"Tôi ghét.. tôi". Đó là câu bình luận buồn bã của cô gái hai mươi tuổi. Em bảo chính mẹ em cũng xem em là kẻ xấu xa và thường đem em ra so sánh với những anh chị em khác trong nhà, rằng em là một đứa đáng ghét.
Đặt chân vào giày của người khác bằng sự thông thái
Khoa học giáo dục đã tuyên bố rằng, những người có ảnh hưởng đến trẻ, như cha mẹ và người nuôi dưỡng, phát ngôn gì đó về trẻ, dẫu là tiêu cực hay tích cực, đùa cợt hay thật lòng, đều trở thành niềm tin tiềm tàng ở trẻ và theo trẻ trọn đời. Sự thật thì, những lời nói này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ, hình thành “giọng nói bên trong”, nhắc nhớ trẻ phải sống như thế…
Nếu cha mẹ hay người nuôi dưỡng biết động viên và khen ngợi thường xuyên, trẻ sẽ lượm nhặt thái độ lành mạnh và ủng hộ, giúp xây dựng mặt mạnh của lòng tự trọng - thế mạnh ở bản thân.
|
Sự chỉ trích của cha làm cậu chán ghét bản thân và hận thù cha ghê gớm. Ảnh minh hoạ |
Về trường hợp cô gái trẻ nói ở trên, gần hai mươi năm bị mẹ chỉ trích và đem ra so sánh với vẻ coi thường, cô đã bình luận về mình như một đứa con bỏ đi và cảm thấy chán chường. Vấn đề là, tại sao cha mẹ hay người nuôi dưỡng lại sử dụng những lời nói, khiến nó trở thành những lời nhận định về bản thân một cách tiêu cực và thiếu tự tin ở trẻ?
Điều này làm tôi nhớ lại một cậu thanh niên mà tôi đã từng tư vấn, giọng nói chỉ trích của cha khi cậu còn nhỏ đã trở nên ngày một lớn, làm cậu chán ghét bản thân và hận thù cha mình ghê gớm.
Tôi đã cho cậu mường tượng bước vào thế đứng của cha, xem ông ấy đã cảm thấy gì khi nuôi cậu trưởng thành. Cậu nhìn ra cuộc đời của cha đã cơ cực như thế nào. Ông đã phải lớn lên trong thời chiến, đói khát, sợ hãi, do vậy, ông luôn đau đáu mong cậu thành đạt, thoát khỏi đói nghèo.
Đứng vào chỗ của cha, cậu đã có được sự đồng cảm, nhận ra nỗi khổ của cha. Điều này làm giảm nỗi oán giận cha. Cậu hiểu ra cha cậu đã phải vất vả, chỉ để cậu có một cuộc sống tốt hơn, do vậy, ông buộc cậu phải học thật giỏi.
Hiểu ra là được giải thoát
Đối với chàng trai trẻ này, hiểu được hoàn cảnh của cha khi còn nhỏ đủ để giải thoát cậu khỏi nỗi oán giận. Sự hiểu biết này không có nghĩa là cậu phải đồng ý với việc cậu bị bạo hành và bị đem ra so sánh với những đứa trẻ khác là đúng, mà giúp cậu hiểu được lý do, và không lấy đó làm cơ sở cho “giọng nói bên trong” của cậu.
|
Ảnh minh họa |
Từ oán giận, cậu đã có thể bắt đầu tôn trọng cha mình vì sự khó nhọc và hy sinh của ông trong chừng ấy năm để nuôi cậu trưởng thành. Từ đó giúp cậu phát triển lối suy nghĩ tích cực và xây dựng. Cậu đã chấp nhận giọng nói đó đến từ đâu và học cách đánh giá cao bản thân mình. Quá trình này cho phép cậu xây dựng sự tự tin để đạt được điều tốt nhất và là người giỏi nhất có thể. Từ một thanh niên buồn bã, bực bội và giận dữ, cậu đã trở thành một chàng trai trẻ tự tin, năng động, linh hoạt và hạnh phúc.
Cậu thanh niên đã tập đứng vào đôi giày của cha, hiểu ra điều nằm sau hành vi tiêu cực của cha, để rồi, chữa lành tổn thương quá khứ và xây dựng lòng tự trọng của chính mình. Thông qua quá trình này, chàng trai trẻ cũng đã tự tìm ra câu trả lời cho bản thân và những người khác, câu hỏi vì sao cha mẹ và trong trường hợp cụ thể này, một người cha yêu con, lại thường xuyên đánh đập, chỉ trích và nhồi nhét những câu tiêu cực vào đầu con trẻ.
Rõ ràng ông không hề có ý định làm con tổn thương, nhưng do ông bị ảnh hưởng nặng nề vì sự tổn thương của chính ông, và ông đã không biết cách vượt qua. Chấn thương này ảnh hưởng quá lớn đến cách nuôi dạy con của ông.
Nếu bạn làm cha mẹ
Công việc làm cha mẹ là vô cùng quý giá và quan trọng, nhưng hầu như chúng ta chỉ bắt đầu học việc khi sinh con. Nếu bạn là cha mẹ, sẽ rất hữu ích khi tự ngẫm nghĩ về thời thơ ấu, hiểu rõ cách thức nuôi dạy con cái một cách tích cực hay tiêu cực và tác động của chúng là những gì.
Một số suy ngẫm đơn giản:
- Dành thời gian và không gian một mình.
- Hít thở sâu và thư giãn đầu óc. Loại bỏ căng thẳng trong tâm trí và để bạn bình tĩnh.
- Tách bạch bản thân bạn khỏi tình huống để nhìn rõ vai trò làm cha mẹ của bạn.
- Trước nhất, hãy dành thời gian để đánh giá cao bản thân, thời gian và năng lượng bạn đã dành cho con của bạn
- Tự nhìn nhận những điều tích cực và tiêu cực từ lối giáo dục của cha mẹ bạn dành cho bạn, sau đó, tự hỏi xem những cách dạy dỗ đó còn hữu ích trong cách nuôi dạy con cái của bạn không?
- Bạn có cần thay đổi gì trong cách nói và hành xử với con bạn không? Nếu có, bạn muốn nói hoặc hành động khác nhau như thế nào?
- Nhìn xem có những trải nghiệm tiêu cực từ thời thơ ấu của bạn ảnh hưởng không tốt đến cách bạn nói và hành động với con bạn bây giờ không? Nếu có, bạn muốn nói hoặc hành động khác đi như thế nào?
- Bạn có so sánh con bạn với những trẻ khác để thúc đẩy cháu không? Nếu vậy, khi so sánh có thể làm tổn hại rất nhiều đến lòng tự trọng của cháu, bạn có thể nhìn ra cách khác tích cực hơn để thúc đẩy cháu không?
Là cha mẹ, chúng ta có thể bận rộn, nhưng đầu tư hai mươi phút một ngày hoặc cứ sau vài tuần, bạn hãy dành thời gian để bước lùi lại về mặt tinh thần để nhìn nhận điều đã xảy ra và điều có thể được cải thiện, để hành xử tốt hơn đối với con cái. Tương lai của bạn rất tươi sáng và bạn có thể tạo dựng nó theo cách bạn muốn. Hãy vượt trên giới hạn của những thử thách từ quá khứ và hiện tại.
(cố vấn của InnerSpace Việt Nam)