Người già và trẻ em vốn được xếp vào nhóm yếu thế - từ tuổi tác, thể tạng và cả tinh thần yếu đuối, dễ tổn thương. Trong thời dịch bệnh, người già lại càng nằm trong nhóm nguy cơ cao.
Chưa khi nào “những đứa con trong gia đình” rơi vào cảm giác mất mát hụt hẫng như thời gian này. Những người sống xa cha mẹ đã đành, có người sống cùng quận, thậm chí chung nhà, vậy mà cũng trong đợt dịch này, cha/mẹ họ, thậm chí có cả trường hợp cả cha mẹ đều lặng lẽ rời đi trong cô độc, không một lời từ biệt, để lại sự hụt hẫng tột cùng cho các con. Những người kịp có chút thời gian, tâm trí dành cho cha mẹ có thể sẽ cảm thấy đau lòng, mất mát nhưng không bị cảm giác hối tiếc dằn vặt. Thế nhưng phần đông vẫn là những giọt nước mắt ân hận vì giá mình chịu khó ngồi với ba mẹ lâu hơn, nghe mẹ nói nhiều hơn chút nữa, kịp mua cho ba món ăn ba thích hay đưa mẹ đến nơi mẹ ao ước ít nhất một lần…
Thư của con được mở ra trên Phụ Nữ Chủ Nhật với một niềm mong nhỏ: để những người con, trong một khoảnh khắc nào đó, giữa căng thẳng âu lo chợt nhớ ra rằng, mình thật hạnh phúc vì vẫn còn có mẹ có ba bên đời.
Con không rõ một bó dạ lan hương có thể nuôi dưỡng tâm hồn như thế nào, hẳn là cũng giống bó họa mi. Ít ra ở điểm này, khi tập trung vào chúng và cắm như đang thực hành một nghi thức, mẹ sẽ thấy những lo lắng, phiền muộn của ngày hôm nay tan vào nơi nào không hay.
Mẹ ạ, chắc mẹ bất ngờ với bó cúc họa mi con vét cuối mùa gửi mẹ. Thật buồn cười khi cái đứa không mấy ưa “trào lưu” lại lăng xăng kiếm mấy nhánh hoa cuối cùng để chưng, lại còn gửi mẹ nữa chứ.
Ảnh minh họa
Mẹ thể nào cũng đùa: “Biết rồi, lúc nào con cũng chậm một nhịp so với người ta mà”. Đúng là con chậm tới mấy nhịp chứ không phải một. Vụ cúc họa mi này, lẽ ra con cũng chẳng chưng nếu bạn con không phân trần: “Kệ, ráng chưng vì mỗi năm chỉ có một mùa”. Đúng hơn là chỉ vỏn vẹn một tháng từ đầu tháng Mười đến cuối tháng 11. Mỗi năm cứ vào thời điểm này, công việc dù bận rộn thế nào, cô ấy cũng sắp xếp bay ra Hà Nội chụp hình với cúc họa mi rồi… về. Với cô ấy, có thể đó chỉ là một trong những niềm vui sống. Chắc vì chậm nên con nhận ra niềm vui sống kia trông như một nghi thức với tất cả sự trang nghiêm và thành kính. Cách cô ấy chụp hình với cúc họa mi cũng hệt như cách chúng ta cầu nguyện trước bữa ăn.
Mẹ còn nhớ khóa thiền mẹ con mình từng tham dự ở Nam Cát Tiên không?
Chúng ta được dạy rằng, trước mỗi bữa ăn nên dành vài phút để cảm ơn người trồng lúa, người xay gạo, người trồng rau, người chuyên chở chúng từ nông trại lên chợ, người nấu… cảm ơn cả trái đất vì mưa thuận gió hòa để chúng ta có thể ngồi đây bưng chén cơm đầy.
Dù mấy năm nay kinh tế khó khăn nhưng dịp Trung thu, lễ Tạ ơn… cô bạn con vẫn xoay xở để tặng chút bánh chút quà cho những người thương quý. Cô ấy vẫn tổ chức những bữa tiệc nho nhỏ giản đơn cho mình và lũ trẻ. Khó khăn, thậm chí có giai đoạn phải vay tiền để sống nhưng cô ấy vẫn giữ những nghi thức đã tạo dựng bao nhiêu năm nay.
Con còn nhớ ngày xưa mẹ từng kể ở nhà quê thời khốn khó, có những người dù chỉ ăn khoai nhưng vẫn mang chén đi rửa. Người ác miệng hẳn sẽ nhanh chóng “dán nhãn” họ kiểu cách, trưởng giả, làm bộ… Tuy vậy, đến độ tuổi này, con chợt hiểu họ chỉ là những người biết giữ gìn nghi thức và phẩm giá của mình. Ăn củ khoai trong chén thì có gì sai. Sông có khúc, người có lúc, ai lại cho phép “lúc” ấy được quyền dập vùi mình.
Hơn ai hết, có lẽ mẹ đã nhiều lần trải nghiệm điều đó. Đã có lúc mẹ đi từng nhà, lạy lục từng người để xin bãi nại bác tài đã gây tai nạn. Mẹ bỏ đám con nheo nhóc ở nhà vì phải trực trong bệnh viện. Trời lạnh, xứ người, tiếng nước ngoài khó nghe, mẹ không dám ăn vì phải để dành tiền trang trải chuyện ăn uống, thuốc thang cho người bị nạn. Mà nào chỉ nuôi bệnh nhân, mẹ phải lo luôn chuyện ăn uống, thuốc hút cho cả gia đình người bị thương. Những ngày ấy, dẫu có mệt mỏi, căng thẳng, sợ hãi cùng cực, mẹ vẫn không thấy phẩm giá của mình bị chà đạp vì mẹ vẫn đang làm điều đúng - chuộc lỗi và đền bù cho người bị nạn do xe mình gây ra.
Tuy nhiên, mẹ ấm ức mãi vì một lần đi chợ thấy hoa hồng đẹp và rẻ nên mua về cắm. Không biết lúc đó bực dọc, mệt mỏi hay chán nản mà ba hất luôn bình hoa của mẹ và gằn giọng: “Sướng ích gì mà bông với hoa”. Chuyện đã lâu lắm rồi nhưng vẫn để đâu đó một vết hằn trong tâm trí mẹ, dẫu sau này ba đã “trả nợ” bằng cách chăm, trồng và chiết rất nhiều chậu hồng cổ cho mẹ. Hẳn mẹ cũng đã tha thứ cho ba rồi, mẹ nhỉ? Khả năng chịu đựng của đàn ông không cao như đàn bà. Đôi khi vào những lúc tăm tối, họ cho mình quyền cắn xé người thân, tưởng rằng như thế có thể làm dịu bớt những cay đắng trong lòng. Song, con sẽ nói chuyện đó sau. Mình quay lại với loài họa mi một tháng kia.
Ảnh minh họa
Con cắm chúng đơn thuần vì thương chúng - loài hoa mỗi năm chỉ sống đúng một tháng. Thế nhưng, mẹ biết không, có một bình hoa trong nhà, không khí trở nên khác lạ - tươi mới và hân hoan. Căn hộ vốn ảm đạm cả năm nay vì COVID-19 bỗng dưng sinh động hẳn lên. Không biết vì sắc trắng tinh khôi duyên dáng, vì cách chúng đong đưa mong manh hay vì mùi hương ngai ngái của đồng nội, con cảm thấy điều gì đó gần như sự rung động, càng nhìn càng bình an trong tâm trí, càng cắm lại càng thấy hoa tươi tắn hơn ngày mới đem về.
Con chợt nghĩ về mẹ. Đã bao lâu rồi mẹ không cắm hoa, trừ hoa cúng trên bàn thờ? Hồi đó, cô giáo dạy tâm lý của tụi con dặn rằng, phụ nữ nên cắm hoa hồng trong phòng: nếu có thể thì hãy cắm 99 bông, nếu không thì chín bông cũng được; tuyệt đối không để hoa khô, hoa giả, hoa héo trong phòng vì phong thủy bị ảnh hưởng. Với con, phong thủy, nói cho cùng chính là không khí hòa hợp, ấm áp trong gia đình. Thế nên con nghĩ, ta chỉ cần một bình hoa, hoa dại cũng được. Những ngày dịch, không có hoa, con thậm chí còn hái hoa của rau để cắm.
Vườn của mẹ lúc nào cũng tràn ngập hoa, từ bonsai đến hoa trên hàng rào. Lòng vòng thế nào con lại nhớ mấy câu thơ của một học giả Ba Tư sống ở thế kỷ XIII:
“Nếu tất cả tài sản của ta Hai ổ bánh là những gì còn lại Hãy bán một rồi dùng tiền thu được Sắm một bó dạ lan hương để nuôi dưỡng tâm hồn”
Con không rõ một bó dạ lan hương có thể nuôi dưỡng tâm hồn như thế nào, hẳn là cũng giống một bó họa mi, giúp xoa dịu những lo lắng, phiền muộn của ngày hôm nay. Không chỉ họa mi, có thể là sơn ca, én, hoàng anh… mà cũng có thể là hoa mồng gà. Mẹ biết rõ điều đó, chỉ là cuộc sống lo toan phiền muộn đã làm mẹ quên mất.
Thôi thì mẹ ráng cắm hết lũ hoa cuối mùa này nhé! Mỗi tuần, mẹ hãy dành cho mình ít nhất một bình hoa như một nghi thức nuôi dưỡng tâm hồn.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.