Thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi

14/11/2022 - 17:08

PNO - Chiều 14/11, với đại đa số ý kiến tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi.

 

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi

Trước đó, giải trình tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Luật, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, dự thảo có 5 nhóm điểm mới. Cụ thể:

Thứ nhất, với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Thứ hai, thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Thứ tư, khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Liên quan tới các ý kiến đóng góp vào dự thảo, có ĐBQH đề nghị xem xét nguyên tắc không hòa giải hành vi bạo lực gia đình quy định tại Khoản 2, Điều 17 vì không thể hiện tính quy phạm. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bỏ Điểm a, Khoản 2, Điều 17.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị Điều 24 quy định cơ quan công an xã có quyền yêu cầu người gây bạo lực gia đình đến trụ sở để làm rõ hành vi bạo lực gia đình; trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không đến thì công an xã có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định pháp luật để đưa người được yêu cầu đến trụ sở. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định thời gian người có hành bạo lực gia đình làm việc tại trụ sở công an xã và đề nghị làm rõ trình tự, thủ tục, biện pháp bảo đảm thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất việc tiếp thu, chỉnh lý quy định này theo hướng bỏ quy định về thời gian người bị bạo lực gia đình làm việc tại trụ sở công an xã. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành yêu cầu thì công an xã được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI