edf40wrjww2tblPage:Content
ĐẢM BẢO AN NINH DỊP TẾT
Trong phiên thảo luận buổi sáng, rất nhiều vấn đề bức xúc về dân sinh đã được các ĐB tập trung mổ xẻ, làm rõ. Một số ĐB cho rằng, nhiều vấn đề như: việc xử lý ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp gây ô nhiễm, vấn đề giảm ngập nước đánh giá chưa sát với thực tế hiện nay; việc đầu tư cơ sở cho y tế dự phòng còn hạn chế; những khốn khổ mà người dân phải chịu trong các đợt triều cường mới đây... UBND TP cần tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường mẫu giáo trong các KCX-KCN. Năm 2013, tội phạm trộm cắp trong khu dân cư tăng đột biến, gây bất an trong dân, cần xem xét đánh giá nguyên nhân và có giải pháp đủ mạnh để giải quyết…
ĐB Nguyễn Thị Thanh Thúy bức xúc: “Thiếu trường lớp, nhất là trường mầm non, nên việc ra đời các nhóm trẻ tự phát là hiển nhiên. Những nơi này có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn TP đã xảy ra hai trường hợp tai nạn thương tâm đối với trẻ. Tôi kiến nghị ngành GD-ĐT TP siết hơn nữa việc cấp phép cho các nhóm trẻ. Ngoài ra UBND TP, các sở ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non ở các KCN-KCX, chứ như hiện nay là quá chậm”.
Về vấn đề an ninh trật tự, ĐB Trần Quang Thiện băn khoăn: “Tình hình tội phạm hình sự, ma túy, mại dâm, tham nhũng... có chiều hướng gia tăng. Kiến nghị các cơ quan chức năng phân tích nguyên nhân để giải quyết hiệu quả...”.
Theo đại tá Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trộm cướp gia tăng là do TP là nơi hội tụ của dòng dịch chuyển dân cư nên tội phạm ở các tỉnh thành cũng tập trung về đây ẩn náu và hoạt động. Ngoài ra, một số phạm nhân được tha tù không tái hòa nhập cộng đồng hay chưa có việc làm ổn định cũng là nguồn dễ phát sinh tội phạm…
Nhận định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP còn những diễn biến phức tạp từ nay đến Tết Giáp Ngọ 2014, ông Châu cho hay: ngành công an sẽ huy động lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp để giữ bình yên cho TP.
Biểu quyết thông qua các tờ trình của UBND TP tại kỳ họp 12 HĐND TP.HCM. Ảnh: Nhật Thụy.
ĐIỀU CHỈNH VIỆN PHÍ LÀ HỢP LÝ
Buổi chiều, các ĐB đã thảo luận thông qua 13 dự thảo nghị quyết quan trọng. Trong đó, dự thảo nghị quyết “Điều chỉnh một phần giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công lập với lộ trình tăng từ 2014 đến 2016” được rất nhiều ĐB quan tâm.
Theo đó, mức viện phí mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/6/2014 theo lộ trình tăng trong ba năm tại 29 bệnh viện, một khu điều trị, hai trung tâm, một phòng khám chuyên khoa cấp thành phố; 23 bệnh viện quận huyện và 322 trạm y tế phường, xã, thị trấn. Cụ thể, từ 1/6/2014, sẽ tăng từ 65-75% các dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư liên tịch số 04 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính (TTLT 04), quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước (hiệu lực từ 15/4/2012). Từ 1/6/2015, tăng 75-85% và từ 1/6/2016, tăng 100%. Riêng đối với 25 dịch vụ kỹ thuật được quy định tại TTLT 04 có giá bằng hoặc thấp hơn giá cũ, sẽ thực hiện mức 100% khung giá TTLT 04. Vẫn giữ nguyên giá đối với 1.038 dịch vụ kỹ thuật không quy định tại TTLT 04.
Theo ĐB Trần Trọng Dũng, việc tăng này chủ yếu tăng các dịch vụ kỹ thuật chứ vật tư và giá thuốc là không thay đổi. Tuy nhiên, phải lưu ý quá trình thực hiện và phải giám sát chặt chẽ. Để làm rõ, ĐB Dũng dẫn chứng: Vừa rồi, tháng 6/2013, Cục Quản lý dược giám sát, kiểm tra một số nhà thuốc bệnh viện công.
Theo quy định giá thuốc bệnh viện công không vượt quá giá của Cục Quản lý dược đã đăng tải trên website, nhưng kiểm tra thì phát hiện có những mặt hàng cao gấp bốn lần. ĐB Tô Thị Bích Châu đề nghị TP cần xem xét khi điều chỉnh tăng viện phí, liệu BHXH có thanh toán đủ không? Năm 2014, BHXH có tăng mức đóng hay không? Một số ĐB cho rằng, lộ trình điều chỉnh viện phí là hợp lý vì với mức phí như hiện nay sẽ gây khó khăn cho các cơ sở y tế do không thể có kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế…
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM cho rằng: Trong tổng chi phí khám, chữa bệnh thì 60% là thuốc và vật tư, 40% là phí các dịch vụ kỹ thuật, do đó việc điều chỉnh giá viện phí lần này chỉ điều chỉnh tăng 40% phí các dịch vụ kỹ thuật, còn thuốc và vật tư được tính theo giá mua vào của bệnh viện. Vì vậy, thực tế số tiền chênh lệch người dân có tham gia BHYT phải chi trả thêm khi điều chỉnh một phần giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không nhiều.
Hiện nay, 63% người dân TP tham gia BHYT đã được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh, người bệnh chỉ phải đóng phần đồng chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế mà không phải chi trả thêm các chi phí nào khác. Việc điều chỉnh giá một số dịch vụ khám bệnh tuy có tác động nhưng mức độ ảnh hưởng không lớn đến đời sống kinh tế của 37% người dân TP chưa tham gia BHYT.
Hôm nay, 11/12, kỳ họp tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với sự tham gia trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM.
QUỲNH MAI - TIẾN ĐẠT
Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính kế toán Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Dự thảo Nghị quyết về Mức chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo TP.HCM 2014-2015 được thông qua. Theo đó, với hộ nghèo thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm, ngân sách TP.HCM hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT. Các hộ cận nghèo 21 triệu/người/năm hiện được ngân sách hỗ trợ 50% chi phí mua thẻ BHYT, sắp tới sẽ được hỗ trợ mua thẻ BHYT là 70%. Thực hiện quyết định 14/2012/QĐ-TTg, TP.HCM cũng đã triển khai Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo. Người nghèo được hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh kèm tiền ăn ở (người nghèo, cận nghèo khi tham gia khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được BHYT thanh toán 80% chi phí, và ngân sách TP hỗ trợ 15% chi phí). Trong thời gian tới, theo dự thảo Luật BHYT mới thì người nghèo sẽ được hưởng100% chi phí khám chữa bệnh còn đối tượng cận nghèo bị bệnh mạn tính sẽ được hỗ trợ hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh. HĐND TP đã Thông qua 13 dự thảo nghị quyết 1. Dự thảo NQ về quyết toán ngân sách TP 2012. 2. Dự thảo NQ về dự toán phân bổ ngân sách TP 2014. 3. Dự thảo NQ về Bảng giá các loại đất trên địa bàn TP.HCM công bố ngày 2014. 4. Dự thảo NQ về Kế hoạch đầu tư xây dựng giai đoạn 2014-2015 và năm 2014 liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. 5. Dự thảo NQ về Đề xuất giảm tỷ lệ thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi kể cả lái xe trên địa bàn TP. 6. Dự thảo NQ về Ban hành mức thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm ngành tài nguyên môi trường. 7. Dự thảo NQ về Điều chỉnh mức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại các trạm thu phí trên XLHN và tại cầu Bình Triệu. 8. Dự thảo NQ về Bổ sung Quỹ tên đường của TP.HCM. Trong đó có 1.070 tên, TP.HCM sẽ có tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các Mẹ VNAH, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 9. Dự thảo NQ về Một số chế độ, chính sách hỗ trợ cho đối tượng cai nghiện ma túy. 10. Dự thảo NQ về Điều chỉnh một phần giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. 11. Dự thảo NQ về Mức chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo TP.HCM 2014-2015. 12. Dự thảo NQ về kế hoạch biên chế công chức hành chính và tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2014. 13. Dự thảo NQ về Chương trình hoạt động giám sát của HĐND TP.HCM năm 2014. |