Thông tin thuê bao bị đánh cắp để kích hoạt SIM rác: Nhà mạng hết đường 'chối tội'!

27/04/2018 - 06:00

PNO - Có lẽ đây là một sự thật khủng khiếp nhất từ trước tới nay trên thị trường thông tin di động. Nếu không có đợt cao điểm “nước đến chân mới nhảy” hoàn thiện thông tin thuê bao, sự thật này chưa chắc đã được hé lộ.

Nhân đợt hoàn thiện thông tin thuê bao theo Nghị định 49, nhiều thuê bao các mạng MobiFone, Viettel… nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi tổng đài 1414 để kiểm tra thông tin cá nhân thì phát hiện thông tin của họ bị sử dụng để đăng kí cho các số thuê bao khác mặc dù những số thuê bao đó bản thân họ không hề đăng kí sử dụng.

Câu hỏi thứ nhất cần đặt ra: Vì sao thông tin cá nhân của khách hàng lại bị mang đi đăng kí cho những SIM số mà họ không hề sở hữu và sử dụng?

Thông tin khách hàng chỉ có hai phía nắm giữ: Một là phía khách hàng, hai là phía nhà mạng. Khách hàng không dùng thông tin của mình để đăng kí nhiều số thuê bao khác, thì theo lôgic những số thuê bao đó đã sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng bị lộ lọt từ nhà mạng.

Thong tin thue bao bi danh cap de kich hoat SIM rac: Nha mang het duong 'choi toi'!
Nếu không có đợt cao điểm “nước đến chân mới nhảy” hoàn thiện thông tin thuê bao, sự thật về chuyện thông tin thuê bao bị đánh cắp để kích hoạt SIM rác chưa chắc đã được hé lộ.

Dùng từ “lộ lọt” là một cách nói chung chung. Trên thực tế có thể xảy ra theo hai  hướng: Bị cố tình lấy cắp và vô tình để lộ. Nếu vô tình để lộ, thì vấn đề nằm ở cách quản lí dữ liệu, thông tin khách hàng và qui trình kiểm tra, kiểm soát và quản lí thông tin, dữ liệu.

Hoặc cũng có thể, hệ thống công nghệ thông tin của nhà mạng có những lỗ hổng về bảo mật bị kẻ xấu, hacker xâm nhập lấy cắp thông tin. Trường hợp thông tin cá nhân khách hàng bị cố tình lấy cắp, khả năng rất lớn là từ trong nội bộ nhà mạng, câu chuyện khi đó sẽ rất nghiêm trọng.

Cách đây nhiều tháng đã từng xảy ra vụ việc thông tin cá nhân khách hàng của các hãng hàng không, bị tiết lộ ra cho những hãng ôtô để chào mời dịch vụ đưa đón. Khi đó, các hãng hàng không đã đổ lỗi cho hệ thống đại lí bán vé, đã tuồn thông tin cá nhân của hành khách bán ra bên ngoài, hoặc câu kết với các hãng xe, taxi để chào mời dịch vụ đưa đón cùng chia chác lợi nhuận, khiến hành khách không khỏi bất an.

Lần này thì thông tin bằng cách này hay cách khác từ nơi lưu giữ là nhà mạng đã bị lộ lọt. Nhưng đáng nói hơn là, thông tin thuê bao bị đánh cắp để kích hoạt SIM rác, hay còn gọi là thuê bao “ma”, nhằm đối phó với qui định của nhà nước về việc đăng kí thông tin cá nhân đối với thuê bao trả trước.

Khi nhiều trường hợp đánh cắp thông tin cá nhân thuê bao để kích hoạt SIM rác đã bị phát hiện, có lẽ con số sẽ không phải là ít. Nếu muốn kiểm tra xem thông tin cá nhân của bạn lưu giữ tại nhà mạng có bị đánh cắp hay không, cứ nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi tổng đài 1414 thì có thể biết được.

Suy cho cùng, sự đánh cắp thông tin thuê bao để kích hoạt SIM rác là một cách hợp thức hóa nhằm mục đích kinh doanh trục lợi. Thông tin thuê bao đã bị lấy cắp và sử dụng cho mục đích không phục vụ cho chính họ mà vì lợi ích của người khác – những đối tượng này có thể là cán bộ, nhân viên của nhà mạng cấu kết với các đại lí phân phối SIM.

Và câu hỏi thứ hai: Nhà mạng có biết việc này, có chủ trương lờ cho qua việc này hay không?

Nếu do cán bộ, nhân viên tuồn thông tin khách hàng ra bên ngoài thì nhà mạng phải chịu “con dại cái mang”. Nếu thông tin đó bị kẻ xấu xâm nhập hệ thống và đánh cắp, thì lỗi nhà mạng là thiếu tăng cường các giải pháp bảo mật để bảo vệ dữ liệu khách hàng.

Chung qui lại, với xì-căng-đan mới phát sinh này, trách nhiệm trực tiếp nhà mạng phải chịu, nhà mạng không thể “chối tội” được nữa.

Thế Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI