Thông tin cá nhân dẫn đường cho kẻ xấu tiếp cận

22/04/2018 - 10:30

PNO - Mặc dù chưa có con số thống kê những vụ án liên quan trực tiếp đến lộ thông tin cá nhân nhưng đó lại là nguy cơ cho kẻ xấu thực hiện ý đồ tiếp cận, gây án.

Chỉ cần biết họ tên, số điện thoại của ai đó, đối tượng mạo danh là điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… đang tiến hành điều tra về tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, rửa tiền mà người này có liên quan, từ đó dò hỏi số giấy chứng minh nhân dân, từ số chứng minh nhân dân chúng có thể biết tài khoản ngân hàng, tiền gửi tại các ngân hàng… 

Thong tin ca nhan dan duong cho ke xau tiep can

Phương thức thủ đoạn mới “sáng tạo” ra là chúng sẽ yêu cầu bị hại mở một tài khoản ngân hàng đứng tên chính mình nhưng đăng ký dịch vụ Internet Banking cho tài khoản ấy bằng số điện thoại do chúng cung cấp. Bước tiếp theo, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển/nộp tiền vào tài khoản vừa đăng ký để “công an” kiểm tra, xác minh, giám định về việc có liên quan đến đường dây tội phạm đang điều tra hay không.

Sau đó chúng yêu cầu bị hại cung cấp tên đăng nhập, mã kích hoạt, mật khẩu của tài khoản Internet Banking vừa mở và dễ dàng “hô biến” số tiền trong tài khoản. Bị hại chủ quan, thiếu cảnh giác do nghĩ tài khoản vẫn đứng tên mình, nhân viên ngân hàng cũng không nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, nhưng đối tượng đã lấy cắp tất cả thông tin cần thiết để thực hiện giao dịch. 

Khi vào các trang mạng hoặc chỉ là đăng nhập wifi miễn phí, ta thực hiện thao tác khai tài khoản, điện thoại, email, mật mã một cách hồn nhiên, vô tư, không cần biết những thông tin ấy sẽ lọt vào tay ai với mục đích gì. 

Càng chia sẻ thông tin cá nhân, phơi bày rộng rãi trên mạng xã hội là thêm dữ liệu cho đối tượng điều nghiên, tăng khả năng tiếp cận. Đôi khi mũi tấn công của đối tượng không phải là ta mà là người thân, là những đứa trẻ.

Có khi cha mẹ đi du lịch, công tác xa, lịch trình dài ngày và thường “cập nhật” trực tiếp trên mạng xã hội về chuyến đi, tạo điều kiện cho đối tượng chớp thời cơ để đột nhập trộm cắp, bắt cóc hoặc xâm hại những đứa trẻ ở nhà một mình, thiếu vắng sự bảo vệ của người lớn.

Đăng thông tin lên mạng xã hội là quyền của mỗi người nhưng hạn chế đăng thông tin cụ thể, hoặc chỉ đăng khi chuyến đi đã kết thúc sẽ giảm thiểu rủi ro. Trong thế giới ảo, con người sống với nhau cũng ảo nhưng thiệt hại đưa đến là thật. Người sử dụng phải sáng suốt, tùy thông tin mà đưa công khai hoặc để chế độ chỉ bạn bè mới được xem, hoặc ẩn - “chỉ mình tôi”. 

Việc ghi tên cha mẹ, số điện thoại lên cặp đi học của con cũng cần được cân nhắc. Phụ huynh hy vọng nếu con đi lạc, người tốt nào đó sẽ liên lạc với mình để đưa con về giúp, nhưng đã có những trường hợp kẻ xấu đánh lừa được trẻ khi giả vờ là người thân quen với cha mẹ của bé bởi có thể gọi đúng tên, nghề nghiệp, đọc đúng số điện thoại. 

Việc lấy dấu vân tay để làm sinh trắc hiện nay khá phổ biến, chưa có nghiên cứu khoa học nào đủ sức thuyết phục về vấn đề này nhưng nguy cơ để lộ thông tin cá nhân là rõ ràng.

Với xác suất trùng nhau là 1/64 tỷ người, dấu vân tay không ai trùng ai, có thể thay đổi theo thời gian nhưng không nhiều. Vì thế, mã vân tay được ứng dụng trong điểm danh, mở khóa điện thoại, khóa nhà...

Nếu dấu vân tay bị làm giả bằng công nghệ tiên tiến, đối tượng có thêm công cụ để thực hiện ý đồ xấu. Trong công tác điều tra, dấu vân tay in trên hiện vật là một trong những dấu vết để lại hiện trường cùng với lông, tóc, râu, vết máu, vật dụng… Không loại trừ khả năng đối tượng in dấu vân tay của người khác để đánh lạc hướng điều tra.

Trung tá LÊ MINH LÊ
(Đội trưởng Đội Tổng hợp, Công an Q.3, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI