Lập kế hoạch cuộc đời

Thong dong đón nhận tất cả

20/12/2024 - 06:20

PNO - Sống dễ thì sự ra đi sẽ dễ dàng. Đơn giản vậy thôi, nhưng để hiểu và làm được, cần quá trình rèn luyện.

Tuổi già thong dong là ước muốn của nhiều người (ảnh minh hoạ)
Tuổi già thong dong là ước muốn của nhiều người (ảnh minh hoạ)

Đời người luôn có những điều bất như ý: cuộc sống thiếu thốn, ốm đau bệnh tật, con cái không hiếu thuận… Trước những điều bất như ý đó, cách mỗi người đón nhận rất khác nhau. Người thì cho mình là nạn nhân, rồi đau khổ và oán hận; người thì học cách chấp nhận như một phần tất yếu của cuộc sống.

Ông nội tôi qua đời khi tôi còn rất nhỏ. Cho tới bây giờ, lối xóm vẫn nhắc cách ông rời trần thế. Nhà nội có khá nhiều ruộng đất, nội cho người nghèo thuê mướn. Năm nào thất mùa, nội không lấy tiền thuê. Nhiều người mang ơn nội, nhà có buồng chuối hay mớ cá cũng đem biếu.

Năm đó, bỗng dưng nội đòi đi thăm khắp họ hàng xa gần. Ông căn dặn bà nội khi ông mất, tổ chức tang lễ ra sao, chia đất cho ba tôi và các cô chú thế nào. Sáng đó nội ăn cơm xong thì than mệt. Nội thay bộ áo dài khăn đóng tề chỉnh rồi lên giường nằm. Lát sau bà nội phát hiện ông đã đi rồi.

Đám tang nội đông người tới viếng. Ai cũng nhắc những ân tình và sự tử tế của nội. Sau khi nội mất, gia cảnh không còn như xưa nhưng ba tôi luôn duy trì nếp nhà, sống tử tế và thiện lương nên được mọi người kính trọng. Lối xóm có việc tranh chấp thường kéo tới nhờ ba tôi phân xử. Nhà nào có cưới gả cũng nhờ ba đi “ăn nói” với bên sui gia…

Ba mang nhiều bệnh tật do di chứng của những trận đòn lúc ba bị giặc bắt, tù đày. Đối diện với những cơn đau, ba chịu đựng mà không than van. Tôi nhớ thời điểm những năm 1980, bệnh viện chưa nhiều thiết bị hiện đại. Nghi ngờ ba bị ung thư gan nên bác sĩ dùng ống kim rất to, rút dịch gan để xét nghiệm. Lúc đón ba ở cửa phòng thủ thuật, tôi thấy mặt ba xanh mét, băng gạc trên bụng ba đỏ máu. Chị em tôi chảy nước mắt thương ba. Ba cười hiền: “Ba chịu được, không sao!”.

Biết mình không qua khỏi, ba căn dặn sau này chôn ba cạnh má, dặn không cho anh Tư tôi biết tin vì anh đi học xa. Ba nói không có gì để hối tiếc… Những lời ba dặn để lại trong lòng chị em tôi nỗi thương xót khôn nguôi.

Nhà tôi thời điểm đó thiếu trước hụt sau nên ba không được chữa trị đúng cách, nhưng ba bằng lòng với số phận. Lúc ba rời cõi tạm, dây nhợ còn chằng chịt trên người nhưng ba nhắm mắt thanh thản. Giây phút cuối, ba muốn chị em tôi yên lòng, muốn để lại hình ảnh đẹp đẽ trong lòng các con.

Tôi nhớ có bà cụ đã hỏi sư thầy: “Làm sao để chết dễ?”. Thầy trả lời: “Sống dễ thì chết dễ”. Chỉ một câu đơn giản vậy thôi, nhưng để hiểu và làm được, cần quá trình rèn luyện.

Cuộc đời của mỗi người muốn dễ dàng, cần học cách tha thứ cho người và cho bản thân, buông bỏ những ganh tỵ và oán ghét. Học cách chấp nhận những thiếu thốn và ốm đau bệnh tật như một phần tất yếu của cuộc nhân sinh vô thường. Làm những việc thiện lành và tử tế để mang niềm vui đến cho những người xung quanh. Sống dễ thì sự ra đi sẽ dễ dàng.

Tôi rất thích triết lý: “Khi bạn chào đời, bạn khóc còn những người xung quanh thì cười. Hãy sống sao để khi mất đi, bạn mỉm cười còn những người xung quanh thì khóc”. Họ khóc vì thương tiếc bạn, vì những điều tử tế bạn đã làm. Còn bạn thong dong rời cõi tạm mà không có gì để hối tiếc.

Thuỳ Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI