|
Trà sư Thanh Tâm tại đồi chè ở Đài Loan (ảnh nhân vật cung cấp) |
Chọn sống bình an
Chị là trà sư Ngô Thị Thanh Tâm. Bên tách trà chiều, chị chia sẻ: “Tôi đã có rất nhiều thứ, từ nhà, xe, đất đai, danh phận. Nhưng ở tuổi này, tôi không còn thấy những vật sở hữu ấy là giá trị nhất, bởi đôi khi chính nó làm mình không bình an”.
Theo chị, đôi khi cái nhà to khiến mình trở thành đầy tớ cho nó, phải lo dọn dẹp, lau chùi; chiếc xe sang lại khiến mình phải chăm sóc mỗi khi ra đường, có va chạm lại muộn phiền. Chính vì vậy, càng ngày chị càng khép mình lại với những món đồ mà người đời thường ham muốn, để mở lòng ra, buông bỏ bớt.
Là một trà sư, chị am hiểu về ấm chén, trà cụ và các loại trà từ Đông sang Tây, nhưng rồi chị chọn cái gốc của trà Việt để gìn giữ nét văn hóa đẹp của dân tộc. Trà sư Thanh Tâm cũng mở rộng sưu tập các dòng trà nổi tiếng của Đài Loan, một trong những xứ sở trứ danh về trà. Công việc này đã “vận” vào chị từ hồi trẻ. Nhiều khi thấy một chiếc ấm ưng ý, gom hết tiền mua cũng không tiếc.
“Máu” sưu tập trà và trà cụ trong chị rất lớn, luôn sẵn sàng chi tiền để có được một chiếc ấm cổ từ thời nhà Thanh, để được vui với nó thật lâu. Với trà cũng vậy, có lần sang Đài Loan, thấy có một lô phổ nhĩ được bán với giá vừa phải, chị không ngần ngại mua ngay. “Với trà và ấm, mình cần lắng nghe chữ duyên, để biết có những chiếc ấm, những dòng trà nếu bỏ qua thì tiếc nuối lâu dài về sau” - kỷ lục gia Thanh Tâm chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chị, nguyên liệu trà ở Việt Nam mới là số một, trong đó phải kể đến những loại trà cổ thụ có tuổi đời cả mấy trăm năm đến ngàn năm. Chị còn cho biết, ngay cả nhiều loại trà dán nhãn Đài Loan, mua từ Đài Loan về nhưng thực chất được trồng, chế biến từ Bảo Lộc.
Vì vậy, trà sư Thanh Tâm cho rằng, trà Việt nếu được đầu tư và nâng tầm đúng mức sẽ trở thành một trong những sản phẩm mang văn hóa ẩm thực, kết hợp với du lịch để tăng thu nhập cho người trồng trà cũng như các cơ sở chế biến, người kinh doanh trà. Để định vị được trà Việt trong bản đồ trà trên thế giới thì việc sản xuất trà sạch, tiêu chí chất lượng phải đặt lên hàng đầu.
Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm cho biết, khi đi qua hết những thăng trầm, còn giữ lại tình yêu với trà chính nhờ phước duyên nhiều đời nên chị rất trân trọng và biết ơn tất cả thuận nghịch. Do vậy, giờ đây có phát biểu hay chia sẻ đâu đó, chị cũng chỉ nói về trà, về ấm chén trong cái nhìn của một người hiểu sâu về nó, mong người dân Việt có nghề trồng trà có thể sống được, sống khỏe với cây trà - thức uống phổ biến, rất tốt cho sức khỏe con người này.
|
Trà sư Thanh Tâm trong lần được tôn vinh kỷ lục châu Á, tháng 10 năm 2022 (ảnh nhân vật cung cấp) |
Để lại cho đời
Nói về bộ sưu tập vừa được chứng nhận kỷ lục châu Á, chị cho biết, muốn cho Tâm trà diệu bảo một danh phận để sau này những chiếc ấm chén tử sa giá trị mà chị dày công gìn giữ có đời sống tốt hơn. Đó không còn là tài sản cá nhân của chị mà trở thành bảo tàng về ấm chén tử sa.
Do vậy, khi có người thấy chị đồng ý làm các kỷ lục từ Việt Nam đến châu Á và hiện đang lo hồ sơ để xác lập kỷ lục thế giới cho bộ sưu tập đã có “lời ra tiếng vào”, chị chỉ mỉm cười vì “chỉ có mình mới biết mình làm vì điều gì”.
“Tôi không giữ những danh hiệu này cho cá nhân mà biến chúng thành tài sản chung, của những người yêu trà Việt Nam” - chị nói về ý nguyện sau này sẽ hiến tặng toàn bộ bộ sưu tập Tâm trà diệu bảo cho cộng đồng. Để làm được điều này, chị cho biết nhờ nhìn sâu vào nhân duyên, thấy rõ sự vô thường của cuộc sống. Không có gì là của mình cả, tất cả do nhân duyên mà thành tựu.
Bản thân chị gặp được nhiều thiện duyên nên mới có được cơ hội đến với trà, làm bạn với ấm chén, có cuộc sống thảnh thơi như hiện tại. Vì thế, chị muốn để lại cho đời và không vướng bận trên hành trình tiến về phía bình yên.
“Giờ cũng đã 60 tuổi, ăn mặc không nhiều, hạn chế các quan hệ để dành thời gian cho bản thân, thong dong với trà, với hơi thở. Riêng trà để uống thì cả đời dùng không hết. Tôi thấy như vậy là quá đủ đối với mình” - chị nhẹ nhàng.
Chị bảo, bản thân là người sưu tập trà, ấm chén chứ không phải người kinh doanh trà nên mọi chia sẻ về lĩnh vực này, trà sư Thanh Tâm đều nói thật, dù “sự thật mích lòng”. Dù vậy, chị vẫn tự tại, bởi những gì bản thân hiểu biết trong mấy mươi năm chị đều chia sẻ hết, kiến thức không nên giữ.
Chính từ tâm niệm này mà cuốn Trà duyên đều là những câu chuyện trà - ấm với thông tin đầy đủ nhưng chỉ để tặng cho người yêu thích. “Sắp tới tôi cũng sẽ ra một cuốn sách nói về văn hóa trà, với những kiến thức chuyên sâu hơn về trà - ấm” - chị chia sẻ. Tất nhiên, vẫn là sách tặng vì “tôi không phải là người kiếm tiền từ viết sách”.
3 người con của chị, con trai đang làm IT ở Việt Nam, 2 con gái đang du học ở Úc, tôn trọng và ủng hộ lẽ sống của mẹ. Điều chúng tôi cảm nhận từ câu chuyện gia đình của trà sư Thanh Tâm chính là sự tôn trọng nhau để giúp nhau giữ lòng yên, để thấy người thân của mình hạnh phúc.
Lưu Đình Long