Tại cuộc họp giao ban 6 tháng đầu năm về Công tác quản lý xuất bản, in và phát hành do UBND TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức sáng ngày 10/7, đại diện Phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Tân cho biết: thời gian qua quận đã xử lý, lưu kho đến 25 tấn sách in tuyên truyền về Pháp luân công.
Đại diện phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Tân cho biết thêm, đơn vị hiện có 22 thành viên, gần như trực 24/24 để có thể xử lý kịp thời các vụ việc sai phạm liên quan đến lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trên địa bàn, cùng các vấn đề văn hóa khác. Tuy nhiên, khó khăn chung cho phía Bình Tân cùng các quận, huyện ngoại thành khác là vấn đề thanh kiểm tra sách giả, sách in lậu.
"Chúng tôi thường xuyên phối hợp với công an huyện kiểm tra nhà in trực thuộc huyện. Nhưng nói thật, chúng tôi chỉ kiểm tra được về số lượng bản in, logo phải đúng yêu cầu theo giấy phép đăng ký kinh doanh. Còn lại, chúng tôi không dễ dàng phân biệt được đâu là sách giả, đâu là sách thật. Việc này phải là chủ sở hữu của xuất bản phẩm thì mới biết rõ được.
Xuất bản phẩm hiện nay rất nhiều, về mặt quản lý, chúng tôi thật sự cần có những hướng dẫn về hướng xử lý trong từng trường hợp cụ thể. Có nhiều xuất bản phẩm nhạy cảm được kiểm tra và phát hiện, nhưng gây lúng túng khi xử lý" - đại diện phòng Văn hóa Thông tin huyện Nhà Bè chia sẻ.
|
Sách lậu vẫn là vấn đề nan giải của ngành xuất bản. Trong ảnh: Một số tựa sách best-seller bị làm giả.
|
Theo báo cáo tổng kết công tác quản lý xuất bản, in và phát hành 6 tháng đầu năm 2019, tình hình xuất bản thời gian qua có vẻ khả quan hơn so với cùng kỳ những năm trước. Chỉ có 2 trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 85 triệu đồng (riêng xuất bản chưa thành phẩm bị tịch thu là 11.000 bản).
Hoạt động ở các lĩnh vực đều sôi nổi, doanh thu tăng, quy mô mở rộng, đa dạng hàng hóa, chủng loại sản phẩm phục vụ thị trường. Chỉ tính riêng Đường sách TPHCM, doanh thu đã trên 11 tỷ/quý. NXB Trẻ có tổng doanh thu trong sáu tháng đầu năm là 88,5 tỷ đồng.
Sự phát triển của lĩnh vực xuất bản TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung còn thể hiện ở việc vươn tầm tạo được uy tín, ghi điểm với các đối tác quốc tế. Lần đầu tiên TPH.CM có đoàn tham dự Hội sách tại Saint Petersburg (Nga), giới thiệu với bạn bè quốc tế các tựa sách có giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh, biển đảo Việt Nam...
Một điểm tích cực nữa là qua công tác kiểm tra rà soát tại nhiều địa bàn quận, huyện, thời gian qua không phát hiện sách tử vi, bói toán bày bán tràn lan ở các di tích, đền, chùa, miếu...
|
Đường sách TPHCM - điểm sáng của văn hóa đọc thành phố |
Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm được phân tích, mổ xẻ và cần quyết liệt có giải pháp khắc phục trong tương lai gần vẫn là vấn nạn sách lậu, sách giả.
"Không phải các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan chức năng tại TP.HCM bỏ ngỏ, không chủ động thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn hành vi làm sách giả, sách lậu. Nhưng chúng tôi khẳng định, ngoài PA03 còn có Thanh tra Sở Thông tin truyền thông, đội kiểm tra liên ngành đều rà soát, kiểm tra. Chỉ có điều một số sự vụ phát hiện, chúng tôi không công bố với truyền thông.
Điều khó khăn nhất chúng tôi gặp phải là rất khó phát hiện ra sách giả. Phải chia sẻ rằng đúng là chỉ có chủ sở hữu, tác giả, các nhà xuất bản mới dễ dàng đối chiếu, phân biệt được sách thật - giả. Chúng tôi cũng mong các đơn vị chủ động phối hợp trong việc rà soát, chống nạn sách giả, sách lậu" - đại diện phòng PA03, Công an TP.HCM bày tỏ quan điểm.
|
Trong quý 3, sẽ có một tọa đàm quy mô về nâng cao văn hóa đọc, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8/2019. |
Riêng trường hợp đáng lo ngại về việc quận Bình Tân phát hiện đến 25 tấn sách tuyên truyền Pháp luân công, ông Từ Lương- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM- cho biết Sở sẽ sớm có buổi làm việc riêng với quận. Không chỉ tháo gỡ các vấn đề liên quan đến sách tôn giáo vi phạm pháp luật mà còn định hướng rõ hơn về các ấn bản lưu hành nội bộ như trường hợp nhiều đơn vị hành chính cho in các xuất bản phẩm mà không thông qua cấp phép của nhà xuất bản.
Lục Diệp