Thông tin này sẽ được xử lý trong vòng 4 giờ

06/09/2019 - 08:07

PNO - Nếu sau 4 giờ kể từ lúc tiếp nhận phản ánh của người dân, cán bộ hữu trách không giải quyết thì xem như chậm trễ, người đứng đầu đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm.

Khi hiệu quả làm việc của cán bộ gắn liền với chỉ số hài lòng của người dân, câu chuyện người được phục vụ bị nhũng nhiễu, hạch sách sẽ lùi vào quá vãng.

“Người dân có khó chịu không?”

Sáng cuối tuần, ông Nguyễn Đình Nghĩa (xã Trung Chánh) đến UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM lấy kết quả cho yêu cầu xin chấm dứt kinh doanh.

Nhận kết quả từ cán bộ Nguyễn Thị Hồng Tươi, ông vui vẻ nhìn vào màn hình chiếc iPad bên cạnh đang thể hiện các hạng mục: thái độ phục vụ của công chức: tốt - bình thường - kém; giải thích, hướng dẫn của công chức: dễ hiểu - bình thường - khó hiểu; chất lượng phục vụ: tốt - bình thường - kém. Ông Nghĩa nhấn tay, lần lượt chọn trên màn hình: tốt - tốt - tốt.

Thong tin nay se duoc xu ly trong vong 4 gio
Đáp lại nỗ lực cải cách hành chính của UBND H.Hóc Môn, 100% người dân tự nguyện thực hiện đánh giá sự hài lòng

Lý giải cho những lượt nhấn tốt của mình, ông Nghĩa cho hay, do đăng ký ngưng hoạt động kinh doanh, ông chẳng buồn đi nhận kết quả. Chỉ đến gần ngày phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, vợ ông phát hoảng, giục chồng đi lấy kết quả để hoàn tất các thủ tục còn lại. 

Trễ gần nửa tháng, ông Nghĩa cứ ngỡ cán bộ UBND huyện sẽ làm khó mình hoặc ít nhất cũng là vài câu lằng nhằng, khó nghe. 

“Thế mà, trong lúc tôi còn ái ngại đưa giấy hẹn thì cô Tươi rất niềm nở, giải quyết cho tôi chỉ trong vòng 30 giây. Cô ấy còn chỉ tôi các bước phải hoàn tất trong quy trình ngừng kinh doanh. Cán bộ như thế, tôi không “đánh” tốt sao được” - ông Nghĩa nói.

Ở UBND huyện Hóc Môn, tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính, trước bàn làm việc của mỗi cán bộ đều trang bị một iPad để tiếp nhận đánh giá của người dân. 

Gần 2 tháng trước, trong một cuộc họp về cải cách hành chính ở TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM - nhận xét, dù chậm hơn vài quận, huyện, việc ứng dụng công nghệ thông tin của UBND huyện Hóc Môn là một điển hình cho hiệu quả kết nối giữa người dân và chính quyền, với tỷ lệ 100% người dân có công việc tương tác với chính quyền đều để lại đánh giá. 

“Tỷ lệ tuyệt đối, nhưng trước yêu cầu buộc phải đánh giá của chính quyền, liệu người dân có thấy khó chịu không?” - ông Nhân đặt vấn đề.

Thong tin nay se duoc xu ly trong vong 4 gio
Với mỗi phản ánh của người dân, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, xử lý trong 4 giờ

Chị Nguyễn Hồ K. - một người dân ở xã Tân Hiệp - khẳng định: “Nếu không tự nguyện, tôi cũng không cảm thấy khó chịu khi cán bộ đề nghị đánh giá. Không phải là chuyện chỉ mất 3 giây cho thao tác này mà tôi nghĩ, đó cũng là trách nhiệm của người dân đối với chính quyền. Mình thấy cán bộ đối đãi, làm việc ra sao thì cứ thế nhận xét, đánh giá thôi”. 

Theo chị K., thỉnh thoảng, báo chí vẫn điểm mặt, gọi tên những cán bộ lợi dụng chức vụ, nên chuyện người dân bị nhũng nhiễu, đòi hỏi vẫn là nỗi sợ mỗi khi có chuyện cần tương tác với chốn công quyền. 

Bản thân chị từng chứng kiến một người bạn đến cơ quan thuế ở quận X. để hoàn thành nghĩa vụ sau khi bán được căn nhà. 

Theo đó, dù chỉ có một căn nhà vừa bán, thuộc trường hợp miễn đóng thuế thu nhập cá nhân, nhưng tại cơ quan chức năng, cán bộ thuế vẫn “nghi ngờ”, tra vấn bạn của chị: “Tôi tra trên mạng thấy chị có đến 3 căn nhà ở quận A, quận B”. 

Vị cán bộ yêu cầu, để được miễn thuế, bạn của chị K. phải đi xác thực 2 căn nhà kia không do mình sở hữu.

Không thể chứng minh bằng miệng, bạn của chị K. đành thất thểu ra về. Thế nhưng, vừa ra đến cửa thì cán bộ gọi giật. Giữa mớ giấy tờ ngổn ngang trên bàn, vị cán bộ viết lên một tờ giấy loại, chìa cho bạn của chị K.: “Chị có cần nhờ dịch vụ xác minh thì đây, xong trong 1 ngày, 3 triệu đồng”. 

Chị K. kết luận: “Đời ai cũng có nhiều việc phải gắn với chính quyền nên tôi cho rằng, đánh giá cán bộ phải là một thói quen văn minh của người dân, của thủ tục hành chính minh bạch”. 

Vì thế, khi đến UBND huyện Hóc Môn để lấy biên nhận xin thành lập hộ kinh doanh cá thể, dù đang rất vội, chị K. vẫn nán lại để đánh giá sự phục vụ của cán bộ.

Thong tin nay se duoc xu ly trong vong 4 gio
Sau khi nhận kết quả, ông Nguyễn Đình Nghĩa không chút đắn đo thực hiện những “cú đánh”

Theo ông Dương Hồng Thắng - Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn - kể từ ngày triển khai, thống kê qua phần mềm đánh giá thái độ làm việc, phục vụ của cán bộ cho kết quả gần 99% người dân bày tỏ mức độ hài lòng. Tới đây, bộ phận tiếp nhận hồ sơ của huyện cũng sẽ trang bị máy chụp hình, máy scan để phục vụ người dân tốt hơn.

Mỗi người dân, một “cán bộ” đô thị

Ngoài trang bị iPad ngay tại đơn vị, từ tháng 4/2019, UBND H.Hóc Môn còn triển khai ứng dụng (app) “Hóc Môn trực tuyến” để kết nối người dân.

Chỉ cần tải phần mềm “Hóc Môn trực tuyến”, thay vì phải đến UBND, người dân có thể ngồi tại nhà thực hiện các tương tác dịch vụ công với chính quyền huyện; như nộp hồ sơ, tra cứu thông tin quy hoạch… 

Kể từ quý III/2019, UBND TP.HCM áp dụng chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức dựa trên sự hài lòng của người dân.

Phần mềm “Hóc Môn trực tuyến” cho phép lãnh đạo huyện nắm được cụ thể chất lượng làm việc, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với từng nhân viên; qua đó dễ dàng đánh giá chỉ tiêu, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Cũng qua phần mềm này, người dân dễ dàng theo dõi, tra cứu tình trạng, tiến độ giải quyết hồ sơ của mình. 

Hướng đến chất lượng phục vụ của cán bộ nên phần mềm còn cho phép người dân được nhận xét, đánh giá từng khâu giải quyết hồ sơ. Nhờ đó, ngoài việc tiết kiệm thời gian, chi phí… người dân còn “đôn đốc” được cán bộ thông qua việc phản ánh chất lượng phục vụ.

Ông Dương Hồng Thắng cho biết, ngoài phát huy tính dân chủ của người dân, “Hóc Môn trực tuyến” còn giúp tăng khả năng làm việc của cán bộ, điều chỉnh thái độ, loại bỏ sự nhũng nhiễu, tiêu cực. 

Do mỗi hạng mục nộp hồ sơ đều bao gồm các yêu cầu nộp đủ, nộp đúng, nên cán bộ tiết kiệm được thời gian kiểm tra từng loại, qua đó xử lý được nhiều hồ sơ hơn trước. 

Không dừng lại ở đó, “Hóc Môn trực tuyến” còn giúp chính quyền kịp thời gửi đến dân các khuyến cáo về tình hình trật tự hoặc các thông báo về chính sách, chủ trương của huyện; giúp lãnh đạo huyện điều hành, giám sát cán bộ, thông qua theo dõi tình hình xử lý hồ sơ, tiến độ giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo…

Không chỉ chuyện giải quyết hồ sơ, “Hóc Môn trực tuyến” còn giúp kết nối người dân - chính quyền. Ba tháng nay, anh Quốc Hùng (xã Đông Thạnh) được bạn bè gán cho biệt danh “công dân gương mẫu”. Anh Hùng bẽn lẽn: “Tại tính tôi nhiều chuyện”.

Với phần mềm “Hóc Môn trực tuyến” cài trên điện thoại, anh Hùng kể, trong phạm vi của huyện, đi đến đâu, nhìn thấy điều gì chướng mắt, anh đều mở điện thoại, phản ánh với chính quyền. 

Có hôm đi ngang một con kênh, thấy cống bị nghẹt, anh liền mở app, viết: “Kênh Bà Mẫn bị ứ rác, nghẹt cống, ngăn dòng chảy” rồi gửi đi, kèm tấm hình anh vừa chụp. Cũng ngay lập tức, anh nhận được tin nhắn hồi đáp: “Thông tin đã được gửi tới cơ quan chức năng thành công, sẽ được xử lý trong vòng 4 giờ”. 

Hôm khác, nhìn thấy một nắp cống bị lệch, anh Hùng cũng dừng xe, vào app gửi thông tin…

“Tôi cảm thấy không thoải mái với những cái chướng mắt như vậy, nhưng ngày xưa không biết phải phản ánh với ai. Có mấy đường dây nóng cho các lĩnh vực thì cũng không làm sao nhớ nổi. Bây giờ, từ chuyện nhà hàng xóm có bạo hành, ngoài đường có ổ voi hay nhà kia tổ chức đánh bạc… tôi chỉ việc mở “Hóc Môn trực tuyến”, báo cho chính quyền” - anh Hùng nói.

Tiếp nhận thông tin người dân, trong vòng 4 giờ, UBND huyện Hóc Môn nhanh chóng phân công cho cán bộ, đơn vị liên quan trực tiếp xử lý. 

Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho hay, nếu sau 4 giờ kể từ lúc tiếp nhận phản ánh của người dân, cán bộ hữu trách không giải quyết, xem như chậm trễ, người đứng đầu đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI