Thông tin về việc nhiều sản phụ nghi lộ thông tin cá nhân từ Bệnh viện Từ Dũ một lần nữa gây cám cảnh về vấn nạn mua bán thông tin tại Việt Nam trong nhiều năm nay. Vừa sinh xong, các sản phụ liên tục được gọi điện chào mời mua các sản phẩm, dịch vụ chuyên dụng, mà nào phải 1-2 người, nên không thể là do ngẫu nhiên hay do trùng hợp, thông tin bị lộ từ một nguồn khác. Vậy mà vẫn không có ai ở bệnh viện ấy đứng ra chịu trách nhiệm, họ vẫn khăng khăng “không phải tôi, nào đâu phải tôi”.
2 năm trước, khi chuẩn bị sinh bé trai đầu lòng, tôi đến một trung tâm mua sắm chuyên vật dụng cho trẻ sơ sinh và để lại số điện thoại “để tụi em tư vấn cho chị kịp thời” (lời một nhân viên ở đấy nói). Cuộc mua sắm xong, tôi trên đường về nhà thì nhận được cuộc gọi, bên kia là nhân viên của một hãng sữa bột! Nhân viên ấy chào mời tôi mua sữa, và gọi tôi bằng cái tên mà tôi viết đại trên phiếu ở cửa hàng mua sắm. Nghĩa là, số điện thoại của tôi lẫn các “thông số” khác như thai ở tháng thứ mấy, giới tính của em bé… đều đã được cửa hàng tuồn đi đâu đó, một cách ngay tức khắc vì tôi thậm chí còn chưa kịp về đến nhà.
Không thể nào dằn nổi sự phẫn nộ trong mình, tôi ngồi trên taxi và gọi điện đến hotline cửa hàng kia, “hỏi tội” và tuyên bố nếu tôi còn nhận được những cuộc gọi mà tôi xác định là thông tin được tuồn ra từ cửa hàng, tôi sẽ làm đơn kiện. Dẫu mạnh miệng thế nhưng tôi biết, có mà đi kiện củ khoai!
Tôi, người thân tôi, bạn bè tôi hầu như không ai là không “nếm mùi” thưởng thức các cuộc gọi rác, sau khi để lại số điện thoại ở một nơi nào đấy. Bất kỳ đâu, chỉ cần để lại số điện thoại là ngay tức khắc chúng bị đem bán ra chợ trời.
Đau khổ nhất là cách đây 4 năm, sau khi đăng ký mua căn hộ tại một dự án ở quận Bình Thạnh, chỉ ngay ngày hôm sau điện thoai tôi bắt đầu bị “oanh tạc” bởi cả chục cuộc gọi mỗi ngày, từ các nhân viên bất động sản. Họ gọi bất kể giờ giấc, hành chính lẫn giờ nghỉ trưa, tối… Có lần tôi phải “năn nỉ” một bạn nam, rằng em có thể note vào danh sách của công ty em, là “nhân vật này bận họp nguyên buổi sáng thứ 2” được không. Vì hầu như lần họp giao ban đầu tuần nào cũng vậy, tôi nhận 3-4 cuộc họp chỉ để chào mua căn hộ, đất nền… Cơn sốt đất đai càng tăng cao, số lượng cuộc gọi rác gọi đến càng nhiều.
Điều cần đặt ra là, luật liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân/khách hàng đã có, hành vi vi phạm về thu nhập, sử dụng, phát tán và kinh doanh thông tin cá nhân trái phép mới đây cũng đã được điều chỉnh tăng mức phạt lên đến 60 triệu đồng, chưa kể các mức phạt bổ sung (theo Nghị định 14/2022/NĐ-CP). Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít các trường hợp bị điều tra, xử phạt theo luật định.
Trở lại với nghi vấn các sản phụ bị lộ thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ, không khó để xác định nghi vấn này là có hay không. Trong điều kiện không thể xác minh, Bệnh viện hãy chủ động chuyển vụ việc đến cơ quan điều tra, và trước khi có kết luận cuối cùng, điều cần làm của lãnh đạo bệnh viện là xin lỗi. Khi không phải một mà rất nhiều sản phụ bị phát tán thông tin sau khi bước vào cổng bệnh viện, thì dù khách quan hay chủ quan, khó để nói rằng Bệnh viện hoàn toàn đứng ngoài cuộc sự sai phạm này.
Dĩ nhiên, không chỉ mỗi Bệnh viện Từ Dũ. Thông tin cá nhân bị phát tán thời gian qua diễn ra ở bất kỳ giao dịch nào từ mua nhà, đi thay sim điện thoại, đi uống cà phê, đi mua sắm, mua vé máy bay, giao dịch ở ngân hàng... Đã đến lúc cần phải đặt ra vấn đề sâu hơn về vấn nạn này, nhất là trong bối cảnh có rất nhiều vụ lừa đảo tiền tỷ diễn ra trong thời gian qua chỉ vì thông tin cá nhân bị lộ.
Hà Di