Thông điệp xanh từ đồ gia dụng "tuần hoàn"

01/10/2023 - 06:51

PNO - Trong thị trường đồ gia dụng muôn hình vạn trạng, trào lưu thiết kế “tuần hoàn” - tận dụng, tái sử dụng triệt để nguyên vật liệu - đang dần trở thành chủ đề nóng. Để đấu tranh trước nạn ô nhiễm rác thải, một số thương hiệu trẻ đang kiên định tạo dựng hướng đi riêng bền vững.

Đầu thập niên 2000, loạt tên tuổi lớn trong ngành thời trang nhanh như H&M và Zara ra mắt các thương hiệu đồ nội thất gia dụng đầu tiên. Không lâu sau, ý tưởng mua sắm đồ gia dụng nhanh, rẻ trở nên phổ biến. 2 năm đầu đại dịch, việc phải sinh hoạt tại nhà thường xuyên khiến chúng ta chú tâm đầu tư nhiều hơn cho không gian sống cá nhân. Vì lẽ đó, hàng gia dụng nhanh tiến vào giai đoạn phát triển cao trào, kéo theo nỗi lo thường trực về ảnh hưởng của chúng lên môi trường.   

Thương hiệu đồ gia dụng Grams muốn góp phần quảng bá phong cách tiêu dùng tiết kiệm và tuần hoàn - Nguồn ảnh: LifeinGrams
Thương hiệu đồ gia dụng Grams muốn góp phần quảng bá phong cách tiêu dùng tiết kiệm và tuần hoàn - Nguồn ảnh: LifeinGrams

Một nghiên cứu xã hội học thực hiện năm 2020 chỉ ra: riêng ở Anh, gần 30% người dân có thói quen vứt bỏ đồ gia dụng còn dùng được. Chuyên gia phân tích thị trường kiêm nhà hoạt động vì môi trường người Anh Katie Treggiden lo ngại: “Ngành sản xuất hàng gia dụng không chỉ đang cạn kiệt nguồn tài nguyên mà còn mắc kẹt trước vấn đề rác thải. Ngay lúc này, tôi tin chúng ta rất cần những giải pháp mang tính tuần hoàn”.

Vẻ đẹp mới của những chất liệu cũ 

Trên con phố ẩm thực náo nhiệt Jalan Besar ở Singapore, doanh nhân Colin Chen điều hành một nhà hàng món nướng kiểu Nhật khá ăn khách. Nét lôi cuốn ở quán ăn của Chen là đồ gia dụng cho bàn ăn và nhà bếp. Tuy nhiên, có một điều luôn khiến anh cảm thấy tiếc nuối: “Chúng tôi sử dụng những bộ đồ ăn kiểu dáng rất đẹp. Thế nhưng cứ cách vài tuần, tôi lại phát hiện trên một số chén bát xuất hiện vết trầy xước, nứt, mẻ do cầm nắm bất cẩn. Dù 90% sản phẩm vẫn nguyên vẹn, theo quy định, nhà hàng không thể tiếp tục dùng chúng nữa”. 

Thất vọng lẫn lo ngại về nguy cơ rác thải bởi sự không hoàn mỹ nhỏ nhặt này, Chen nảy ý tưởng tạo nên những món đồ gia dụng có thể “tái sinh” nhiều lần. Thương hiệu Grams của anh, hoạt động từ cuối năm 2019, khai thác jesmonite - một dạng vật liệu tổng hợp thân thiện môi trường, với độ bền và tính linh hoạt vượt trội hơn hẳn gốm sứ truyền thống.   

Đến nay, Grams đã ra mắt nhiều mẫu đồ gia dụng chất lượng cao cho văn phòng và nhà bếp, có kiểu dáng hiện đại đẹp mắt, cứng cáp, dễ bảo quản. Thế nhưng, điểm hấp dẫn người tiêu dùng hơn cả lại nằm ở khả năng tái tạo hình gần như bất tận của chúng. 

“Nếu chẳng may làm vỡ hay sứt mẻ, khách hàng có thể gửi trả món đồ để chúng được tái sinh. Chúng tôi sẽ đúc lại các mảnh vỡ bằng khuôn silicone tiêu chuẩn, gia giảm lượng vật liệu nếu cần, lần nữa tạo thành một sản phẩm gia dụng hoàn chỉnh” - Chen giải thích. 

Doanh nhân người Singapore giãi bày về định hướng xây dựng thương hiệu: “Hẳn rất nhiều lần, chúng ta mua một món đồ để rồi nhanh chóng vứt đi khi vòng đời sử dụng của nó chấm dứt. Bằng nỗ lực sáng tạo, chúng tôi muốn khuyến khích mọi người thay đổi thói quen này. Sản xuất tuần hoàn trong ngành gia dụng có thể giúp chúng ta tìm lại giá trị ở những vật dụng thiết yếu thân thuộc”.  

Amanda Rawlings (trái) và Krissy Harbert Nguồn ảnh: Particle
Amanda Rawlings (trái) và Krissy Harbert Nguồn ảnh: Particle

Làm thế nào để phổ biến rộng hơn các sản phẩm tiêu dùng tuần hoàn giữa thời đại mọi người vẫn bị chi phối bởi văn hóa tiêu dùng nhanh cũng là mối băn khoăn của bộ đôi nhà thiết kế Krissy Harbert và Amanda Rawlings. Particle, công ty họ đồng sáng lập tại Mỹ, ghi dấu ấn riêng nhờ ý tưởng sản xuất đồ gia dụng thân thiện môi trường từ nguyên vật liệu dư thừa trong ngành giày dép.  

Tái tận dụng nguyên liệu thừa, sản phẩm phụ hoặc rác thải của những ngành công nghiệp không còn là sáng kiến mới. Song, thành tựu khác biệt Particle đạt được chính là nâng cấp công nghệ để cải thiện - bền vững hóa toàn diện hoạt động sản xuất. “Chúng tôi tập trung sửa chữa một số khuyết điểm máy móc hiện thời, cũng như chọn lọc cẩn thận những loại chất liệu có tiềm năng tái chế và tái sử dụng lâu bền hơn cả. Particle cũng triển khai một hệ thống sản xuất - tiêu thụ tuần hoàn khép kín. Khách hàng có thể gửi trả những bộ đồ ăn, phụ kiện khi không muốn sử dụng nữa. Chúng tôi sẽ giúp chúng “tái sinh” thành những sản phẩm gia dụng khác” - Harbert và Rawlings lý giải. 

Phụ kiện cho bàn ăn của Particle làm từ 100% phế liệu ngành giày dép Nguồn ảnh: Particle
Phụ kiện cho bàn ăn của Particle làm từ 100% phế liệu ngành giày dép Nguồn ảnh: Particle

Bên cạnh nền tảng kinh doanh 100% thân thiện môi trường, lối thiết kế đậm chất nghệ thuật ở đồ gia dụng Particle cũng được người tiêu dùng đánh giá cao.  

Đơn giảm hóa tư duy tiêu dùng 

Hướng phát triển của trào lưu sản xuất tuần hoàn hứa hẹn sẽ ngày càng phong phú nhờ các nỗ lực liên kết đa ngành và công nghệ tân tiến. Mặt khác, ý tưởng tái sử dụng hàng gia dụng có thể được hiện thực hóa theo những cách đơn giản, gần gũi đến bất ngờ. Orkla - một trong những tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lâu đời bậc nhất ở Na Uy - đang bán thử nghiệm một mẫu bao bì gia dụng theo phong cách tối giản mới lạ. 

På(fyll) là loại bao bì làm hoàn toàn từ nhựa tái chế, có khả năng chứa đựng tất cả sản phẩm gia dụng cần thiết như chất tẩy rửa, vệ sinh nhà cửa... Orkla ra mắt song song một ứng dụng điện thoại cho phép người tiêu dùng đăng ký dịch vụ cung ứng hàng gia dụng dài lâu. Khi đã sử dụng hết, bạn có thể để På(fyll) trước cửa nhà, đặt hàng bằng điện thoại và nhanh chóng nhận về sản phẩm mới được đổ đầy lần nữa trong lớp bao bì bền, nhẹ.   

På(fyll) có tạo hình như những cuốn sách được đặt gọn cạnh nhau - Nguồn ảnh: Form Us With Love
På(fyll) có tạo hình như những cuốn sách được đặt gọn cạnh nhau - Nguồn ảnh: Form Us With Love

Đứng sau dự án là Form Us With Love (FUWL) - công ty thiết kế đa ngành có trụ sở tại Thụy Điển, nổi tiếng ở lĩnh vực đồ nội thất và gia dụng bền vững. Jonas Pettersson - nhà sáng lập FUWL - chia sẻ: “Một khuyết điểm muôn thuở của thị trường gia dụng là thiết kế bao bì quá cầu kỳ, phức tạp. Chúng tôi tự hỏi có thể tạo ra một sản phẩm đơn giản và gọn gàng hơn không”.

På(fyll) được lấy ý tưởng từ những cuốn sách sắp đặt ngay ngắn trên kệ. Sản phẩm hiện có 2 kích cỡ: 2 lít và 1 lít. Bạn có thể xếp chồng các bình đựng size nhỏ lên nhau và để gọn trong góc bếp, tủ chứa đồ mà không lo ngã đổ.  

Karin Blomberg - Giám đốc phát triển sản phẩm của FUWL - tiết lộ họ sẽ sớm ra mắt loạt thiết kế mới không chỉ phù hợp cất trữ chất lỏng mà còn dùng để bảo quản thực phẩm khô hoặc nhiều loại phụ kiện, sản phẩm gia dụng khác. 

Trong 2 năm tới, Orkla kỳ vọng có thể bán ra ít nhất 50.000 sản phẩm bao bì ở thị trường châu Âu. Đặc biệt, dù hình thức không thật sự nổi bật, På(fyll) vẫn tạo thiện cảm bởi sự mộc mạc và ý tưởng đề cao yếu tố tiện dụng. 

“Những sản phẩm mang tính tuần hoàn trong ngành gia dụng vẫn chưa thật sự phổ biến vì chúng ta chưa thể dứt ra khỏi truyền thống tiêu dùng nhanh. Nhưng, nếu không ai làm gì đó khác đi, giới sản xuất cứ đi theo quán tính cũ, thứ còn lại sau cùng là hàng núi rác thải” - Blomberg nhấn mạnh. 

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI