Thù hận đi về đâu?

22/02/2022 - 11:54

PNO - Ly hôn song phương không được rồi tới ly hôn đơn phương, phán quyết sơ thẩm rồi phúc thẩm. Cuộc chiến kéo dài cho đến khi con đầu của chị vào đại học, và anh có thêm một đứa con “ngoài hôn thú”.

Anh rời khỏi nhiệm sở ở một tỉnh miền Bắc, trở về làm việc tại thành phố quê hương, sum họp với gia đình. Chị xong bằng thạc sĩ, được đề bạt lên làm trưởng bộ phận trong một công ty kiểm toán lớn. Con cái đã học cấp II cấp III, nhà cửa, xe hơi đã có. Vậy mà họ âm thầm chia tay với lý do muôn đời không thể giải thích của những cặp đôi trí thức: cách sống không phù hợp. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Bạn bè tiếc, gia đình hai bên đều buồn, chỉ người trong cuộc là bình tĩnh: không hợp nữa thì chia tay, văn minh lịch sự, không kể tội nhau, không nói xấu nhau, không cãi vã đập bàn quăng vỡ nồi niêu chén bát. Các con có quyền chọn ở với ba hoặc mẹ. Tài sản chung được định giá chuyên nghiệp, sẽ bán hết để chia đôi trước khi ly hôn.

Chị đã có sẵn một căn hộ mới cho cuộc sống tự do của mình, dù mới trả được một phần tiền nhà, chị vẫn tự tin cuộc sống của ba mẹ con sẽ ổn. Căn hộ được bán cho một người bạn, tiền đã chuyển. Vợ chồng họ thống nhất cuối tháng đó sẽ gặp luật sư để ký đơn gửi tòa. 

Ngay trước ngày ký đơn, chị đảo một vòng qua nhà cũ. Nhà đã được sơn sửa, sắp xếp lại theo phong cách của chủ mới, nhanh thật. Nhưng điều làm chị choáng váng là chồng chị vẫn ở đó, người hàng xóm nói thấy anh chở bà chủ mới đi làm.

Chị không tin, đến chiều chị quay xe trở lại, tận mắt chứng kiến đôi uyên ương về tổ. Một đêm thức trắng điều tra khắp lượt bạn bè, chị hiểu ra câu chuyện: người “bạn” tốt bụng mua căn nhà của chị là đối tác làm chung với anh gần cả năm nay.

Nhiều người biết giữa họ có gì đó, nhưng ai cũng nghĩ chuyện “hoa lá cành” cho vui. Khi anh chị quyết định chia tay, người “bạn” ấy thấy ngay cơ hội của mình. Họ thật sự thắm thiết trong mấy tháng gần đây, khi anh coi như được tự do. 

Mua căn nhà của chị, người “bạn” ấy sòng phẳng, nói giá bao nhiêu trả đủ bấy nhiêu, thậm chí chấp nhận mua giá mắc hơn vì biết đối với anh căn nhà ấy có ý nghĩa rất lớn. Chỉ cần tòa công nhận cho anh chị ly hôn, họ sẽ làm đám cưới ngay.

Sáng hôm sau, chị trang điểm kỹ càng đến văn phòng luật sư trước anh một tiếng, bàn thảo, hỏi han kỹ lưỡng tất cả. Khi anh vô tư bước vào văn phòng một giờ sau đó, chị tuyên bố: không đồng ý ly hôn, không ký đơn.

Tiền bạc tài sản đã chia đôi, ai cứ giữ phần người đó, nhưng chị đã “suy nghĩ lại”, chị “vẫn mong muốn gìn giữ gia đình” và hủy quyết định ly hôn. Nhìn mặt chồng choáng váng, chị mỉm cười ngạo nghễ, thấy mình chưa bao giờ vui như thế. 

Cuộc chiến của họ dằng dai từ đó. Đúng ra chỉ là cuộc chiến của anh. Năm lần bảy lượt năn nỉ, thương thảo, thậm chí gây sự với cả gia đình bên vợ để ép vợ đồng thuận ly hôn, lần nào anh cũng thất bại.

Người “bạn” ở chung nhà với anh vẫn bản lĩnh tuyên bố trên “phây” rằng họ là vợ chồng, không cần hôn thú. Nhưng chị là người hiểu “bạn”, chị biết nỗi khao khát được chính danh của người đàn bà ở tuổi U40, chị hiểu nỗi lo lắng của người “bạn” sống đời vợ hờ ngay ngáy lo chồng mỗi ngày gặp gỡ làm ăn với bao cô gái trẻ trung hơ hớ.

Chị không cần anh, nhưng chị giữ rịt cái giấy đăng ký kết hôn, coi đó là vũ khí để trả thù. 

hai người đàn bà không
Hai người đàn bà trong cuộc chiến ngấm ngầm quanh tờ giấy hôn thú (Ảnh minh họa)

Hai người đàn bà, một người không lui, một người không tới. Gần ba năm đã trôi qua, dê đen và dê trắng đứng mãi trên cầu, tờ hôn thú cũ vẫn chưa xé bỏ được. Ly hôn song phương không được rồi tới ly hôn đơn phương, phán quyết sơ thẩm rồi phúc thẩm. Cuộc chiến kéo dài cho đến khi con đầu của chị vào đại học, và anh có thêm một đứa con “ngoài hôn thú” với người “bạn” ở chung nhà. Chị vẫn tuyên bố không bao giờ tha thứ cho kẻ lừa đảo. 

Hôm bố chồng của chị mất, chị vẫn về lo đám cho tròn nghĩa dâu con. Nhìn xe chị vào cổng, anh em bên gia đình chồng người quay mặt đi, người bước tránh. Mẹ chồng chị vẫn đón cả hai mẹ con, dẫn cháu nội đến trước bàn thờ ông, cúi đầu khóc nghẹn. Chị biết mẹ con người “bạn” cũng được chồng của chị đưa về thắp nhang, nhưng chị không thèm nói gì, vẫn ngẩng đầu nhìn mọi người.

Chồng của chị trông bơ phờ mệt mỏi, tóc đã bạc nhiều, chắc phần vì lo công chuyện nhà, phần lo nuôi con nhỏ. Tự nhiên chị muốn hỏi xéo xắt một câu: Anh có hạnh phúc không? Chị nghĩ đến câu “thần chú” từng đọc thầm trong hàng trăm đêm nung nấu: “Bậu ra cho khỏi tay choa/ Cái xương bậu nát cái da bậu mòn…”.

Rồi chị kịp dằn lòng lại, tự hỏi: Mình có hạnh phúc không? Nếu như bình thường, câu trả lời sẽ vô cùng mạnh mẽ: Có, mình đã làm được điều mình muốn. Nhưng hôm nay câu trả lời nghe không được tự tin mạnh mẽ như ngày trước. Chị đã quyết định tự mình nắm lấy số phận của mình, nhưng rồi lại muốn nắm thêm cả số phận của người khác nữa. Mải mê lo nắm lo giữ, thời gian để sống cũng không còn.

Người đàn ông tóc bạc đứng kia, bên cạnh người cha vừa yên nghỉ. Còn chị, chị làm gì ở đây, hay vẫn loay hoay phung phí nốt những ngày tháng ít ỏi còn lại của cuộc đời mình cho một trò thù hận chẳng đi về đâu… 

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI