Thư gửi "cái giỏ" và "cái quai" - Nhân mùa họp phụ huynh

13/09/2016 - 14:18

PNO - Buổi học thêm hiệu quả nhất, quan trọng nhất, mà lại đơn giản nhất và đỡ tốn kém nhất, an toàn nhất, là những bữa cơm chiều quây quần bên nhau. Tuy nhiên, điều này ở Việt Nam là chuyện rất khó.

“Trăm sự nhờ cô”

Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều... là rục rịch họp phụ huynh. Trong cuộc họp phụ huynh, sẽ có người lớn tiếng đề nghị nộp tiền này tiền kia, sẽ có người tìm cách nhét phong bì vào tay giáo viên với hi vọng là con mình sẽ được cô thương, cô chăm sóc, cô ưu ái.

Sẽ có phụ huynh đề nghị cô giáo dạy thêm, học thêm. Cũng có phụ huynh thẳng tưng: “Nếu nó hư, cô cứ đánh thật đau vào!” hay nhẹ nhàng “Trăm sự nhờ cô!”,...
Nhưng chẳng có bữa trưa nào miễn phí cả. Rất nhiều phụ huynh trong số đó lại chê bai giáo viên tưng bừng trên mạng hoặc ngoài cổng trường. Họ trao nhiều thì họ đòi nhiều thôi!

Lại có những phụ huynh rất đanh thép: Vì giáo viên, vì Bộ Giáo dục làm con tôi khổ!

Một chị bạn của mình nói: “Chính xác là ‘giỏ nhà ai thì quai nhà nấy’ ”.

Nhưng đổ lỗi là một trò chơi, nếu đổ lỗi cho giáo viên, cho Bộ Giáo dục thì “cái giỏ” đỡ phải chịu trách nhiệm về “cái quai”!

Bố mẹ cũng cần làm bài tập về nhà

Cô giáo Brandy Young (Texas, Mỹ) viết thư cho phụ huynh rằng: “Những bài tập về nhà quyết định tới sự thành công của con là cả gia đình cùng ăn tối, cùng đọc sách, chơi cùng nhau ngoài trời và cho con bạn đi ngủ sớm”.

Nói nghe đơn giản vậy nhưng ở Việt Nam thì điều này có vẻ rất khó. “Cái giỏ” hình như muốn né “cái quai” càng xa càng tốt!

Khi con đi học mẫu giáo, có nhiều phụ huynh còn muốn con được ăn sáng, ăn trưa, ăn xế, ăn tối luôn ở trường. Có trường mẫu giáo tư thục giáo viên xin nghỉ hè 1 tuần để đi biển, mà “giỏ quai” cũng không chịu, bảo “chết mất, không có ai trông con”.

Ai đi làm cũng phải có kì nghỉ phép mà. Học sinh ở nước ngoài họ còn nghỉ rất nhiều là đằng khác, ngoài nghỉ hè họ còn nghỉ thu, nghỉ đông, mỗi tháng còn nghỉ thêm 1 ngày để giáo viên đi học nghiệp vụ. Ở bên đó, ông bà không tới trông con, chăm con hộ như ở mình, người giúp việc cũng không sẵn như ở mình mà họ vẫn xoay xở tốt và còn có nhiều thời gian chăm sóc bản thân.

Hôm trước mình ngồi nói chuyện với một cô gia sư, cô ấy kể chuyện đi dạy ở nhà một đại gia ở Phú Mỹ Hưng: Cả năm nay rồi, đều đặn tuần 2 buổi mà chưa lần nào thấy “giỏ có quai”. Ba mẹ lên lịch học thêm dày đặc để con không còn thời gian rảnh chơi games. Họ đi làm lấy tiền rồi thuê giáo viên dạy con, rồi lại đi làm lấy tiền để trả tiền cho giáo viên, và “giỏ quai” thì vẫn cứ bơ vơ, …

Thu gui

Cấm dạy thêm: Học sinh được gì, mất gì?

Đầu năm nay Sở cấm dạy thêm, học thêm là nháo nhào cả lên. Nào là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, nào là tại sao bác sỹ mở phòng mạch thêm được mà giáo viên lại không dạy thêm được. Nào là phải bắt đầu từ việc nâng lương cho giáo viên đủ sống...

Tại sao không có ai hỏi học sinh? Tại sao không hỏi coi nếu cấm dạy thêm học thêm thì học sinh được gì mất gì?

Tôi thấy rất nhiều cái được!

Đầu tiên là học sinh phải tăng cường tự học. Cái tội lớn nhất của dạy thêm học thêm không phải là tốn tiền của, mà là hủy hoại tinh thần tự học. Lúc nào cũng có thầy cô chỉ dẫn từng bước, kiểm tra, giám sát riết róng từng phút thì mới học. Vậy sau này buông tay ra, sau này gặp những bài học của cuộc sống, không có giáo viên kè kè nhắc báo bài, không có thi cử và thời khoá biểu thì giải làm sao? Mục đích học tập được của nhiều nền giáo dục ghi rành rẽ là trở thành con người học tập suốt đời cơ mà!

Cấm học thêm và dạy thêm sẽ tăng hiệu quả giờ học trên lớp. Các bé ngồi trên lớp ngày 2 buổi, tới 7, 8 tiếng một ngày chứ ít gì. Nhưng vì ỷ lại rằng tối còn được giáo viên cho ôn lại thêm lần nữa, nên giảm năng suất. 18 năm học tập tàng tàng, mỗi bài học tới học lui tới 3 lần: học trước, học chính khoá, rồi học thêm. Hỏi sao mà năng suất lao động cuả người Việt thấp hơn Singapore tới 15 lần!

Cấm học thêm để cho học sinh biết tự đi tìm thầy mà học. Ở nước ngoài, học sinh không ngồi trong lớp để thầy tìm tới dạy mà thầy Sinh ngồi ở phòng Sinh, thầy Toán cứ ngồi yên ở phòng Toán, tới giờ là học sinh tìm tới phòng thầy học. Cái này đúng với cả cuộc đời, 70 năm sau này của con là phải đi tìm thầy để học, chứ không phải ngồi yên đó rồi thầy tới đâu nha con!

Đừng sợ thầy cô không dạy hết những cái hay của bài. Cái thời mà toàn bộ kiến thức chỉ là kinh nghiệm truyền miệng cuả thầy cho trò đã qua rồi. Kiến thức giờ miễn phí và tràn ngập, chỉ sợ không có sức mà học. 

Thu gui
Chị Thu Hà - tác giả bài viết.

Các khóa học online đang rất phát triển, những thầy cô dạy online toàn thầy cô giỏi.Vì các thầy cô này không có quyền lực về điểm số hay đòn “đì” học sinh, mà chỉ có duy nhất một thứ quyền là dạy thật giỏi, thật hấp dẫn. Học online lại không phải chạy xe ngoài đường vào giờ tan tầm, khổ cả “giỏ” khổ cả “quai”, khổ hạ tầng giao thông đang quá tải gấp 6 tới 10 lần cho phép, khổ cả cái bầu không khí nhiễm khói xe, khổ cả các bệnh viện,...

Cấm học thêm (thường là môn chính) học sinh sẽ có thời gian học những môn khác để lớn lên toàn diện hơn. Có thời gian dành cho bóng đá, bóng rổ, bơi lội, đàn hát, máy tính, thí nghiệm... học các khóa kỹ năng mềm, phát triển bản thân, như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình... Thậm chí chỉ là có thời gian chơi, và trong khi chơi trẻ học được rất nhiều thứ, từ làm việc nhóm, tới kỹ năng lãnh đạo,…

Tuy nhiên bài toán lại thường ở phía cha mẹ: Bận

Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của phụ huynh, kiểu như “Làm sao để nói vài lần mà bé chịu nghe ngay?”, “Con rất lười học, ham chơi, phải làm sao để con tập trung học?” hay “Con hay lên FB tâm sự người lớn không hiểu mình, không quan tâm tới mình. Làm sao để cải thiện tình hình?”.

Hàng trăm câu hỏi, bạn nào cũng cần gấp một phương thuốc. Tôi buộc phải trả lời là không có cách nào nhanh, gọn, lẹ, dễ xài, hiệu quả trăm phần trăm cả. Không có cách nào, không có lời khuyên nào để uống ực 1 cái khỏi bệnh.

Tất cả đều cần thời gian của ba mẹ.

Tại sao người Do Thái ở bên ngoài nước Israel vẫn vô cùng thành đạt và giàu có? Tôi nghĩ là vì tinh hoa cuả giáo dục Do Thái nó nằm ở giáo dục trong gia đình, nằm ở bố mẹ. Nếu người Do Thái mà học chương trình nước ta thì có lẽ con họ vẫn cứ giỏi!

“Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, cuối cùng thì, như anh Trần Trọng Thành nói, cái gốc của giáo dục chạy qua chạy lại cũng là parenting. Buổi học thêm hiệu quả nhất, quan trọng nhất, mà lại đơn giản nhất và đỡ tốn kém nhất, an toàn nhất, là những bữa cơm chiều quây quần bên nhau!

Đôi nét về tác giả: Chị Thu Hà là tác giả của cuốn sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết” được xuất bản năm 2016. Cuốn sách này là tập hợp những bài viết được chia sẻ chọn lọc về những trải nghiệm trong việc nuôi dạy con trẻ. Nhiều quan điểm về giáo dục của chị Thu Hà nhận được rất nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội vì đó là những trải nghiệm thực tế của một bà mẹ có hai con đang trong tuổi ăn, tuổi học.

Thu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI