|
ĐBQH Tô Văn Tám đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng khi thông tin giả bủa vây người tiêu dùng |
Thông tin giả, sai lệch bủa vây người tiêu dùng
Sáng 26/5, Quốc hội thảo luật về Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một trong những vấn đề quan trọng là người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ hàng hóa.
Trong điều kiện hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, có những hành vi đã và đang sử dụng phương tiện này để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch hay tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…
Thậm chí, gần đây, xuất hiện nhiều trang web giả mạo các bác sĩ giỏi, các bác sĩ có tên tuổi để đánh lừa người dân khám bệnh, điều trị và mua sản phẩm y tế.
Giữa những bủa vây của thông tin giả như vậy thì người tiêu dùng khó phân biệt được, nhiều người tiền mất, tật mang vì những thông tin sai lệch, mạo danh như thế. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu và đặt câu hỏi: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu?
ĐBQH đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông tại các Điều 75, 76 là không chỉ tuyên truyền cung cấp thông tin hay cảnh báo cho người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như dự thảo mà còn có trách nhiệm ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch, mạo danh trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ.
Không nên hạn chế giải quyết theo thủ tục rút gọn với các giao dịch trên 100 triệu đồng
|
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, chỉ hạn chế giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn với các giao dịch trên 100 triệu đồng là hạn chế quyền của người tiêu dùng |
Một trong những nội dung khác được quan tâm trong dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) là việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại tòa án. Dự thảo quy định "một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn đó là khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng", tức là từ 101 triệu trở lên sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chỉ ra, từ năm 2015 khi xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự đã rất phân vân đối với vấn đề này, khi đó đã đề xuất giá trị giao dịch là 50 triệu hay 70 triệu để được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, sau đó đã phải bỏ đề xuất này bởi vì không phù hợp với thực tế.
“Trong rất nhiều trường hợp, có khi giá trị tranh chấp chỉ là vài triệu đồng nhưng tình tiết thì rất phức tạp, chứng cứ thì không rõ ràng, các bên không lập hợp đồng mà thỏa thuận miệng thì không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp. Nhưng ngược trở lại thì có những vụ án giá trị tranh chấp lên đến vài chục tỉ đồng nhưng các bên lập hợp đồng rất rõ ràng, chặt chẽ và mỗi lần giao hàng đều có biên bản giao, nhận đầy đủ thì vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết”.
ĐBQH kiến nghị bỏ điều kiện về giá trị tranh chấp và không nên hạn chế việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn chỉ vì giao dịch đó có giá trị hơn 100 triệu đồng, trong khi tất cả những điều kiện khác đều được thỏa mãn điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - cho biết, áp dụng thủ tục rút gọn, là để giải quyết vụ việc cho nhanh.
Việc quy định con số 100 triệu đồng, theo một số đại biểu phản ánh là đang hạn chế quyền của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hòa Bình cũng đồng tình với quan điểm này.
Bởi theo ông có những vụ việc lên tới 1 tỉ, 2 tỉ đồng nhưng rõ ràng, thỏa mãn điều kiện vẫn có thể giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, tham khảo kinh nghiệm thế giới, ví dụ như luật của Đức, tất cả các tranh chấp dân sự có giá trị dưới 5.000 euro thì Tòa án tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Nếu như giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, xong lại quay lại sơ thẩm thì chi phí của xã hội cho giải quyết một vụ án có quy mô nhỏ này còn lớn gấp nhiều lần giá trị tranh chấp là 1.000, 2.000 euro.
“Quay lại câu chuyện của chúng ta, bảo vệ tranh chấp của người tiêu dùng là có quy mô dưới 100 triệu thì có lẽ Ban soạn thảo cũng tham khảo kinh nghiệm thế giới” - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nói.
Song ông đề nghị nên đưa hai yếu tố vào giải quyết thủ tục rút gọn, thứ nhất là đáp ứng điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và thứ hai là các vụ việc có quy mô tranh chấp dưới 100 triệu, quy mô quá nhỏ.
“Tôi nói ví dụ như là người tiêu dùng bị xâm hại khi đi mua 1 chai mắm Phú Quốc chất lượng không đảm bảo hay là hàng giả thì một người đi mua một chai mắm mà chất lượng kém, có khi chỉ bị thiệt hại 10.000, chẳng ai đi kiện thiệt hại 10.000 nhưng nhiều người sẽ bị như vậy, số lượng nhiều hơn” - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nói.
M.Quang