Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Luật An ninh mạng quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”.
|
Có 423 đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật An ninh mạng |
Ông Võ Trọng Việt phân tích, dù không ít đại biểu Quốc hội còn lo lắng về các hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền hạn để khai thác thông tin người dùng, nhưng ngay trong luật này, các hành vi trên đã bị nghiêm cấm.
Một trong các vấn đề gây nhiều tranh cãi khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải bỏ phiếu lấy ý kiến riêng là quy định tại điều 26 về đảm bảo an ninh thông tin trên không gian mạng: “Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người dùng tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ; doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”.
Không ít đại biểu cho rằng, quy định này không khả thi, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ông Võ Trọng Việt lý giải, đây là điều khoản ngoại lệ về an ninh và hết sức cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân, an ninh quốc gia. Hơn nữa, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất áp dụng quy định này mà đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia.
Hiện nay, Google và Facebook đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: “Nếu quy định của luật này có hiệu lực thì các doanh nghiệp này dịch chuyển đám mây điện toán (máy chủ ảo) về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Đây là việc hoàn toàn khả thi”.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung quy định: việc lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam chỉ trong thời gian nhất định theo quy định của Chính phủ để tránh chi phí cho doanh nghiệp.
Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) chia sẻ, trong mấy ngày vừa qua, thông tin xấu, độc “bùng nổ” trên mạng xã hội được nhiều người chia sẻ tạo ra hậu quả khôn lường. Tài khoản Facebook của ông cũng bị gắn thẻ, chia sẻ thông tin mà ông không đồng tình. Câu chuyện trên là một trong những điểm củng cố quyết tâm của các đại biểu Quốc hội trong việc thông qua luật mặc dù trước đó, có nhiều đại biểu còn băn khoăn vấn đền này, vấn đề kia.
|
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ về quyết định bấm nút thông qua Luật An ninh mạng |
“Bây giờ xã hội đang rất cần thì phải bấm nút thông qua. Bản thân tôi trước đó cũng đã có những lo ngại, bây giờ vẫn có những điều còn băn khoăn nhưng phải đặt ra lợi ích so sánh, việc thông qua hay không thông qua có lợi hơn” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh việc phải lấy an ninh quốc gia làm trọng.
Là một trong số 15 người không tán thành thông qua Luật An ninh mạng, đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) vẫn còn nhiều băn khoăn. Ông cho rằng, an ninh mạng là điều ai cũng mong muốn, nhưng phải xem xét để phù hợp với thời đại, môi trường hiện có, không thể biệt lập với thế giới.
“Chúng ta không chủ động về hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ, nên phải tính tới rủi ro. Ý chí của chúng ta là một chuyện, nhưng phải tính tới sự phù hợp với môi trường đang sống”.
Ông hoan nghênh những điều chỉnh cần thiết như bỏ quy định đặt máy chủ của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, nhưng luật này vẫn còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác. Ông đặt câu hỏi: “Nếu xảy ra rủi ro, ai là người chịu trách nhiệm” và cho rằng, không nên tiếp tục tư duy “không quản được thì cấm” mà nên tăng cường năng lực, kỹ năng để khai thác những ưu thế của thời đại.
Cũng trong ngày 12/6, Quốc hội bấm nút và thông qua nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016, Luật Cạnh tranh (sửa đổi), nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, Luật Tố cáo (sửa đổi) với đa số phiếu tán thành.
Tuấn Minh