Thúc đẩy mạnh mẽ bình đẳng giới

31/03/2015 - 07:30

PNO - PN - Tối 28/3, tại Hội trường Ba Đình, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đã khai mạc với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động”.

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chính thức làm chủ tịch đại hội đồng IPU-132

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Chúng ta có trách nhiệm trao đổi kỹ về vai trò, nhiệm vụ và những biện pháp của các quốc hội và nghị viện để thực sự “biến những lời nói thành hành động”, thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và chúng ta sẽ đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững…”.

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đề cập đến vai trò trung tâm của người dân trong các vấn đề thảo luận về phát triển bền vững. “Nếu nguyện vọng của người dân không được phản ánh trong các mục tiêu phát triển bền vững, điều này có nghĩa rằng chúng ta không đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Do vậy, Đại hội đồng IPU lần này tại Hà Nội mang ý nghĩa rất quan trọng”, ông Chowdhury nói.

Cũng trong ngày 28/3, Hội nghị nữ nghị sĩ lần thứ 21 - hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ IPU-132 chính thức khai mạc. Các nữ nghị sĩ đã trao đổi những kết quả đạt được trong vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới tại các quốc gia thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới. Các nữ nghị sĩ cũng thảo luận về hai chủ đề trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng gồm: Chiến tranh mạng: một vấn đề nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới; định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: thúc đẩy hành động của nghị viện về nước. Với diễn đàn này, các nữ nghị sĩ đóng góp trực tiếp vào quá trình ra quyết định, tìm ra các giải pháp cụ thể đóng góp vào văn kiện cuối cùng của IPU.

Hội nghị nữ nghị sĩ thể hiện rõ mục tiêu tăng cường vai trò của nữ giới trong chính trị, mang đến quyền bình đẳng chính trị của phụ nữ, tăng cường số lượng nữ nghị sĩ hoạt động trong lĩnh vực lập pháp thông qua các điều lệ và yêu cầu dành cho các nghị viện thành viên.

Phát biểu chào mừng hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các nữ nghị sĩ ngày càng tham gia tích cực hơn ở các vị trí cấp cao của IPU, hình thành mạng lưới và các mối quan hệ rộng khắp với nữ nghị sĩ của các nghị viện thành viên trên toàn cầu. Ngày càng có nhiều vấn đề liên quan tới phụ nữ được đưa vào chương trình nghị sự của IPU, qua đó, các hoạt động trong khuôn khổ cơ chế này thúc đẩy mạnh mẽ bình đẳng giới và quan hệ đối tác giữa nam và nữ nghị sĩ trong Liên minh Nghị viện.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người được bầu làm Chủ tịch Hội nghị nữ nghị sĩ lần thứ 21, cho rằng, 30 năm qua, Hội nghị nữ nghị sĩ thực sự đã tạo không gian cho các nữ nghị sĩ gặp gỡ, trao đổi tại mỗi kỳ đại hội đồng, giúp tăng cường hợp tác giữa các nghị sĩ, nữ nghị sĩ, đồng thời cũng là diễn đàn để cho tất cả nữ nghị sĩ cùng làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về các chủ đề quan tâm chung, thúc đẩy bình đẳng hợp tác nam nữ trong tất cả các lĩnh vực.

Quốc hội Việt Nam hiện có 121 nữ đại biểu và đều là thành viên của nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam. “Chúng tôi đã có nhiều nỗ lực triển khai các hoạt động, trong đó, vấn đề lồng ghép giới, bình đẳng giới trong công tác lập pháp, trong các hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề lớn của đất nước đều có sự tham gia của phụ nữ”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói. Theo Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, “Bất bình đẳng giới không chỉ là vấn đề của phụ nữ. Đó là vấn đề của tất cả mọi người… Sự chia sẻ tầm nhìn cũng như tình đoàn kết của Hội nghị nữ nghị sĩ IPU trong 30 năm qua đã làm thay đổi một tổ chức toàn cầu và tăng quyền lực của phụ nữ trong quá trình ra các quyết định chính trị trên thế giới. Chúng tôi kêu gọi các nghị sĩ nam giới chia sẻ tầm nhìn này”.

Sáng 29/3, tiếp tục chương trình nghị sự của Đại hội đồng IPU-132, tại phiên họp của Hội đồng điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132. Tại phiên họp này, các thành viên cũng thảo luận và quyết định chương trình hoạt động, quyết định nội dung các kỳ Hội nghị IPU, trong đó trọng tâm là: biến đổi khí hậu, khủng bố; phòng tránh rủi ro thiên tai và phát triển bền vững. Đặc biệt, các đại biểu đã thảo luận về chín chủ đề khẩn cấp để có thể lựa chọn một chủ đề chung nhất.

Cùng ngày, cũng trong khuôn khổ IPU-132, Hội nghị Hiệp hội các tổng thư ký nghị viện đã khai mạc. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường trực về các vấn đề Liên Hiệp Quốc đã họp thông qua báo cáo tổng kết về phiên họp của Ủy ban được tổ chức tại Đại hội đồng IPU-131 (tháng 10/2014); thảo luận chuyên đề về kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hiệp Quốc. Ủy ban Thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế cũng bắt đầu phiên họp thông qua báo cáo tổng kết về phiên họp của Ủy ban được tổ chức tại Đại hội đồng IPU-131 (tháng 10/2014); bầu ban lãnh đạo Ủy ban Thường trực; xem xét thông qua nghị quyết Chiến tranh mạng: mối đe dọa nghiệm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới.

Đại hội đồng IPU-132 tiếp tục làm việc đến hết ngày 1/4.

 B.T.L.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI