Thông tư mới có ngăn được nạn dạy thêm tràn lan?

10/01/2025 - 19:26

PNO - Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 29/2024 quy định cụ thể về việc dạy thêm, học thêm. Thông tư nêu rõ, nhà trường, tổ chức, cá nhân không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Đây là điều rất được dư luận xã hội hoan nghênh bởi trên thực tế, đây đó vẫn có hiện tượng ép buộc này.

Bức xúc vì bị ép học thêm

Chị T.T.H. (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) có 2 con học THCS. Chị cho hay, khi học ở bậc tiểu học, các con chị đã bị ép học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm dù khi đó, Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT đã quy định không được dạy thêm ở bậc tiểu học và giáo viên không được dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình.

Chị kể, khi cô giáo chủ nhiệm mở lớp dạy thêm, có trên 80% học sinh trong lớp đến học. Biết các con mình tiếp thu tốt bài giảng ở lớp, chị không đăng ký cho học thêm nhưng chỉ sau vài buổi, điểm kiểm tra của những học sinh có đi học thêm cao hơn hẳn số còn lại, cô giáo cũng thể hiện thái độ phân biệt bằng những lời nói không đúng mực ngay trên lớp. Chị bức xúc: “Tôi thấy rõ con mình bị ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. Không còn cách nào khác, tôi đành đăng ký, đóng tiền học thêm cho con để được yên thân chứ thực tế, cháu rất ít khi đến nhà cô học. Chỉ sau khoảng 2 tuần, 100% học sinh trong lớp đều đi học thêm ở nhà cô”.

Một điểm dạy thêm cho học sinh cấp I và trẻ chuẩn bị vào lớp Một có khá đông học sinh đến học vào buổi tối - ẢNH: D.V.
Một điểm dạy thêm cho học sinh cấp I và trẻ chuẩn bị vào lớp Một có khá đông học sinh đến học vào buổi tối - Ảnh: D.V.

Chị H.V.A. (quận Hà Đông, TP Hà Nội) có con học lớp Sáu cả ngày ở trường, có hôm đến 17g45 mới hết tiết học. Nhưng từ đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm đã định hướng cho học sinh học thêm các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh ở trung tâm (trung tâm do chính cô mở và cùng đồng nghiệp dạy), mỗi môn 2 buổi học thêm/tuần. Chị phàn nàn: “Nói là tự nguyện nhưng cô cứ nhắc trên nhóm lớp rằng cha mẹ cho các con đi học đầy đủ, đúng giờ. Ở lớp, có cô dạy lại những bài mà học sinh đã học ở trung tâm”.

Việc dạy thêm ở trường cũng gây không ít điều tiếng. Vừa qua, Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã kiểm tra, kết luận nhiều sai phạm của Trường tiểu học - THCS - THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), trong đó có việc báo cáo thu dạy thêm không trung thực, nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Cụ thể, ở một số lớp, số tiền trong danh sách thu tiền không khớp với phiếu thu tiền; nhà trường báo cáo thu 7.000 đồng/học sinh/tiết nhưng thực tế, học sinh THCS phải đóng 20.000 đồng/tiết, học sinh THPT phải đóng 17.500 đồng/tiết.

Trong tháng 12/2024, UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM kiểm tra đột xuất, phát hiện 7 cơ sở dạy thêm không phép, riêng điểm dạy thêm của 1 cô giáo Trường THPT Vĩnh Lộc chỉ có giấy phép thành lập công ty giáo dục. Điểm này với 3 lớp, tổng cộng khoảng 50 học sinh học thêm, trong đó có cả những học sinh do cô dạy chính khóa ở Trường THPT Vĩnh Lộc. Một số giáo viên khác của Trường THPT Vĩnh Lộc cũng thuê chung địa điểm này để dạy thêm, trong đó có dạy cho học sinh chính khóa của mình ở trường.

Còn đó những băn khoăn

Những tiêu cực về dạy thêm, học thêm không phải là cá biệt, cũng không chỉ có ở các thành phố lớn mà diễn ra tràn lan khắp nước. Cuối năm 2024, ngành GD-ĐT nhiều địa phương đã ban hành văn bản yêu cầu chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm sau khi nhận được phản ánh từ phụ huynh học sinh, như tỉnh Phú Thọ, TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình)…

3 trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm

1. Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. 2. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. 3. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
(Thông tư số 29/2024)

Thông tư số 17/2012 có những điểm không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, Thông tư số 29/2024 do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 30/12/2024 được đánh giá là hiệu quả hơn trong quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm ở trong và ngoài nhà trường. Theo thông tư mới, chỉ có 3 nhóm đối tượng được học thêm trong trường, gồm học sinh có kết quả xếp loại cuối học kỳ chưa đạt; học sinh chuẩn bị thi học sinh giỏi; học sinh thi cuối cấp.

Thông tư 29/2024 cũng quy định, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, “giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm”.

Lớp dạy thêm mỹ thuật tại nhà một cô giáo ở TP Hà Nội - ẢNH: M.T.
Lớp dạy thêm mỹ thuật tại nhà một cô giáo ở TP Hà Nội - Ảnh: M.T.

Quy định mới được đánh giá là hiệu quả hơn trong quản lý và giám sát dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, quy định này cũng khiến không ít phụ huynh, giáo viên băn khoăn. Anh Đ.H.T. (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) nói: “Vợ chồng tôi bận làm kinh tế, không đủ thời gian lẫn kiến thức để kèm con học nên việc cho con đi học thêm là phù hợp và hiệu quả. Quy định mới sẽ gây khó cho những gia đình tự nguyện cho con đi học thêm bởi hiện nay chưa có nhiều trung tâm dạy thêm để đăng ký cho con học”. Anh có 2 con học lớp Bốn và Sáu. Lâu nay, ngoài học ở trường, anh cho con đi học thêm toán, tiếng Anh ở nhà giáo viên chủ nhiệm, học phí 50.000 đồng/buổi.
Ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp, TPHCM - cho hay, khi Thông tư 29/2024 có hiệu lực thi hành, nhà trường sẽ thực hiện từng bước: giáo viên muốn dạy thêm làm đơn xin phép hiệu trưởng, trong đó ghi rõ những thông tin về lớp dạy thêm; hiệu trưởng xem xét, ra quyết định đồng ý hay không đồng ý đơn của giáo viên; giáo viên làm cam kết không dạy thêm trái quy định. Thông tư mới quy định rõ ràng hơn về cách xử lý giáo viên so với những thông tư trước đây.

Tuy nhiên, ông băn khoăn, thông tư mới quy định, dạy thêm trong nhà trường thì không được thu tiền nhưng ngoài buổi học chính khóa, ở trường còn có hình thức dạy buổi 2 (có thu tiền) và phụ đạo cho học sinh yếu kém (không thu tiền). Vậy “dạy thêm trong trường học” mà Bộ GD-ĐT nêu là hình thức nào, có tính cả buổi 2 không? Hiện tại, buổi 2 của trường chủ yếu là dạy tăng tiết cho các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh và khoa học tự nhiên cho học sinh lớp Chín để thi vào lớp Mười. Nếu Bộ GD-ĐT không cho thu tiền thì trường không có kinh phí trả cho giáo viên, học sinh không được tăng tiết thì sẽ phải đi học thêm bên ngoài với chi phí cao hơn nhiều và cơ sở vật chất chưa chắc bằng trong trường.

Một điểm dạy thêm ở quận Gò Vấp, TPHCM có khá đông học sinh đến học thêm ngoài giờ - ẢNH: D.V.
Một điểm dạy thêm ở quận Gò Vấp, TPHCM có khá đông học sinh đến học thêm ngoài giờ - Ảnh: D.V.

Rất cần sự phối hợp của chính quyền địa phương

Ông Lê Hồng Trung - Phó hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM - nhận định, thông tư mới chặt chẽ hơn, sát thực tế hơn các thông tư trước bởi đã trao quyền và trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị (hiệu trưởng), giao nhiệm vụ và trách nhiệm cho chính quyền địa phương, có sự giám sát của phụ huynh và nhân dân. Ông nhận định, quá trình thực hiện sẽ có những vấn đề phát sinh, nên quy định cũng cần tiếp tục được bổ sung, cập nhật và hoàn thiện để đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hiệp Tân, quận Tân Phú, TPHCM - cho rằng, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm. Chính quyền địa phương cần thường xuyên, kịp thời kiểm tra, xử lý việc giáo viên dạy thêm trái quy định ở địa phương mình và gửi văn bản yêu cầu nhà trường xử lý thêm. Hiệu trưởng chỉ quản lý giáo viên theo giờ hành chính, nếu hiệu trưởng đã tuyên truyền, giáo viên đã biết rõ quy định mà vẫn làm sai thì hiệu trưởng cũng khó kiểm soát được.

Ý kiến:

Dạy thêm, học thêm không phải là việc xấu

Hiện nay, học sinh và phụ huynh có rất nhiều nhu cầu như bồi dưỡng để thi học sinh giỏi, học thêm các môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật, thể thao… Trong khi đó, đời sống của giáo viên lại khó khăn, mức thu nhập chưa tương xứng và đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống, buộc họ phải mở lớp dạy thêm để tăng thu nhập dựa trên chính sức lao động của mình. Việc dạy thêm, học thêm như vậy là chính đáng. Tuy nhiên, những hình thức dạy thêm tiêu cực là rất đáng lên án, chẳng hạn như việc thầy cô lên lớp chỉ dạy qua loa, dạy một phần rồi xem đó như “mồi nhử” kéo học sinh về nhà mình để dạy thêm, kiếm tiền, kiểu “dạy thêm là chính”.

Để việc dạy thêm, học thêm giữ được đúng bản chất, cần phải đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chẳng hạn, cần quy định rõ mức thu học phí gồm mức trần, mức sàn; giáo viên được dạy những nội dung gì, điều kiện giảng dạy ra sao. Được vậy, việc kiểm soát, xử lý vi phạm sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Xem dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Chúng ta tìm mọi cách để chống những tiêu cực của vấn đề dạy thêm nhưng với những mặt tích cực thì chúng ta cần quản lý. Bộ GD-ĐT đã nhiều lần đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu đề xuất này thành hiện thực thì việc dạy thêm tích cực sẽ được phát huy, giúp nâng cao tri thức cho người học và nâng cao trình độ cho người dạy. Bên cạnh đó, khi chúng ta chưa đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông thì dạy thêm là một phương án tối ưu để giúp người học lấp lỗ hổng kiến thức.

Xét ở mặt tích cực, có thể thấy, người sống được bằng nghề dạy thêm chắc chắn là người có phương pháp giảng dạy hiệu quả. Hiện nay, không chỉ có học thêm trực tiếp mà còn có học thêm trực tuyến. Khi dạy thêm trở thành nghề kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý và giám sát của cả Bộ GD-ĐT lẫn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những mặt tích cực của dạy thêm cả trực tiếp và trực tuyến sẽ được phát huy.

Tiến sĩ Lê Thống Nhất - nhà sáng lập hệ thống BigSchool

Uông Ngọc - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI