Thư gửi từ ngôi làng đại học trong trí nhớ

15/02/2021 - 06:37

PNO - Tôi trở về thăm ký túc xá Tân Phú và làng đại học Thủ Đức, nay đã thành khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM. Con đường mòn ngoằn ngoèo từ Xa lộ Hà Nội vào chốn cũ giờ đây có quá nhiều lối rẽ với nhiều công trình hoành tráng.

Thời gian “gấp ruổi”
Từ thập niên 1990, Thủ Đức đã tập trung nhiều trường đại học. Làng đại học Thủ Đức khi ấy rộng hàng trăm héc-ta, nhưng chỉ có một con đường nhựa dài chưa đầy cây số, chẳng đủ cho hai chiếc ô tô tránh nhau. Mỗi ngày, con đường ấy chỉ có duy nhất một chiếc xe buýt 52 chỗ màu xanh chạy hai lượt lên xuống, đưa rước thầy cô giáo và sinh viên nội thành. Những con đường còn lại đều là đường mòn, lối tắt. Dẫn đến đâu cũng chỉ thấy rừng tràm, cỏ dại. Thỉnh thoảng có một vạt khoai mì, lưa thưa nhà tranh vách đất lấp ló dưới những tán cây… Nếu không có mấy dãy nhà ở, giảng đường, có lẽ, người đứng đây dễ tưởng mình đang lạc vào một bìa rừng nào đó. 

Làng đại học  Thủ Đức đã đi vào  ký ức bao thế hệ sinh viên - những người sau này đã trở thành công dân thành phố
Làng đại học Thủ Đức đã đi vào ký ức bao thế hệ sinh viên - những người sau này đã trở thành công dân thành phố

Ngày nhập học, vừa được thả xuống làng đại học mơ ước, khung cảnh ấy lập tức gây cho đám tân sinh viên một cảm giác thất vọng. Mang tiếng là đi học đại học ở Sài Gòn, nhưng những gì trước mắt chúng tôi còn “quê mùa” hơn cả mọi hình dung.

Ngày đầu bước vào cuộc sống tập thể, tôi được hướng dẫn xuống kho xuất trình giấy tờ và nhận một cái vạt giường. Chàng trai 43kg khệ nệ vác cái vạt giường lên lầu ba mà lòng dạ bộn bề, không biết mẹ mình sẽ xoay đâu ra 180.000 đồng để đóng học phí cho học kỳ đầu tiên? Học xong mình sẽ làm gì? Hàng tá câu hỏi thấp thỏm về cuộc đời… Có nhiều đứa đã không hỏi nữa, mà quyết định bỏ học, chọn lối đi khác. Số còn lại được cuộc sống tập thể hồn nhiên, náo nhiệt kéo ra khỏi những muộn phiền về tương lai. 

Nhưng, cũng phải thừa nhận rằng, chính Thủ Đức với những cảnh quan gây chán nản đó, đã ôm ấp và cho lũ chúng tôi những ngày thơ mộng trên đất Sài thành. Làng đại học Thủ Đức vốn nổi tiếng với rất nhiều hồ đá. Mặt hồ rộng, nước trong xanh. Những buổi chiều tan học, chúng tôi cùng nhau thả bộ trên con đường nhựa hình cánh cung ra vườn điều, vườn tràm, hồ đá ngắm hoàng hôn và nghêu ngao ca hát.

Chúng tôi cũng chủ động giao lưu kết nghĩa với sinh viên trường bạn, cùng đốt lửa, ngồi bên nhau ca hát thâu đêm. Nhiều đôi lứa yêu nhau rồi thành vợ thành chồng từ những cuộc gặp gỡ, hẹn hò thuở hoa niên ấy.

Nhưng ký ức về cuộc sống sinh viên cách đây 30 năm - khi thời bao cấp vừa được xóa bỏ - sẽ không trọn vẹn nếu không nói chuyện cơm áo, nỗi ám ảnh một thời. Xa nhà, được tự do, đám con trai bắt đầu tập tành la cà quán xá nên thường xuyên bị “viêm màng túi”. Tôi còn nhớ thằng Việt nhà ở Đồng Nai, thằng Hải nhà ở Bình Dương… cứ gần hết tháng là về quê vác gạo, khoai, chuối xanh, mít non… lên cứu đói cho cả bọn. Còn thằng Chính quê Bạc Liêu sống phóng túng nên thường xuyên hết tiền. Những buổi chiều chập choạng, bụng đói, nó thường ra ban-công lầu ba nhìn xuống con đường mòn hun hút ra xa lộ để ngóng xem có đứa nào về quê lên không. 

Người Thủ Đức trong lòng đám sinh viên tỉnh lẻ thuở ấy là cái gì đó đã được “biểu tượng hóa” thông qua những người dân mưu sinh nơi làng đại học. Được cụ thể, trong bữa cơm 600 đồng mà có cả rau muống xào, cà pháo, thịt luộc ở quán anh Hân, đĩa cơm gạo xấu, xới đầy ụ, nhưng đứa nào cũng phải kêu thêm cơm và không bữa nào không xin thêm chén nước chan. Ở quán anh Tư Râu nằm dưới mấy gốc cây tràm đầu con đường đất, chủ quán còn cho thêm chút tóp mỡ với nước mắm mặn. Đến cuối năm học, tôi chuyển sang ăn ở quán chị Hằng trước cổng Trường đại học Thể dục Thể thao. Chị Hằng gốc miền Tây nên chế biến đồ ăn mặn mòi, thường xới cơm vào đĩa sâu ú hụ nên rất được lòng đám trẻ nghèo tha hương.

Chín tháng ở “làng” trôi qua rất nhanh, chúng tôi vào học ở nội thành, bắt đầu tập tành “ra đời”, kiếm việc làm thêm, tự trang trải cuộc sống. Ba năm sau đó, chúng tôi ra trường, mỗi đứa rơi vào những khúc quanh khác nhau của cuộc đời. Nhưng mỗi khi có dịp gặp lại người quen cũ, chúng tôi lại nhắc chuyện ngày xưa ở "làng". Từ chuyện u Hoàng tạp vụ, quét dọn sân trường kiêm bán giải khát, rất xởi lởi, thân thiện; đến bố Long bảo vệ ký túc xá hiền như cục đất. Nghe nói bố từng là bộ đội Điện Biên, quân của Đại tướng Giáp năm xưa. Không biết họ còn khỏe không? Lũ chúng tôi đầu tóc xanh rì thuở trước nay cũng ngả bạc hết thảy rồi. "Thời gian gấp ruổi". Không trừ một ai.

Lời nhắn nhủ từ đông thành phố

Tôi trở lại thăm chốn cũ, lần tìm con đường cánh cung huyền thoại. Hai bên đường ken dày các loại dịch vụ từ quán ăn, giải khát, photocopy, tiệm net, tạp hóa cho đến tiệm giặt ủi, cắt gội, mỹ phẩm, spa làm đẹp… Chưa kể, một chợ dân sinh nằm ngay bên đường khiến con đường hiu quạnh ngày xưa vốn hẹp càng hẹp.

Tôi ngó quanh tìm quán chị Hằng nhưng không thấy, thay vào đó là một tiệm giặt ủi. Nhận ra người "quen quen” hỏi thăm, chị Hằng bật dậy sau cánh cửa, mừng rỡ: “Trời ơi, sao mà linh dữ vậy! Chị đang khoe với con gái, hồi đó chị còn bán cơm, sửa soạn coi cũng được lắm… “Sau 30 năm, sao nhà cửa vẫn vậy?”. Chị thật tình: “Bán cơm cho sinh viên mấy chục năm, lúc nào cũng đông khách, nhưng cũng chỉ “tay làm hàm nhai” chứ không dư dả. Đám sinh viên như em mình, cháu mình ở quê lên; nếu bán mắc, chị thấy có tội với cuộc đời, với tụi nhỏ. Công việc lại quá cực nên mấy năm nay chị chuyển sang làm giặt ủi. Cũng là phục vụ sinh viên thôi”. Rồi chị cười hề hề.

Một thế hệ sinh viên của “làng” cách đây 30 năm
Một thế hệ sinh viên của “làng” cách đây 30 năm

Tôi vào thăm u Hoàng. Năm nay u đã 82 tuổi. U nghỉ hưu sau khi chúng tôi rời “làng” khoảng ba năm, nhưng vì tình yêu với sinh viên và muốn được “lây” cái trẻ trung, yêu đời của đám nhỏ, u đã ký hợp đồng ở lại làm công việc cũ thêm gần chục năm, cho tới khi không còn sức để đảm đương nữa.

Theo đường vòng cung, tôi về trường cũ, bây giờ là Trường đại học Khoa học Tự nhiên. Những cây giá tỵ, cây dầu bé tý thời xưa, giờ cũng có chút “tuổi”. Chỉ có khu giảng đường với một phần xây âm dưới đất vẫn lặng lẽ như một bô lão trầm tư, còn sót lại của một thời. Khu giảng đường mới được xây trên một khu đất cao với nhiều bậc tam cấp. Nối con đường trong ký ức là rất nhiều con đường mới mở, rộng, dài, dẫn đến các trường đại học, trung tâm, khoa và các công trình… với khoảng trên 100 tòa nhà cao tầng.

Riêng ký túc xá sinh viên được thiết kế thành đô thị sinh viên với 47 tòa nhà cao từ 5 tầng đến 16 tầng, 7.000 phòng ở và 36.000 sinh viên đang lưu trú, với đầy đủ dịch vụ. Nhìn khu đô thị sinh viên đang sống, nhất là khi đêm xuống, mấy chục tòa nhà cao tầng nối nhau lung linh ánh đèn vàng, tôi lại tưởng tượng đến một "tiểu vương quốc" giàu có nào đó. Lại nhớ cái thời “làng” còn thô sơ chưa được dát tiện nghi, thời quay quắt bữa đói bữa no cùng đám bạn. Cái thời đã qua ấy.

Kể để nhớ về bản dạng một thời, rồi ngắm nghía cái bản dạng - đang thay da đổi thịt - mỗi ngày hôm nay. Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM đã và đang mang lại một giá trị “xanh” cho toàn vùng. Có lẽ, đó là những thành công bước đầu của thành phố, khi tạo ra một khu đô thị đại học được thiết kế mở với tham vọng chia sẻ và lan tỏa những giá trị đó ra cộng đồng. Nhưng có lẽ, hơn cả sự lan tỏa, cái “làng” mới hôm nay còn có trách nhiệm dẫn dắt, biết tạo ra những giá trị cộng thêm, để khu đô thị sáng tạo (mà nó là một trong ba chiếc kiềng) vững chắc ở chính cái cốt nền khai phóng từ mảnh đất phía đông của thành phố này. 

Hoàng Minh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI