PNO - Trên không gian mạng, thông tin về bệnh cúm dày đặc, thậm chí bị thổi phồng hoặc sai lệch khiến người dân lo lắng. Thị trường bộ xét nghiệm (kit test) cúm, thuốc Tamiflu cũng “nhảy múa” theo.
Bệnh nhi mắc cúm điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Ảnh: Thanh Sơn
Loạn giá kit test cúm, thuốc Tamiflu
Suốt tuần qua, thông tin về bệnh cúm - đặc biệt sau khi ngôi sao Đài Loan (Trung Quốc) Từ Hy Viên qua đời - đã “thổi bùng” nỗi lo lắng trong dư luận. Từ đó kéo theo sự “tăng nhiệt” của các loại kit test cúm và thuốc Tamiflu trên thị trường. Chủ một hiệu thuốc tại Hà Đông (TP Hà Nội) cho biết, mấy ngày nay, số lượng người mua test cúm và thuốc Tamiflu tăng lên rõ rệt. Nguồn cung thuốc Tamiflu cũng đang có dấu hiệu khan hàng. Dù vậy, cửa hàng này vẫn giữ giá bán 55.000 đồng/viên Tamiflu và 40.000 đồng/que test cúm như trước tết. Chủ cửa hàng cũng cho hay, hiện có rất nhiều hàng trôi nổi, được quảng cáo là Tamiflu “xách tay”, có giá rẻ hơn, song không được kiểm chứng nên nhiều cửa hàng không nhập về.
Cách cửa hàng này khoảng 1km, khi chúng tôi hỏi giá thuốc Tamiflu, người bán nói, hàng đang khan hiếm nên chỉ còn số lượng ít, giá bán tăng lên tới 69.000 đồng/viên. Tại một cửa hàng thuốc trên đường Hai Bà Trưng (TP Hà Nội), các sản phẩm trong mùa cúm đều được khẳng định có “giá bình ổn”. Dù vậy, giá test cúm A/B cũng lên tới 65.000 đồng.
Trên mạng xã hội, thuốc Tamiflu đang được quảng cáo như một loại “thần dược” trong bối cảnh bệnh cúm bùng phát. Một tài khoản bán hàng trên Facebook kêu gọi mỗi gia đình nên mua vài hộp thuốc để dự trữ khi cần thiết. “Tamiflu chỉ dùng tốt nhất trong 42 giờ đầu khi cúm, giúp giảm tỉ lệ biến chứng. Thuốc còn có tác dụng phòng ngừa, ngăn nhiễm bệnh khi tiếp xúc với bệnh nhân cúm mùa. Trẻ em từ 1 tuổi hay thanh thiếu niên, người lớn có nguy cơ nhiễm vi rút đều có thể uống dự phòng” - tài khoản này nhấn mạnh.
Điều đáng nói, dù Tamiflu là loại thuốc bán theo đơn, song trên mạng xã hội, chỉ cần cung cấp thông tin, địa chỉ, người bán sẽ trực tiếp gửi hàng về tận nơi với số lượng như mong muốn.
Các loại thực phẩm chức năng cũng được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội. Từ mật ong, vitamin C, kẹo vitamin, si rô, sữa non, tỏi đen… theo người bán đều có khả năng tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể trong mùa này. Thậm chí, một số loại còn được giới thiệu “kháng vi rút hiệu quả”. Đáng lưu ý, hầu hết các mặt hàng này đều được giới thiệu là hàng “xách tay” từ Hàn Quốc, Nhật Bản… mà không có tem nhãn nhập khẩu hay kiểm định của cơ quan chức năng.
Chưa có bất thường về dịch bệnh
Thị trường thuốc Tamiflu và kit test “tăng nhiệt” trước các thông tin về dịch bệnh - Ảnh: H.A.
Theo các chuyên gia, cúm mùa thường xảy ra vào thời tiết lạnh, đặc biệt giai đoạn chuyển mùa đông xuân. Dù vậy, trên mạng xã hội, một số ý kiến cho rằng bệnh cúm đang “bất thường”, xảy ra “trái mùa”, hay cho rằng bệnh cúm lần này còn nguy hiểm hơn đợt dịch COVID-19. Có rất nhiều đơn thuốc sai, thiếu căn cứ đang được lan truyền để người dân áp dụng trị cúm.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - khẳng định, cúm mùa là bệnh đã lưu hành nhiều năm. Bệnh có thể gia tăng hơn vào một số năm, trong đó có yếu tố thời tiết. “Tuy nhiên, cúm mùa năm nay tại Việt Nam không phải là chủng mới. Vì vậy, chúng ta không chủ quan nhưng cũng không phải quá quan ngại” - ông nói. Về một số trường hợp biến chứng nặng khi mắc cúm, ông lý giải: có một tỉ lệ nhất định người mắc cúm có thể chuyển biến nặng, trong đó đáng lưu ý nhất là người có bệnh nền, sức khỏe yếu và suy giảm miễn dịch. Do đó, một trong những biện pháp phòng ngừa cúm mùa hiệu quả là tiêm vắc xin cúm hằng năm. Việc tiêm phòng cần thực hiện trước mùa dịch, bởi sau khi tiêm từ nửa tháng đến 1 tháng, vắc xin mới có thể tạo ra miễn dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, số ca mắc cúm có tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp tết Nguyên đán năm 2025. Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định, không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước. Tác nhân chủ yếu gây bệnh vẫn là các chủng cúm cũ: cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Về việc tự ý dùng kit test trong mùa cúm, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - khuyến cáo: việc tự mua xét nghiệm kháng nguyên tại nhà không được ngành y tế khuyến khích, do ảnh hưởng của kỹ thuật lấy mẫu, cùng chất lượng kit test, mà tỉ lệ chính xác dương tính có thể không đạt được mức mong đợi là 50 - 70%. Khi cần thiết, người dân liên hệ cơ sở y tế có dịch vụ xét nghiệm tại nhà để bảo đảm kết quả chẩn đoán chính xác hơn.
Các chuyên gia cũng cảnh báo người dân không nên tự ý sử dụng thuốc Tamiflu mà cần theo chỉ định của bác sĩ. Tamiflu dùng để ức chế vi rút nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của vi rút ở đường hô hấp. Tuy nhiên, nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương vào dịch cúm A/H1N1 năm 2009 cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ kể từ lúc có triệu chứng sốt thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng. Do đó, sử dụng thuốc Tamiflu không đúng cách có thể không hiệu quả, gây lãng phí và còn có nguy cơ dẫn tới tác dụng phụ. Đôi khi, theo tiến triển tự nhiên, bệnh nhân tự khỏi cúm, song các gia đình lại lầm tưởng đó là tác dụng của Tamiflu nên sản phẩm tiếp tục bị thổi phồng công dụng.
Vừa mắc cúm xong có cần tiêm vắc xin?
Tất cả trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đều nên tiêm phòng cúm. Đặc biệt, nhóm có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng được khuyến khích tiêm phòng càng sớm càng tốt.
Khoảng 4 tuần sau khi tiêm vắc xin, cơ thể có thể hình thành kháng thể cao nhất. Sau khi tiêm, người tiêm vẫn có thể mắc bệnh do một số nguyên nhân. Nhưng phần lớn người mắc cúm sau khi đã tiêm phòng cúm đủ liều sẽ có triệu chứng nhẹ hơn, giảm tỉ lệ biến chứng của bệnh so với những người chưa tiêm. Tiêm vắc xin cúm cho phụ nữ mang thai lợi ích gấp đôi khi có thể bảo vệ cho cả mẹ và thai nhi.
Điều dưỡng Hà Thị Thanh Hoa
Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi trung ương