Thực phẩm vô bụng mới có kết quả kiểm tra

27/03/2017 - 07:04

PNO - “Tôi đi mua trái mít thì được tiểu thương khuyến mãi thêm chai nước trắng dùng để giữ mít tươi trong hai tuần.

“Tôi đi mua trái mít thì được tiểu thương khuyến mãi thêm chai nước trắng dùng để giữ mít tươi trong hai tuần. Ghé sạp rau củ ở chợ đầu mối Bình Điền, mua rau Đà Lạt thì được người bán rỉ tai “cái đó hàng Trung Quốc cô ơi”. Vô lò sản xuất bún, dù đạt chuẩn hẳn hoi, nhưng máy móc cũ kỹ, ố vàng, khiến mình cũng ớn khi nghĩ tới món bún bò, bún riêu...”.

Đó là ghi nhận của các đại biểu HĐND TP.HCM khi trực tiếp giám sát tình hình thực thi chính sách pháp luật an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM. 

Thục phảm vo bụng mói có két quả kiẻm tra
Hơn 70% lượng rau quả từ các tỉnh, thành cung cấp cho chợ đầu mối nhưng công tác lấy mẫu, kiểm tra rất khiêm tốn

Quản lý và kiểm soát nguồn thực phẩm hiện nay mới chỉ giải quyết phần ngọn, làm sao kiểm soát trực tiếp từ khâu trồng trọt, chăn nuôi của nông dân vẫn là câu chuyện dài và cần một cơ chế phối hợp chặt chẽ từ các tỉnh, thành. 

Thực phẩm đã... vô bụng mới nguy hại

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM (NN&PTNT), lượng nông sản do TP.HCM sản xuất ra đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu của người dân TP, 70% lượng rau còn lại từ các tỉnh, thành chuyển về thông qua nhiều kênh, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nếu nông sản, thịt cá qua chợ đầu mối có thể kiểm soát được thì tại các chợ truyền thống, chợ nhỏ lẻ vẫn còn bỏ ngỏ. 

Chúng tôi theo đoàn giám sát đến chợ đầu mối Bình Điền một ngày giữa tháng 2/2017, đây là một trong những chợ nông sản thực phẩm lớn nhất nước với quy mô bảy nhà lồng, kinh doanh đủ mặt hàng, từ nông sản, thủy hải sản, súc sản đến trái cây... Thế nhưng khâu quản lý và kiểm soát thực phẩm vẫn còn nhiều mối lo. Mỗi đêm có gần 3.000 lượt xe tải ra vào, chuyên chở khoảng 2.400 tấn hàng hóa từ các nơi về đây giao dịch. Với lượng hàng hóa khổng lồ như thế nhưng công tác lấy mẫu để kiểm tra chất lượng vô cùng khiêm tốn.

Theo ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, 87% động vật tươi sống từ các tỉnh đưa về, có giấy chứng nhận kiểm dịch và đóng dấu kiểm soát trên sản phẩm. Dù vậy, năm 2016, qua kiểm tra 462 mẫu thịt heo về hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, đã phát hiện 107 trường hợp heo bơm nước từ Long An đổ về, trong đó chợ Bình Điền 105 trường hợp. Dù chợ Bình Điền có kho lạnh nhưng việc giữ sản phẩm từ 48 - 72 giờ để chờ kết quả kiểm mẫu cũng gặp nhiều khó khăn, vì nếu kết quả không vi phạm, hàng hóa lưu kho giảm chất lượng, hư hỏng thì cơ quan thú y phải chịu trách nhiệm đền bù. 

Không chỉ vậy, việc kiểm tra định lượng các mẫu thủy hải sản cũng nan giải vô cùng, theo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, mỗi mẫu phân tích định lượng mất từ ba-năm ngày mới ra kết quả, trong khi cơ chế cho tạm giữ lô hàng nghi ngờ vi phạm đến nay chưa có, nên khi cơ quan chức năng cầm kết quả trên tay thì hàng hóa đã... vô bao tử người tiêu dùng. 

Chúng tôi ghé chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, nơi mỗi ngày tiếp nhận từ 1.800 - 2.000 tấn nông sản từ các tỉnh đổ về. Ông Lê Hoàng Phong - Phó phòng Kinh doanh của chợ này cho biết, chợ Hóc Môn cũng thành lập một tổ an toàn vệ sinh thực phẩm kết hợp với cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật TP lấy mẫu định kỳ, xoay tua các sạp hàng để kiểm tra chất lượng nông sản, có thể một tháng lấy một lần hoặc ít hơn.

Tuy nhiên, số mẫu được lấy rất khiêm tốn, năm 2016 chỉ lấy 116 mẫu và có một mẫu bông cải không đạt do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Cái khó không chỉ thiếu kinh phí lấy mẫu mà hiện nay kho lưu trữ hàng hóa nghi ngờ vi phạm cũng chưa có, trong khi thời gian phân tích định lượng mẫu cũng mất hai-bốn ngày, có kết quả thì hàng hóa đã bán hết cho người tiêu dùng và họ ăn xong rồi.  

Tương tự, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức mỗi ngày tiếp nhận 3.000 tấn rau củ quả từ các nơi chuyển về cũng gặp khó khăn khâu lấy mẫu, lưu trữ... Chưa kể nhiều mẫu hàng hóa ban quản lý chợ thừa nhận chỉ quản lý bằng kinh nghiệm, thông qua bao bì, nhãn hiệu.

Rối với nguồn gốc thịt heo 

Với mục tiêu kiểm soát quy trình chăn nuôi, giết mổ đến phân phối thịt, đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo triển khai từ cuối năm 2016 đang được TP.HCM kỳ vọng mang lại sự phấn khởi cho ngành chăn nuôi trong bối cảnh giá thịt heo sụt giảm vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc. 

Tính đến thời điểm này, thống kê của Sở Công thương TP.HCM cho thấy, có 713 trang trại đăng ký tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, trong đó nhiều nhất là Đồng Nai với 326 trang trại, kế đến là Bình Dương với 169 trại, Bình Phước 56… và TP.HCM với 18 trại. Bên cạnh đó, 24 cơ sở giết mổ tại TP.HCM và một số tỉnh thành cũng tham gia đề án, số lượng cơ sở kinh doanh có truy xuất nguồn gốc thịt heo thuộc hệ thống phân phối hiện đại cũng đã tăng lên 385 cơ sở và thực hiện tại hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền (chiếm 70-80% sản lượng thịt heo cho toàn thành phố). 

Tuy nhiên, qua ba tháng thực hiện đề án, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đứng ngoài cuộc do chưa có thói quen sử dụng, tiếp cận thiết bị công nghệ thông tin hiện đại. đáng nói, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ này cung cấp hơn 50% lượng thịt cho TP.HCM.  Khó khăn khác theo ông Hòa là cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành chưa có, nên nhiều nơi không tích cực tham gia do tâm lý không phải nhiệm vụ của địa phương, do đó để đề án phát huy hiệu quả, rất cần chủ trương từ các tỉnh, thành hoặc trung ương để có cơ chế phối hợp chung. 

Tại tỉnh Đồng Nai, nơi cung cấp hơn 40% lượng thịt heo cho TP.HCM cũng bắt đầu có tín hiệu vui. Tỉnh này cho biết sẽ triển khai đề án thí điểm tại TP. Biên Hòa. Ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, chia sẻ, ngoài phối hợp với TP.HCM phát triển các trang trại, cơ sở giết mổ đang tham gia đề án của TP.HCM, hiện TP.Biên Hòa đang học hỏi kinh nghiệm quản lý của Sở Công thương TP.HCM để sớm triển khai đề án.

“Đây là xu thế tất yếu bởi nhiều tỉnh, thành khác đến Đồng Nai mua heo, họ cũng đề xuất cần phải truy xuất được nguồn gốc để dễ quản lý, cạnh tranh và lâu dài giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đến nay, mỗi ngày Đồng Nai cung cấp 4.000 - 5.000 con heo (đã qua kiểm dịch) cho TP.HCM và một số tỉnh thành, riêng thị trường Trung Quốc khoảng 800 -1.000 con. Cái khó là giá heo đang giảm mạnh, người nuôi rất ngán ngại chi phí đeo vòng cho heo (khâu bắt buộc trong quy trình nuôi heo để truy xuất nguồn gốc), chưa kể họ cũng không có thói quen sử dụng công nghệ thông tin nên đề án sắp tới nên xem xét kiến nghị của nông dân”, ông Quang cho biết.

TP.HCM được ví như “túi chứa” nguồn cung thực phẩm từ các nơi đổ về, cung cấp cho hơn 10 triệu dân. “Không thể phủ nhận là lực lượng kiểm tra, giám sát, ngăn chặn nguồn thực phẩm bẩn tại thành phố rất quyết liệt, nhưng quân số còn quá mỏng, kinh phí có hạn, nên công tác lấy mẫu còn hạn chế. 18 người của Chi cục Bảo vệ thực vật không chỉ làm công tác lấy mẫu, kiểm tra các sản phẩm  tại chợ đầu mối, chợ truyền thống… mà còn công tác kiểm dịch, ngăn chặn dịch bệnh nên không thể nào kiểm soát hết như mong muốn.

Chưa kể, kiểm tra, lấy mẫu chỉ quản lý được phần ngọn. Làm sao phải quản lý, giám sát từ gốc - tức khâu trồng trọt, chăn nuôi của nông dân. Song song đó, cần tái cơ cấu lại các mô hình sản xuất hiện nay, gom về một mối bởi quản lý 1.000 hộ nông dân khó gấp cả chục lần so với quản lý vài HTX hay doanh nghiệp. Khi gom về một mối thì công tác tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý, kiểm tra thực phẩm cũng dễ dàng hơn”, ông Dương Hoa Xô - Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM kiến nghị. 

Thu Hồng

Chỉ 20% rau, 22% thịt gà, 9,3% thịt heo cung cấp cho TP.HCM nằm trong chuỗi an toàn

TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng mô hình thí điểm chuỗi thực phẩm an toàn giai đoạn 2013 - 2015 nhằm thiết lập hệ thống giám sát, quản lý thực phẩm từ khâu sản xuất đến phân phối. Đến nay đã có 97 giấy chứng nhận được cấp cho trang trại, cơ sở sản xuất tại TP.HCM và 11 tỉnh thành gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng… với tổng sản lượng 45.500 tấn/năm (không gồm trứng gà và nước mắm).

Trong đó, chuỗi rau củ quả có 17 cơ sở tham gia chuỗi với bốn cơ sở của TP.HCM, 10 Lâm Đồng, hai Long An và một Tiền Giang cung cấp 20.640 tấn/năm, đáp ứng 1/5 nhu cầu thực tế của TP.HCM. Riêng thịt gà khoảng 24.400 con/ngày (đạt 22,3% so với lượng tiêu thụ tại thành phố), thịt heo sản lượng khoảng 915 con/ngày (đạt 9,4% so với lượng heo tiêu thụ tại thành phố). 

Để nhân rộng mô hình này, giai đoạn 2015 - 2020, TP.HCM dự kiến ký kết hợp tác với 21 tỉnh, thành, nâng sản lượng rau quả, thịt an toàn lên 30 - 50% nhu cầu thị trường.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI