Thông tin trùng tu di tích phải minh bạch

05/08/2024 - 06:39

PNO - Bên cạnh những thành tựu, công tác trùng tu, tôn tạo di tích hiện vẫn còn nhiều điểm yếu.

Nhiều ban quản lý dự án trùng tu đã không sưu tầm đầy đủ tư liệu, hình ảnh liên quan đến các di tích gốc; không nghiên cứu, khảo sát đầy đủ tại hiện trường dẫn đến phương án thi công không chính xác, không đảm bảo các nguyên tắc bảo tồn.

Nhiều di tích đã bị hư hại, xuống cấp nặng nề nhưng chủ sở hữu hoặc quản lý chúng không có kinh phí bảo tồn, trùng tu, tôn tạo. Trong khi đó, nhiều di tích được trùng tu bằng nguồn vốn xã hội hóa nên việc trùng tu, tôn tạo bị sai lệch, xóa bỏ từng phần hoặc hoàn toàn di tích gốc, phá vỡ cảnh quan nguyên thủy.

Chùa Cầu Hội An
Chùa Cầu Hội An

Nhiều địa phương thiếu đội ngũ chuyên gia thực hiện việc này hoặc sử dụng nhân lực thiếu chuyên môn, non tay nghề, thậm chí áp đặt những yếu tố mới vào để mưu lợi, khiến công trình bị sai lệch, tốn kém, khó khắc phục.

Cũng có xảy ra tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm trong hoạt động đấu thầu, thiết kế, thi công dự án trùng tu. Quan điểm trùng tu cũng mâu thuẫn. Việc trùng tu chỉ hướng đến các di tích đã được xếp hạng, nên nhiều công trình có giá trị nhưng chưa được xếp hạng vẫn chưa được quan tâm… Những điều này làm ảnh hưởng đến lòng tin của công chúng về công tác bảo tồn, trùng tu di tích.

Những năm qua, số nhân lực được học tập ở nước ngoài gia tăng, hỗ trợ nhiều cho công tác trên. Tuy nhiên, việc trùng tu, tôn tạo di tích cũng đứng trước nhiều thách thức nhất là trong sự phát triển của mạng xã hội. Việc trùng tu chùa Cầu (TP Hội An) là một ví dụ điển hình. Một số người không có sự am hiểu nhưng lại chụp ảnh, đăng tin lên mạng xã hội để định hướng dư luận. Tâm lý đám đông càng khiến nhiều người hùa nhau bình luận, chỉ trích.

Tuy nhiên, qua vụ việc này, những người hoạt động trong lĩnh vực trùng tu, tôn tạo di tích cũng có được bài học kinh nghiệm về truyền thông, quan hệ công chúng. Nhiều bình luận trên báo chí, mạng xã hội cho rằng, lẽ ra nên giới thiệu rộng rãi về dự án trùng tu chùa Cầu, như quy mô đầu tư, thời gian thực hiện, đơn vị thi công, phương án, nguyên tắc, kỹ thuật, đội ngũ chuyên gia.

Từ đó, công chúng sẽ đỡ “ngỡ ngàng” hơn khi thấy diện mạo mới của công trình này. Thực tế, cơ quan chức năng của TP Hội An đã xuất bản các tờ rơi giới thiệu dự án trùng tu chùa Cầu với nhiều thông tin, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật, nhưng những thông tin này lại ít được công chúng quan tâm.

Trong quá trình trùng tu di tích Hữu Tùng Tự trong lăng vua Minh Mạng (TP Huế) kéo dài từ năm 1996-1998, nhóm chuyên gia Nhật Bản từng đề nghị Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế gỡ các tấm biển “Công trình đang thi công. Không phận sự cấm vào” và thay bằng các tấm biển “Công trình đang trùng tu. Xin mời tham quan”.

Thực tế, các công trường thi công trùng tu di tích ở Matsue, Izumo, Nara, Iwami Ginzan (Nhật Bản) hay Gyongbokgung, Kyongju (Hàn Quốc) đều mở cửa cho công chúng tiếp cận, tham quan.

Họ bố trí nhân viên quan hệ công chúng của dự án tiếp đón du khách, người dân tới tham quan, tìm hiểu; thuyết trình và giải đáp thắc mắc bằng cả bản ngữ và tiếng Anh; bố trí những lối đi riêng, thuận tiện cho du khách; cấp thẻ dành cho khách và mũ bảo hộ cho khách tham quan công trường để hạn chế rủi ro.

Các công trình trùng tu, bảo tồn di tích ở Việt Nam cũng nên được truyền thông mạnh hơn nữa. Như ở chùa Cầu vừa qua, có những tấm pa nô lớn giới thiệu dự án trùng tu nhưng rất ít người tiếp cận được hiện trường nên không có cơ hội đọc chúng.

Do đó, có thể chuyển tải các thông tin này lên website, Facebook, Instagram, TikTok… để tăng sự tiếp cận của công chúng, từ đó có thể hiểu rõ hơn công việc mà các nhà chuyên môn đang làm để ủng hộ hay góp ý, phản biện.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Đông Á, TP Đà Nẵng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI