Thông tin giả tiếp tục khiến nhiều người ngại tiêm chủng

07/07/2022 - 05:54

PNO - Rất nhiều thông tin giả, không chính xác lan truyền trên mạng xã hội đã khiến nhiều bậc cha mẹ băn khoăn về sự cần thiết của việc tiêm chủng định kỳ cho trẻ nhỏ, không ít người lớn bỏ qua các mũi tiêm quý giá và cần thiết.

Sợ vắc xin do thông tin sai lệch

Xu hướng lo ngại vắc xin xuất hiện trong bối cảnh làn sóng thông tin sai lệch về COVID-19 và các loại vắc xin tiếp tục lan tràn. Bất kể việc vắc xin COVID-19 đã giúp ngăn chặn khoảng 20 triệu ca tử vong do đại dịch trong năm qua. Việc một số quốc gia chính trị hóa các mũi tiêm COVID-19 đã thúc đẩy phong trào chống lại vắc xin, tác động làm giảm tỷ lệ tiêm chủng định kỳ đối với bệnh sởi, bại liệt và các bệnh nguy hiểm khác. Jason Terk - bác sĩ nhi khoa tại Texas và là người phát ngôn của Học viện Nhi khoa Mỹ - cho biết: “Nhiều phụ huynh hỏi tôi rằng liệu những thứ này có thực sự cần thiết hay không, hoặc liệu họ có thể tiêm trễ hơn không. Những câu hỏi như thế ngày càng nhiều”. 

Phong trào chống vắc xin phát triển như nấm sau mưa khi các thông điệp sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội được khuếch đại từ những người có ảnh hưởng. Với tỷ lệ tiêm chủng tổng quát giảm, nhiều khu vực trên thế giới ngày càng lo ngại về sự bùng phát trở lại của những căn bệnh đã được loại trừ ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Mỹ, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo được tiêm chủng theo khuyến cáo đã giảm từ 95% xuống 94% trong năm học 2020 - 2021, tương ứng với khoảng 35.000 trẻ em chưa được tiêm chủng. Bác sĩ Terk nói: “Điều này dường như bắt nguồn từ sự chần chừ trong việc tiêm chủng COVID-19. Kèm theo đó là việc phụ huynh ngày càng mất lòng tin vào vắc xin và các cơ quan y tế”.

Viết trên tạp chí y khoa Vaccine, các nhà khoa học giải thích sự sụt giảm này không chỉ do các hạn chế về giãn cách và miễn trừ tiêm vắc xin, mà còn do “một phong trào chống vắc xin mạnh mẽ”. Theo công ty tư vấn sức khỏe Avalere - chuyên phân tích các hồ sơ bảo hiểm - tỷ lệ tiêm chủng ở người lớn và thanh thiếu niên tại Mỹ cũng giảm xuống đối với các loại vắc xin bảo vệ chống lại các bệnh như cúm, viêm gan, sởi, uốn ván và bệnh zona tính đến tháng 7/2021. 

Tiêm chủng vắc-xin ở trẻ em đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi nhiều căn bệnh nguy hiểm - ẢNH: GETTY IMAGES
Tiêm chủng vắc xin ở trẻ em đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi nhiều căn bệnh nguy hiểm - ẢNH: GETTY IMAGES

Mối đe dọa từ những bệnh có thể phòng tránh

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về một “điều kiện hoàn hảo” cho các đợt bùng phát bệnh sởi trên toàn thế giới sau khi ghi nhận số ca toàn cầu tăng vọt trong hai tháng đầu năm 2022, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Như một trong những thành tựu y tế công cộng quan trọng nhất, Mỹ đã loại bỏ các trường hợp mắc bệnh sởi trong cộng đồng vào năm 2000 nhờ vắc xin.

Kể từ đó, bệnh sởi xuất hiện tại Mỹ chủ yếu thông qua những người trở về từ nước ngoài. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch cộng đồng chống lại bệnh sởi đang bị đe dọa ngay cả trước đại dịch. Việc từ chối tiêm chủng ngày càng tăng trong hai thập niên qua đã tạo ra một quần thể những người chưa được tiêm chủng bao gồm từ trẻ mới biết đi đến thanh niên. 

Một đánh giá của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) về các đợt bùng phát bệnh sởi từ năm 2001 - 2018 cho thấy, chi phí trung bình để điều trị mỗi trường hợp là 32.805 USD. Không chỉ vậy, nhiễm bệnh sởi có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch trong nhiều năm, cản trở khả năng của cơ thể để phản ứng với các bệnh nhiễm trùng khác. Nguy cơ bùng phát dịch sởi càng tăng khi hầu hết biện pháp phòng dịch COVID-19 đều đã chấm dứt, bao gồm việc đi lại quốc tế.

Trong tình cảnh tương tự, sau khi Cơ quan An ninh y tế Anh đưa ra cảnh báo về việc tìm thấy vi-rút gây bệnh bại liệt trong nước thải tại London vào tháng Sáu, nhiều bài đăng gây hiểu lầm được chia sẻ trên mạng xã hội nói rằng vắc xin là nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh (?).

Tuy rất khó để dập tắt những thông tin sai lệch trên internet, các quốc gia, địa phương có thể củng cố niềm tin trong cộng đồng về giá trị của vắc xin thông qua kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em. Bắt đầu từ một chiến dịch tiêm chủng cho những trẻ đã bỏ qua các liều vắc xin thông thường trong thời kỳ đại dịch. Các nhân viên y tế vẫn là nguồn cung cấp thông tin vắc xin đáng tin cậy nhất ngay cả đối với những người đang có tâm lý do dự về vắc xin. Do đó, hệ thống y tế địa phương cần ưu tiên tiếng nói của các nhân viên y tế và tăng cường sự tương tác với bệnh nhân để truyền tải thông điệp về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt khi thông tin sai lệch về chống vắc xin đang ngày càng gia tăng. 

Tấn Vĩ (theo AFP, CNA, LA Times, NPR) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI