Chị nhập viện trong mấy ngày cuối năm, vì một tai nạn trên đường đi làm về: va quẹt xe máy, té, trật khớp vai.
Mấy ngày nằm viện, bác sĩ cho làm một loạt xét nghiệm, phát hiện ra một hung thủ dữ dằn là căn bệnh tim mạch, cả huyết áp cũng không ổn định.
|
Chị té xe một ngày cuối năm - Ảnh minh họa |
Theo bác sĩ, với bao nhiêu điện tâm đồ và siêu âm, chụp chiếu, thì trái tim chị lâu lâu lại có một đoạn “ngắt kết nối”. Nó ngưng một nhịp rất nhẹ, rất nhanh, thoáng qua thôi nhưng đủ khiến chị lao đao, choáng, té ngã. Chị hình dung nếu hôm bữa không phải bị té giữa đường, chỗ đông người, mà té chỗ nào đó vắng vẻ hoặc rất nghiêng rất dốc, như cầu thang chẳng hạn, chắc chị đã lăn tuốt luốt xuống vực thẳm nào đó mà chẳng ai hay biết.
Câu ngạn ngữ cổ nói rằng con người ta có tới ba trái tim. Một trái tim ở nơi nó phải ở, bằng máu bằng thịt; trái tim thứ hai người ta tự khoe ra, để ở nơi mà mọi người đều dễ thấy dễ biết; còn trái tim thứ ba ở đâu, chỉ có chủ của nó mới biết mà thôi... |
Hai ngày đầu tiên trong bệnh viện hoàn toàn không điện thoại. Điện thoại của chị do con gái giữ. Chẳng biết nó trả lời người gọi đến ra sao, vì chị đâu có ở bên cạnh. Ngày thứ tư, khi đã có thể cựa quậy được mấy ngón tay, chị biết lý do: trên “phây” của chị, con gái đăng hình mẹ nằm trên giường bệnh, từ tay đến vai băng trắng, mắt nhắm kín không giấu được thần thái lo lắng sợ hãi ngập tràn.
Chị mở sẵn “phây” trên điện thoại, con gái vẫn quen dùng như chị, chắc chỉ cần chưa đến một phần trăm giây để chụp và cập nhật, thông báo cho cả thế giới tình trạng hiện thời của mẹ.
Nhìn tấm hình do một người khác - cho dù người đó là con gái - chụp mình trong một khoảnh khắc mà mình không thể “diễn” trước điện thoại, không thể mở to mắt, mỉm môi cười, nghiêng góc đẹp nhất của mình… chị thấy kỳ kỳ.
Hình như đây không phải là mình. Mà hình như đây mới chính là mình - người đàn bà hai mặt con, một công việc phải làm ở công ty, một ngôi nhà cần dọn dẹp chăm sóc…
Bình thường, như tất cả bạn bè, chị sẽ chọn đăng những tấm hình xinh đẹp, vui vẻ, hạnh phúc, những tấm hình không mập quá, không lam lũ quá, không buồn phiền mệt mỏi quá. Và rồi, hôm nay, bùm! Người đàn bà thật xuất hiện, là tất cả những gì đã giấu đi bao ngày qua! Người đàn bà mệt mỏi đau ốm ấy cũng được nhận ra, nhận bao lời thương cảm hỏi thăm an ủi chia sẻ của bạn bè trên mạng.
Hình như người ta đều biết cả - phía sau những long lanh đẹp đẽ ấy là gì. Tự nhiên, chị không muốn cải chính, cũng chẳng buồn nghĩ đến việc chụp tiếp mấy tấm ảnh khác làm gì.
Chị lắng nghe trái tim mình, tự hỏi khi nào thì đến cái nhịp “lỡ” ấy, cái khoảng ngắt bé xíu ấy. Trái tim chị vẫn đập, đều đặn cần mẫn, bình thường như một điều đương nhiên vẫn diễn ra hằng ngày, có lẽ vì vậy mà nhiều khi chị đã gần như không nhận ra nó.
Chị đã không hề kết nối với trái tim mình, không hề biết đến những cố gắng của nó, không hề biết đến năm tháng, công việc đang chồng chất thêm những gánh nặng trong từng nhịp đập của nó. Tự nhiên, chị thấy… thương trái tim mình, thương muốn chảy nước mắt.
Mà nó đang ở đâu trong ngực mình vậy kìa, cái nơi xuất phát của nhịp điệu nhỏ nhoi trầm mặc ấy? Chị đặt tay lên ngực mình, cố gắng xác định nó. Thật lạ kỳ khi nhận ra trong thời buổi người ta có thể định vị biết bao thứ trong nháy mắt, trái tim mình lại trở thành khó tìm kiếm đến vậy.
Chị còn nhớ một câu ngạn ngữ cổ nói rằng con người ta có tới ba trái tim. Một trái tim ở nơi nó phải ở, bằng máu bằng thịt; trái tim thứ hai người ta tự khoe ra, để ở nơi mà mọi người đều dễ thấy dễ biết; còn trái tim thứ ba ở đâu, chỉ có chủ của nó mới biết mà thôi.
Chuyện nhiều nghĩa lắm nhưng chị nghĩ chắc người ta cũng xuất phát từ nỗi bối rối khi tìm kiếm trái tim mình. Nhất là khi - chị nhìn con gái - mình đã chia một phần của nó cho con, cho những người thân yêu của mình. Một khối cơ bằng khoảng hai nắm tay, chứa đầy máu, đập những nhịp đầu tiên khi mình tượng hình trong bụng mẹ…
|
Có thật con người có tới ba trái tim? Ảnh minh họa |
Bác sĩ nói sẽ tiến hành đặt máy tạo nhịp cho trái tim của chị. Hình dung một khối kim loại sẽ được đưa vào trong ngực mình, chị bắt đầu cảm thấy lo lắng, thấy mùi vị của kim loại trên đầu lưỡi.
Bác sĩ bảo bây giờ người ta bắt đầu thương mại hóa những trái tim nhân tạo, giá khoảng hơn 4 tỷ đồng. Bác sĩ cho chị xem hình dáng của trái tim nhân tạo ấy.
Chắc ông có ý trấn an, nhưng chị lại cảm thấy hốt hoảng hơn. Trái tim của chị, trái tim không thể chụp ảnh được ấy, chị không biết trông nó như thế nào so với trái tim máy nhưng chị vẫn nghĩ nó đẹp hơn, nồng ấm hơn. Liệu mình có bị thay tim?
Chị cố hỏi, cố thiết lập và cảm nhận những kết nối của mình với trái tim đang đập trong ngực - những cố gắng kết nối đầu tiên của một con người đã có nhận thức về bản thân, những kết nối không xa xôi toàn cầu mà hướng về bên trong mình, nội tại.
Ngày mai, chị sẽ kể con gái nghe về trái tim của con bé, để con bé có thể hình dung, có thể nhận biết sớm hơn chị một chút, để nếu có thể, biết đâu con bé sẽ bớt những kết nối bạn bè, mạng xã hội, hướng về bên trong mình nhiều hơn, lắng nghe mình, đừng để đến lúc “lỡ nhịp” rồi mới biết thương mình quá mệt.
Đàn bà, vốn tinh tế, nhạy cảm, yêu thương, nhưng hình như giữa nhịp sống này, tinh tế yêu thương bị hướng ra bên ngoài nhiều quá. Đến nỗi đôi khi bỏ qua cả những lần lỡ nhịp của chính mình.
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.