biết với phiên bản dành cho người nổi tiếng này, trong trường hợp bất khả kháng, người thực hiện Vượt rào được phép hoán đổi. Tuy nhiên, nếu so với luật chơi được đề ra trong format gốc của chương trình thì lời giải thích này không hề hợp lý, bởi thử thách Vượt rào (Roadblock) tuyệt đối không cho phép hoán đổi người. Chẳng những thế, kể từ mùa thứ sáu, các đội phải phân công sao cho mỗi thành viên có số lần thực hiện Vượt rào bằng nhau, việc đảm bảo số lần này cũng có quy định được công bố từ đầu của Cuộc đua kỳ thú. Không kể việc hoán đổi người chưa từng xảy ra ở chương trình các nước, ngay cả phiên bản dành cho người nổi tiếng, đánh giá tình trạng “bất khả kháng” của Thùy Dung - Đức Hưng trong trường hợp này là không thỏa đáng. Bởi, nếu không thực hiện được, đội chơi có thể bỏ qua thử thách và chấp nhận chịu phạt về thời gian mà trong các phiên bản nước ngoài, đó thường là bốn tiếng đồng hồ. Lẽ nào vì đây là người nổi tiếng nên luật chơi được áp dụng khác đi?