|
Bud Light Next (ra mắt đầu năm 2022) gây ấn tượng với hương vị thanh nhẹ, ít calo đi kèm “nhãn xanh” bảo vệ môi trường từ Climate Neutral - Ảnh: Anheuser-Bush |
Nhiều năm qua, Austin Whitman thường xuyên cảm thấy thất vọng trước tình trạng thiếu hụt những chính sách bảo vệ môi trường hiệu quả, nhất là ở địa hạt kinh doanh thương mại. Sau 20 năm làm việc trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng sạch, vị chuyên gia môi trường người Mỹ tỏ rõ nỗi trăn trở: “Hiện nay, tại Mỹ, nhiều quy định - chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu dẫu đã được chính phủ thông qua vẫn còn mang nặng tính lý thuyết. Tôi e rằng lỗ hổng này là rào cản lớn khiến chúng ta không thể thật sự làm giảm sức ép khí thải và bảo vệ bầu khí quyển”.
Năm 2019, Whitman chủ động biến băn khoăn trên thành giải pháp cụ thể bằng cách sáng lập một tổ chức tư vấn đặc biệt. Climate Neutral, do anh đảm nhiệm vai trò giám đốc điều hành, chuyên hỗ trợ các công ty lớn nhỏ trên toàn cầu trong vấn đề giảm thiểu khí thải. Đạt được “nhãn xanh” chứng nhận của Climate Neutral không chỉ đồng nghĩa doanh nghiệp đã hoàn thành tốt mục tiêu bảo vệ môi trường mà quan trọng hơn hết, họ có cơ hội chứng minh năng lực triển khai một kế hoạch giảm tải khí thải phù hợp cho tương lai.
Tem nhãn của Climate Neutral đang góp phần gửi gắm những thông điệp xanh đáng tin cậy và trực diện hơn đến người tiêu dùng.
Hành động thực tiễn vì môi trường
Để có thể thêm tem nhãn Climate Neutral lên bao bì sản phẩm, doanh nghiệp phải trải qua tiến trình tư vấn và kiểm định nghiêm ngặt kéo dài khoảng 4 tháng. Mỗi công ty cần đưa ra tài liệu cụ thể cho thấy nỗ lực cắt giảm khí thải xuyên suốt hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong quá khứ cũng như từ 18-24 tháng kế tiếp. Hằng năm, Climate Neutral yêu cầu nhóm đối tác thành viên tái đăng ký vào chương trình gắn tem nhãn. Việc xét duyệt thường niên căn cứ theo bộ tiêu chuẩn bảo vệ môi trường vốn không ngừng được cập nhật, mở rộng.
|
Tem nhãn của Climate Neutral nay bắt đầu xuất hiện phổ biến trên nhiều mặt hàng thực phẩm bán lẻ - Ảnh: Climate Neutral |
Đến nay, tổ chức tư vấn uy tín trên đã phát hành tem chứng nhận cho 294 công ty, 80% thuộc khu vực Bắc Mỹ, 20% thuộc các châu lục khác. Trong số này có không ít tên tuổi sáng giá ở lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh (thực phẩm, đồ uống, sản phẩm may mặc...). Đơn cử nổi bật mới đây là thương hiệu bia ít cồn Bud Light Next của hãng nước giải khát đa quốc gia Anheuser-Busch - thành viên đầu tiên thuộc Climate Neutral lọt vào top Fortune 500* (500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ, do tạp chí kinh tế nổi tiếng Fortune tổng kết).
Bud Light Next là loại bia nhẹ ít calo đầu tiên ra mắt bởi Anheuser-Busch. Đây đồng thời là sản phẩm đầu tiên của Anheuser-Busch sản xuất hoàn toàn theo tiêu chuẩn net-zero (không phát thải khí carbon dioxide độc hại). Whitman kỳ vọng trong tương lai gần, Climate Neutral sẽ đồng hành với tất cả thương hiệu con trực thuộc Anheuser-Busch vì mục tiêu giảm sức ép khí thải, khắc phục hiệu ứng nhà kính.
Giáo sư Michael Vandenbergh - Giám đốc Mạng lưới Nghiên cứu Biến đổi khí hậu tại Đại học Luật Vanderbilt (bang Tennessee, Mỹ) - đánh giá cao tầm nhìn và hướng đi thiết thực của Climate Neutral. Từng nghiên cứu về xu thế gắn “nhãn xanh” cho sản phẩm tiêu dùng, ông nhận xét: “Làm điều gì đó hữu ích ngay lúc này theo cách riêng ít nhiều vẫn tốt hơn cứ chờ đợi một giải pháp hoàn mỹ chúng ta chưa thể đạt được”. Theo Vandenbergh, không ít trường hợp nhà sản xuất quá lệ thuộc vào nhiệm vụ cắt giảm khí thải hiện thời nhưng Climate Neutral đang nghĩ xa hơn nữa. Họ muốn thúc đẩy giới kinh doanh xây dựng kế hoạch ổn định dài lâu nhằm tiếp tục giảm thiểu khí thải carbon trong tương lai. Ông cho rằng cách họ khuyến khích việc xanh hóa toàn bộ tiến trình sản xuất - đóng gói - tiêu thụ giúp kiểm soát khí thải linh hoạt hơn là ý tưởng rất tiến bộ.
Lợi ích của hiện tại lẫn tương lai
Cách đây hơn 10 năm, Tesco - hệ thống siêu thị lớn nhất nước Anh - áp dụng thử nghiệm một hoạt động vì môi trường hoàn toàn mới. Họ muốn phân loại tất cả mặt hàng bán lẻ theo khả năng gây ra khí thải carbon của chúng. Thế nhưng, lúc bấy giờ, tư duy người tiêu dùng xoay quanh vấn đề cắt giảm khí thải vẫn ẩn chứa nhiều rào cản, khiến dự án phải tạm ngưng.
|
Thương hiệu bơ thực vật Flora của công ty thực phẩm nổi tiếng Upfield (Hà Lan) sử dụng tem nhãn thể hiện thông số khí thải như một cách nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường Ảnh: Flora |
Một thập niên sau, điều Tesco chưa thể đạt được khi ấy đã thành hiện thực theo một phương thức khác. Tại thị trường châu Âu hiện nay, hàng loạt mặt hàng phổ thông đính kèm tem “nhãn xanh” kiểm soát khí thải bắt đầu trở nên quen thuộc ở những siêu thị lớn nhỏ.
“Hiện ngày càng nhiều thương hiệu muốn thông qua “nhãn xanh” để phản ánh nỗ lực cải tiến kinh doanh theo định hướng bền vững hóa, đặc biệt đối với vấn đề kiểm soát và giảm thiểu khí thải” - Myles McCarthy - Giám đốc tổ chức tư vấn về biến đổi khí hậu Carbon Trust - chia sẻ. Công ty đa quốc gia có văn phòng chính ở London (Anh), vốn từng hỗ trợ Tesco trong dự án thử nghiệm kể trên, vừa cộng tác cùng Quorn - doanh nghiệp sản xuất thịt chay được yêu thích tại Anh. Từ năm 2020, hợp tác với đội ngũ chuyên gia môi trường từ Carbon Trust, Quorn bắt đầu tiến hành gắn nhãn quản lý thông số khí thải lên những sản phẩm đồ chay bán chạy hàng đầu của hãng.
McCarthy nhấn mạnh: “Người tiêu dùng ngày càng chú tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Điều này đang tạo áp lực với doanh nghiệp, buộc họ phải chủ động hơn trước mục tiêu giải quyết ô nhiễm khí thải”.
Nhìn gần, xu hướng ưa chuộng “nhãn xanh” đem đến lợi ích thông tin thiết thực cho khách hàng, cũng như tăng cường uy tín cho nhà sản xuất. Nhìn rộng hơn, chúng ta còn có quyền trông đợi hàng loạt lợi ích xã hội lâu dài từ chúng.
|
Người mua có thể thông qua tem nhãn quản lý khí thải trên bao bì sản phẩm thịt chay của Quorn để nắm được tổng lượng khí thải carbon cụ thể trên mỗi kg sản phẩm - Ảnh: Bloomberg |
Marco Bertacca - Giám đốc điều hành Quorn - bày tỏ: “Tôi đã lớn tuổi đủ để nhớ về thời điểm hệ thống bảng thành phần dinh dưỡng lần đầu được giới thiệu trên mặt sau bao bì thực phẩm. Khi ấy, tôi cũng như nhiều người khác đều tương đối bỡ ngỡ về chúng. Đó là lý do chúng tôi muốn phổ biến số liệu khí thải carbon trên các sản phẩm tiêu dùng hiện nay. Chúng tôi hy vọng điều Quorn đang làm sẽ góp phần gợi cảm hứng cho nhiều công ty khác, nhờ đó khiến công chúng dần cảm thấy gần gũi với mô hình này”.
Bertacca, Whitman của Climate Neutral cùng không ít chuyên gia môi trường và doanh nhân chia sẻ chung tầm nhìn cấp tiến, tin rằng thông số hay biểu tượng tưởng chừng đơn thuần trên “nhãn xanh” sẽ sớm đại diện cho những giá trị tích cực mang ý nghĩa lâu bền.
Như Ý