Thư gửi Mẹ ngày Tết

02/02/2014 - 07:56

PNO - PNO - Ở đây, dẫu có ngồi bên mâm cao cỗ đầy cũng không thể nào con quên được hương vị Tết Việt với những món ăn do chính bố mẹ đã làm.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Đó là món chả xiên quê ta gọi là thịt có lỗ; là món bánh tẻ còn gọi là bánh nẳng mà bà Nội đã truyền lại bí kíp cho mẹ từ khi mới về làm dâu… Những ngày này cuối năm ở quê ta chắc nườm nượp người rủ nhau đi mua sắm, nghĩ đến đó mắt con thấy rưng rưng, cảm giác nôn nao... muốn về bên mẹ.

Tết này con lại không về. Mẹ ơi, bất cứ đứa con nào cũng muốn sum họp gia đình trong giờ khắc năm cũ qua đi, năm mới sắp đến. Với những người Việt sống xa quê hương như chúng con, nỗi mong chờ này càng cháy bỏng. Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện trở về đón Tết với gia đình. Con gái của mẹ cũng vậy, hơn mười năm lấy chồng xa xứ cũng gần như ngần ấy năm con không được về ăn Tết với mẹ, ngoại trừ lúc con sinh cháu lớn và đưa cháu về thăm bà dịp Tết.

Thu gui Me ngay Tet

Thu gui Me ngay Tet

Chuẩn bị Tết, người viết tìm mua nguyên liệu trên mạng để thổi xôi gấc, làm mứt cà rốt

Tuy không về được nhưng mỗi năm sắp đến tết âm lịch là con lại tìm mua các nguyên liệu có bán trên mạng như hạt sen, măng khô, gạo nếp để thổi xôi, bánh chưng con cũng phải mua. Còn mứt và giò xào thì con tự làm. Con cứ dặn lòng, chịu khó một chút để chồng và con mình biết thêm về ẩm thực của Tết cổ truyền.

Đón Tết Giáp Ngọ năm nay, con đã đặt hàng cặp bánh chưng với cây giò gói lá chuối, nhìn rất đẹp mắt, lòng hoan hỉ nghĩ xem còn thiếu những thứ gì để mua sắm tiếp. Những năm trước mẹ còn khỏe, con vẫn hay nhắn mẹ gửi bánh chưng và đồ ăn khô cho con ăn tết. Nhưng giờ mẹ đã thêm tuổi, sống một mình như thế con chỉ mong có ai về để gửi quà tết cho mẹ thôi, con không dám "đòi quà" của mẹ như trước nữa.

Mẹ biết không, hai cháu ngoại của mẹ thấy có bánh chưng gửi đến là xúm lại đòi bóc bánh ăn ngay. Con cũng mừng vì các cháu thích các món ăn Việt Nam. Cháu lớn vẫn nhớ một lần hiếm hoi được về quê mình ăn tết lúc cháu chưa được 5 tuổi, cháu thấy có hai cây mía tím đặt hai bên bàn thờ, Bây giờ, cháu vẫn hỏi “vì sao Tết ở nhà mình, mẹ không mua mía?”

Có dịp là con lại giới thiệu với chồng con mình về Tết cổ truyền và những tập tục quán về Tết. Như tục đi tảo mộ tổ tiên, lễ đưa ông Táo về trời, chọn hướng xuất hành, tục “xông nhà” vào sáng mùng một, rồi chúc thọ ông bà, tiền lì xì cùng các “thủ tục” kiêng kỵ... Nhưng lúc nào nói chuyện về tết, con cũng đúc kết điều ý nghĩa nhất về Tết là gia đình được họp mặt đông đủ, nhất là bữa cơm chiều ba mươi… Viết đến đây, con lại nhớ Mẹ, nhớ nhà lắm, Mẹ ạ!

Nghe chồng con bảo Tết của mình cũng có một số phong tục giống như ngày tết của người Nhật, đó là tục xông nhà, tiền lì xì... Ngày nay người Nhật tết đến là dịp nghỉ ngơi nhiều ngày nên họ thường rời nhà để du lịch xa, chứ ít xúm xít với nhau như Tết của mình.

Thu gui Me ngay Tet

Thu gui Me ngay Tet

Bữa cơm tối cuối năm, người viết tự tay làm những món quen thuộc của tết Việt như giò thủ, thịt đông

Có những năm, đúng dịp Tết, dù không được nghỉ làm con vẫn gắng về sớm, nấu nướng thịnh soạn để cả nhà được quây quần ăn bữa cơm tối cuối năm, con đón cả mẹ chồng cùng tới dự nữa, Mẹ ạ. Trong những giờ phút hân hoan đón chào năm mới như thế, con như được sống trong không khí đón giao thừa bên bố mẹ và gia đình ta ở quê vậy đó, rồi cùng xem Táo quân qua Youtube, sau đó thì gọi điện về chúc tết cả nhà mình trước lúc giao thừa...

Nếu có thể, con đưa chồng con đi dự buổi gặp mặt cuối năm hoặc đầu năm với sinh viên và kiều bào sinh sống ở đây mẹ ạ. Điều đó đã làm vơi đi phần nào nỗi nhớ quê da diết trong con, lại thêm tình nghĩa quê hương với bạn bè ấm áp. Nhưng quan trọng hơn là việc gìn giữ văn hóa Việt trong lòng những người con xa xứ, cho các cháu hiểu và nhớ về nguồn cội.

Con không về, nhưng mong rằng, Xuân về lòng mẹ luôn ấm áp.

NGUYỄN TUYẾT MAI (Từ Nhật Bản)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI