Thu giữ gần 2.000 hộp thực phẩm chức năng collagen vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

26/06/2018 - 16:23

PNO - Chi nhánh công ty TNHH TM DV Dược phẩm Bình Phú (số 6 Đường số 8, P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM) vừa bị kiểm tra, tạm giữ 1.705 hộp thực phẩm chức năng collagen các loại, gồm: BP Collagen Flavone, BP Collagen Pine, xuất xứ Hàn Quốc.

Chiều 26/6, tại “Hội nghị sơ kết công tác quản lý thị trường 6 tháng đầu năm 2018”, ông Phan Hoàn Kiếm – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết đội QLTT 4A vừa kiểm tra Chi nhánh công ty TNHH TM DV Dược phẩm Bình Phú (số 6 Đường số 8, P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM).

Tại địa điểm trên đang kinh doanh, chứa trữ 1.705 hộp thực phẩm chức năng collagen các loại, gồm: BP Collagen Flavone, BP Collagen Pine, xuất xứ Hàn Quốc mang nhãn hiệu Anderson và hình trùng với nhãn hiệu đã được kết luận là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “HK Anderson và hình” theo kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH131-18YC/KLGĐ ngày 26/3/2018 của Viện khoa học sở hữu trí tuệ. Đội QLTT 4A lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý.

Thu giu gan 2.000 hop thuc pham chuc nang collagen vi pham quyen so huu tri tue
Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM tiêu hủy lượng lớn hàng hóa vi phạm.

Bên cạnh đó, đội QLTT 1A tạm giữ 1,1 tấn kg wax sáp nhận tạo paraffin không rõ nguồn gốc xuất xứ và 297,2 tấn hóa chất các loại chưa xuất trình hóa đơn chứng từ tại Công ty TNHH Thương mại Hoàn Đạt (lô 2 đường số 1, khu công nghiệp Tân Tạo, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM).

“Tình trạng vận chuyển, chứa trữ, kinh doanh hàng nhập lậu ngày càng gia tăng. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, giá thành rẻ, nhiều chủng loại và mẫu mã sản phẩm, được vận chuyển qua đường bộ các tuyến biên giới các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Tây Nam bộ. Sau đó, các đối tượng tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không vào thành phố để tiêu thụ”, ông Kiếm cho biết.

Nhóm hàng hóa nhập lậu chủ yếu là: hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, bia rượu, nước giải hát, bánh kẹo, hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu,…

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, CC QLTT TP.HCM kiểm tra 10.560 vụ, phát hiện 3.037 vụ vi phạm. Trong đó, có 463 vụ buôn bán hàng giả; 153 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; 771 vụ vi phạm các quy định về nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn, quản lý hóa đơn, website bán hàng,… 

Đã xử phạt 2.211 vụ vi phạm, số tiền nộp ngân sách gần 63,6 tỷ đồng tiền phạt, tiền bán hàng hàng tịch thu và tiền thu lợi bất hợp pháp,… Trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 40,8 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán hơn 30 tỷ đồng.

Đặc biệt, CC QLTT TP.HCM đã chuyển cơ quan điều tra bảy vụ gồm năm vụ vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu; một vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả; một vụ kinh doanh hàng nhập lậu.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI