Thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi): Chưa có phương án xử lý tài sản bất minh

20/11/2018 - 09:02

PNO - Dù Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được bấm nút thông qua, tuy nhiên, phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý, vẫn chưa được quy định do nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Sáng 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Với 452/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (95,88%), luật chính thức được thông qua.

Liên quan tới một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại dự thảo luật lần này là phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Trước đó, tại đầu kỳ họp, dự thảo luật đưa ra hai phương án để xin ý kiến của ĐBQH.  Phương án 1, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định. Trên cơ sở các chứng cứ, ý kiến tranh tụng, tòa án sẽ xem xét và đưa ra phán quyết để bảo đảm tính minh bạch, công khai.

Thong qua Luat Phong chong tham nhung (sua doi): Chua co phuong an xu ly tai san bat minh
 

Với phương án 2, trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sáng 20/11, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tại tất cả các phiên thảo luận về nội dung này, ý kiến các vị ĐBQH, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán.

Để bảo đảm thận trọng, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến các vị ĐBQH về nội dung này. Kết quả, có 209/456 ý kiến đại biểu, chiếm 43,09% tổng số ĐBQH tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 156/456 ý kiến đại biểu, chiếm 32,16% tổng số ĐBQH tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.

Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số ĐBQH. “Do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên UBTV nhận thấy nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật”, bà Lê Thị Nga nói.

UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng. Nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.

Đồng thời, Điều 31 của dự thảo luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.

Thong qua Luat Phong chong tham nhung (sua doi): Chua co phuong an xu ly tai san bat minh
 

Đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì dự thảo luật đã quy định việc xử lý nghiêm khắc hơn so với pháp luật hiện hành.

Cụ thể, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến. Người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Ngoài ra, luật lần này giữ nguyên nhiều quy định như trong dự thảo trình từ đầu kỳ họp Quốc hội như: mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức; quy định người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, không được để người thân kinh doanh trong những lĩnh vực mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước…

Minh Quang

 
TIN MỚI