Thông tin 'truyền bia giải độc rượu' dễ gây hiểu lầm

14/01/2019 - 10:00

PNO - Hoàn toàn không có chuyện cứ uống bia vào là giải độc được rượu.

Trước thông tin về việc “truyền bia để giải ngộ độc rượu” tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã lên tiếng khuyến cáo người dân khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu gây ra, hoặc ngược lại. Hoàn toàn không có chuyện cứ uống bia vào là giải độc được rượu.

Bản chất của trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn N. có hàm lượng methanol trong máu lên đến 2.100mg/l, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Do đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đã tiến hành xử trí theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của Bộ Y tế gồm kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc methanol.

Thong tin 'truyen bia giai doc ruou' de gay hieu lam
Một bệnh nhân được truyền bia giải độc rượu

Trong quá trình lọc máu thải độc, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác. Một trong số biện pháp đó là truyền bia (vì có chứa ethanol) vào dạ dày qua ống thông nhằm đào thải methadol. Sau chín ngày điều trị, bệnh nhân bình phục và xuất viện ngày 2/1.

Giải thích biện pháp này, Cục Quản lý khám chữa bệnh khẳng định, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải methanol ra khỏi cơ thể người bệnh. Ngoài ra, trong quá trình lọc máu thải độc, ethanol cũng có thể được sử dụng theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với methanol có trong máu. Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ có thể tạm thời trì hoãn việc chuyển hóa methanol thành các độc chất a-xít formic và format gây hại cho người bệnh và phải được thực hiện, theo dõi sát tại cơ sở y tế có đủ điều kiện, theo hướng dẫn chuyên môn và chỉ định của bác sĩ.

Methanol là cồn công nghiệp, bị nghiêm cấm sử dụng trong pha chế, sản xuất rượu, thực phẩm. Methanol khi vào cơ thể chuyển hóa thành chất gây độc lên hệ thần kinh, gây tổn thương não, tổn thương võng mạc dẫn đến mù lòa, nặng hơn là suy đa phủ tạng và tử vong.

Chất cồn có trong rượu, bia phải là cồn thực phẩm ethanol đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, ethanol cũng là chất có nguy cơ gây ngộ độc, có thể gây hôn mê, suy hô hấp và tử vong nếu uống rượu, bia nhiều. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo, nếu đã ngộ độc ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia có ethanol thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng. Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu, bia giả vì các loại rượu, bia này có thể chứa methanol.

 Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI