Thông qua Luật Nhà ở: Chung cư mini được quản lý ra sao?

27/11/2023 - 09:57

PNO - Sáng 27/11, với 423 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỉ lệ 85,63%), Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).

 

Sáng 27/11, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật nhà ở (sửa đổi)
Sáng 27/11, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật nhà ở (sửa đổi)

Trước khi biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét.

Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm trong thời gian qua là phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, có ý kiến cho rằng quy định tại dự thảo luật quá chặt chẽ, khó khả thi, đề nghị chỉnh lý theo hướng Nhà nước tập trung quản lý, kiểm soát theo quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy hoặc Luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo luật đã điều chỉnh: “không quy định yêu cầu riêng mà dẫn chiếu điều kiện quản lý loại hình nhà ở này đến các yêu cầu về xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, yêu cầu của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân”.

Ngoài ra dự luật yêu cầu bổ sung quy định điều chỉnh đối với nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ có mục đích hỗn hợp cả bán, cho thuê mua, cho thuê để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Liên quan tới quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhiều ý kiến tán thành phương án 1 quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê. Có ý kiến cho rằng chỉ nên giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư dự án nhà ở xã hội mẫu, điển hình. Ý kiến khác cho rằng phương án nào cũng có ưu điểm, hạn chế, do đó đề nghị lấy phiếu đối với từng phương án.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, tiếp thu ý kiến đóng góp, dự thảo luật đã chỉnh lý: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê”. 

Theo đó, với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn thì việc xác định chủ đầu tư dự án được thực hiện theo quy định áp dụng với dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định giá thuê nhà ở xã hội; đồng thời, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội.

Về xây dựng nhà lưu trú công nhân, theo ông Hoàng Thanh Tùng, các ý kiến ĐBQH đều tán thành, đồng thời đề nghị quy định chặt chẽ về quy mô xây dựng nhà lưu trú, các điều kiện về an toàn, vệ sinh môi trường để bảo đảm sức khỏe, môi trường sống của công nhân, người lao động.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là cần thiết. Dự thảo luật đã bổ sung quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỉ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp...

Về xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp như một số ý kiến ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung nội dung này để tránh sơ hở trong quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng; tránh gây xung đột với các luật liên quan; tập trung đầu tư, tạo thuận lợi phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân ngoài khu công nghiệp.

Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI