Thu hẹp khoảng cách giới trong lao động, giải pháp nào?

16/12/2023 - 06:00

PNO - Dù đã có nhiều quy định hỗ trợ phụ nữ trong lao động, song nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn khoảng cách giới, những khó khăn trong bối cảnh hội nhập quốc tế khiến chị em gặp khó khăn trong tìm “kế sinh nhai”.

Thách thức tìm kiếm việc làm trong hội nhập

Chiều 14/12, tại hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới”, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - chia sẻ, dù đã từng bước cải thiện, song khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động, việc làm vẫn còn tồn tại. Số liệu năm 2022 chỉ ra, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,2%, trong khi của nam giới là 74,2%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của nữ đạt 23,9%, thấp hơn so với tỉ lệ tương ứng của nam là 28,7%. Lực lượng lao động nữ là người dân tộc thiểu số đang chịu bất bình đẳng đan xen, là một trong những nhóm yếu thế nhất trong thị trường lao động… Thu nhập của lao động nữ luôn thấp hơn lao động nam ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - nhấn mạnh cần phát triển giáo dục nghề nghiệp cho phụ nữ để đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trong giai đoạn mới - ẢNH: HUYỀN ANH
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - nhấn mạnh cần phát triển giáo dục nghề nghiệp cho phụ nữ để đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trong giai đoạn mới - Ảnh: Huyền Anh

Cùng mối quan tâm trên, trong tham luận gửi tới hội thảo, bà Thái Thu Xương - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - đã chỉ ra, phụ nữ đang đứng trước cơ hội việc làm rộng mở khi Việt Nam hội nhập kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, trình độ, chuyên môn kỹ thuật nghề nghiệp của lao động nữ chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu mới của thị trường lao động. “Lao động nữ khi tham gia thị trường lao động thường gặp khó khăn trong việc sử dụng, vận hành những phương tiện kỹ thuật, công nghệ và lúng túng khi sử dụng máy vi tính. Các kỹ năng mềm của lao động nữ chưa được đào tạo kỹ càng. Kỹ năng được trang bị chưa phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động” - bà Xương phân tích.

Tỉ lệ nữ tiếp cận với công nghệ và kỹ thuật số cũng thấp hơn đáng kể so với nam giới. Chính vì vậy, họ gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm mới trong điều kiện cả nước và thế giới bước vào giai đoạn chuyển đổi số.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đào tạo nghề cho lao động nữ còn nhiều hạn chế bởi chỉ tập trung vào đào tạo các ngành nghề truyền thống, lao động phổ thông, đòi hỏi ít kỹ năng, mà chưa bắt kịp với phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao. “Tất cả hạn chế ấy đã ảnh hưởng đến khả năng phát triển nghề nghiệp của lao động nữ, góp phần làm thu hẹp khoảng cách giới trong thị trường lao động” - bà Thu Xương nhấn mạnh.

Giáo dục nghề nghiệp là giải pháp đột phá

Để giải quyết câu chuyện bất bình đẳng giới trong lao động, việc làm, theo bà Thái Thu Xương, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa lao động nữ - Nhà nước - người sử dụng lao động nữ. Về phía lao động nữ, ngoài việc nâng cao nhận thức về chủ động nâng cao năng lực, tìm kiếm việc làm, cần có sự giúp đỡ của Nhà nước thông qua hệ thống các trường đào tạo nghề, tư vấn định hướng nghề nghiệp của các trung tâm dịch vụ việc làm và sự ưu đãi tài chính. Đặc biệt, đối với lao động nữ ở lĩnh vực nông nghiệp bị mất việc làm do tác động của quá trình đô thị hóa, cần thiết phải được trợ cấp một khoản kinh phí để học nghề, chuyển nghề…

Công ty TNHH Lạc Tỷ 2 (khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, tỉnh Hậu Giang) giới thiệu công việc may da giày cho những nữ công nhân mới tuyển dụng - ẢNH: HUỲNH LỢI
Công ty TNHH Lạc Tỷ 2 (khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, tỉnh Hậu Giang) giới thiệu công việc may da giày cho những nữ công nhân mới tuyển dụng - Ảnh: Huỳnh Lợi

Cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tạo môi trường pháp lý, kinh doanh thông thoáng để bên cung và bên cầu về lao động nữ có thể gặp nhau một cách dễ dàng nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh và bình đẳng. “Nhà nước còn phải đứng ra tổ chức các hội chợ việc làm, qua đó thu hút, tập trung được những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nữ và những người có nhu cầu tìm việc” - bà Thu Xương đề xuất.

Về phía người sử dụng lao động nữ, các đơn vị cần có chế độ trả lương hợp lý để duy trì việc làm và hình thành việc làm mới có chất lượng. Doanh nghiệp cần áp dụng thời gian làm việc linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của lao động nữ; có chính sách hỗ trợ lao động nữ phát triển nghề nghiệp, đặc biệt là lao động nữ có năng lực, có khả năng lãnh đạo.

Bà Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh việc phát triển giáo dục nghề nghiệp cho phụ nữ phải theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, để giúp họ có đủ kiến thức, kỹ năng, tay nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và cạnh tranh khu vực, quốc tế. “Chúng ta cần coi giáo dục nghề nghiệp là biện pháp căn bản thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thu hẹp khoảng cách giới trong nhân lực chất lượng cao” - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI