Rồi thì... đời mình cũng qua
Tiến sĩ bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) là người thứ 3 có chiếc thẻ hiến tạng kể từ khi Bệnh viện Chợ Rẫy phát hành thẻ vào ngày 29/10/2014.
Từ nhiều năm nay, bác sĩ Thu như chiếc cầu nối giữa sự sống và cái chết. Bà là người tìm đến động viên gia đình có bệnh nhân chết não hiến lại bộ phận cơ thể cho người đang thoi thóp vì không có tạng để ghép. Công việc ấy được bác sĩ Thu kiên nhẫn thực hiện trong hàng trăm cái lắc đầu từ chối của gia đình người chết.
|
Tiến sĩ, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy |
Trong hàng trăm cái lắc đầu ấy, thử thống kê lại, chiếm nhiều nhất là tâm lý muốn giữ lại trọn vẹn thể xác của người thân đã mất. Trong 114 trường hợp được thuyết phục, có 18,42% rơi vào trường hợp này.
Dù gia đình người chết hiểu rằng với người chết não, có thể cứu sống ít nhất 6 người; nhưng họ không muốn làm tổn thương người thân của họ. Nghĩa tử là nghĩa tận, chẳng có gì là sai.
Nhưng cũng có những người đồng ý hiến tạng người thân đã chết não lại có ý nghĩ lạc quan hơn về quy luật sinh - tử. Đó là giúp được ai thì giúp vì người chết cũng thành tro bụi; khi sống đã muốn giúp đỡ người khác thì khi chết hẳn cũng sẽ như vậy… Còn thêm một lý do nữa đó là gia đình muốn người thân của họ khi chết đi có thể một lần làm người tốt trong cuộc đời.
|
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu và các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc và đưa tiễn cơ thể Người hiến tạng về nơi tổ chức lễ tang |
Còn riêng bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, sự tồn tại của con người vốn không nằm ở thể xác mà ở trong nỗi nhớ của người thân, bạn bè và có thể là trong những người mình từng giúp đỡ.
Chỉ đơn giản như vậy, chị tôn trọng quyết định của tất cả người nhà và mong chờ có ngày người ta sẽ suy nghĩ lại về ý nguyện hiến tạng khi mất đi, mong chờ những điều tử tế và tốt đẹp nhiều lên mãi để thêm cơ hội sống cho hàng ngàn người đang cận kề ở phía cuối sự sống.
Những người cho đi rất nhiều hơn cả những gì họ đang có
Trong cuộc đời làm nghề y, với bao lần thuyết phục người hiến tạng; có lẽ bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu sẽ không quên được hình ảnh 2 chị em ốm yếu liêu xiêu nhưng mạnh mẽ khi hiến tạng mẹ cho người xa lạ.
|
Em Nguyễn Thị Sáng chỉ mới 19 tuổi khi mẹ ra đi đột ngột vì tai nạn giao thông |
Đó là một câu chuyện buồn của gia đình chị L., 41 tuổi, sống trọ ở huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ngày 19/3/2017, trong khi bồng con gái 17 tháng tuổi sang đường, chị bị xe đụng chấn thương sọ não. Một ngày sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo với 2 đứa con gái của chị, 1 em 19 tuổi và 1 em 17 tuổi: mẹ sẽ không qua khỏi.
Tối ngày 20/3/2017, con gái lớn của chị L. là em Nguyễn Thị Sáng, khi đó mới 19 tuổi đã đặt bút ký vào đơn hiến tạng mẹ. Quyết định của em đã cứu sống 4 người, hồi sinh 4 bộ phận cơ thể mẹ gồm: 1 lá gan, 2 quả thận và 1 giác mạc.
Hơn một năm sau, tất cả 4 người nhận được món quà mạng sống này vẫn khỏe mạnh. Mẹ của Sáng đã sống lại, dù trong một cơ thể khác.
|
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trong một ca nhận tạng hiến từ người cho chết não |
Cô gái trẻ 19 tuổi quyết định hiến tạng nhân đạo, không đòi hỏi một chút gì đền đáp. Ngay cả sau này, phát biểu với truyền thông, Nguyễn Thị Sáng vẫn không một lời nói về chuyện được mất. Đặt trong hoàn cảnh, 3 chị em Sáng sống với người mẹ làm công nhân ở Bình Dương; cha bỏ đi lấy vợ từ lâu, mới thấy, những gì cô gái trẻ cho đi là nhiều hơn những gì gia đình cô ấy có được.
Quyết định của một cô gái 19 tuổi đã khiến nhiều người ngạc nhiên và nể phục. Tính đến thời điểm đó, đây là chữ ký của thân nhân trẻ tuổi nhất quyết định hiến tạng người thân.
Đó cũng là quyết định nhanh đến mức bác sĩ Thu phải gặp trực tiếp để xác minh lại nguyện vọng này. Một lần nữa, cô gái trẻ khẳng định nguyện vọng của mình với lý do: “Khi còn sống mẹ vẫn thường giúp đỡ người khác nên giờ khi mẹ mất, con tin mẹ sẽ vẫn đồng ý hiến bộ phận cơ thể mình để cứu người”.
Những câu chuyện đẹp như trong mơ ấy cứ mãi tiếp nối, từ câu chuyện của bé Hải An đến thiếu tá Lê Hải Ninh được người nhà hiến tạng khi rơi vào tình trạng chết não. Hiện tại, những phần thân thể quý giá của thiếu tá Lê Hải Ninh gồm 1 quả tim, 2 lá phổi, 2 quả thận, 2 giác mạc vẫn tương thích tốt trong cơ thể 6 người được ghép tạng.
|
Một lá gan của người hiến chết não |
Những thân nhân đồng ý hiến tạng người thân chết não nói gì khi ra những quyết định vượt lên sự vị kỷ cá nhân và quan niệm “chết toàn thây” vốn ăn sâu trong tiềm thức mỗi người?
Em Nguyễn Thị Sáng có mẹ chết não vì tai nạn giao thông ở Bình Dương: “Em biết mẹ không ổn rồi và quyết định đồng ý hiến tạng. Em nghĩ là mẹ cũng đồng ý với em. Lúc còn sống, mẹ cũng hay giúp đỡ người khác nhưng rồi mẹ bị người ta phụ bạc nhiều quá”. Em gái của Sáng: “Người ta ai chết thì cũng thành tro bụi cả. Nếu như có thể làm được một việc gì tốt thì nên làm”.
Chị Tạ Thị Kiều, vợ thiếu tá Lê Hải Ninh (Ninh Bình) đã tiễn biệt chồng bằng hành động đầy nhân văn: “Em không biết việc làm của em là đúng hay sai, em không biết anh có giận em không, nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác. Anh không thể ở lại, nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng để thấy được mẹ con em sống ra sao”.
Bà Nguyễn Hồng Son (Củ Chi, TP.HCM) hiến tạng con trai chết vì bị đánh nhầm: “Con tôi nó bị đánh, chết oan. Tôi không cứu con tôi được vì không còn cách nào cả, bác sĩ cũng bất lực. Tôi nghĩ người đang chờ thay tạng họ hy vọng dữ lắm, mình dù nghèo nhưng lại có cái mà họ đang mong mỏi nên cho được thì mình cho. Tôi hiến tạng của con để cứu người, như thay con làm một việc gì đó có ích cho cuộc đời. Tôi chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi”.
|
Hiếu Nguyễn