PNO - “Trạm yêu thương” qua 11 số phát sóng như một nơi góp nhặt những mẩu chuyện về tình yêu thương, về nghị lực vượt khó, để lan tỏa đến người xem những thông điệp sống tích cực.
Cuộc sống quanh ta có rất nhiều hoàn cảnh và thậm chí là nghịch cảnh. Vượt lên đó là những con người bình thường nhưng đầy nghị lực, ý chí nỗ lực vượt qua khó khăn. Câu chuyện về họ đã truyền đi niềm tin, hy vọng, nghị lực đến với mọi người. Trạm yêu thương (52 tập, phát sóng lúc 10g thứ Bảy hằng tuần trên VTV1) là chương trình đã truyền đi năng lượng tích cực đó.
Ở mỗi tập, thông qua việc chọn nhân vật gắn với một chủ đề có thể gặp đâu đó trong cuộc sống: tình yêu, sinh con, những bước ngoặt, mối quan hệ cha mẹ - con cái, những cảm xúc bi quan, chán nản… người xem nhận ra được hạnh phúc, niềm vui vẫn có thể nảy mầm từ khó khăn, nghịch cảnh, và những giá trị đáng trân trọng có thể đến từ những điều bình dị, nhỏ bé trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Huy Việt - người khiếm thị Việt Nam đầu tiên hoàn thành đường đua marathon 21km và vợ là chị Bùi Thị Tịnh
Hai chữ “yêu thương” trong chương trình được bắt đầu với tình cảm cha mẹ dành cho con, tình chồng vợ, tình đồng nghiệp, tình hàng xóm, tình yêu thương cộng đồng, và cả tình yêu bản thân. Ở tập một Ngày con ra đời lên sóng trong ngày đầu năm mới (ngày 1/1), người xem được lắng nghe chia sẻ của ba người mẹ nuôi con sinh non, cân nặng của mỗi bé chỉ từ gần 0,5-1,5kg. Nuôi một đứa trẻ chào đời đủ ngày đủ tháng đã khó, thì chăm sóc một em bé chỉ nặng vỏn vẹn 480g càng là hành trình vất vả, mà chỉ có hai chữ “yêu thương” mới tạo ra đủ sức mạnh để con người vượt qua.
Cũng chỉ có tình yêu thương mới lý giải được thành tích người khiếm thị Việt đầu tiên hoàn thành cự ly marathon 21km của anh Nguyễn Huy Việt - người may mắn có được “nửa kia” của mình luôn kiên trì đạp xe theo hỗ trợ chồng tập luyện chạy bộ nâng cao sức khỏe (tập 2 Ánh sáng nơi trái tim). Câu “Vợ chồng là nghĩa tào khang”, “Lòng mẹ bao la như biển thái bình” là những gì người xem cảm nhận được trong câu chuyện của chị Phan Hoài Thu ở Bắc Ninh (tập 10 Điều nhỏ bé phi thường) - người phụ nữ gần như 24 giờ/ngày không có lấy một phút giây ngơi nghỉ, bởi phải làm việc cật lực nuôi chồng bị liệt vì tai nạn giao thông, và ba con trong đó có hai bé bị bệnh hiểm nghèo máu khó đông.
Chị Phan Hoài Thu không ngày nào nghỉ ngơi để kiếm tiền nuôi chồng và ba con trong đó có hai bé bệnh hiểm nghèo
Trong đại dịch, chuyện về những người nghèo, yếu thế như chú Phạm Văn Hồng (Hưng Yên), bệnh nhân vừa chạy thận suốt 18 năm ròng vừa vất vả mưu sinh (tập 4 Chúng ta rồi sẽ ổn), chuyện chị lao công bị cướp xe Lê Thị Trâm khi được nhiều nhà hảo tâm tặng xe mới, đã tặng lại xe cho ba đồng nghiệp, và từ chối nhận hỗ trợ tiếp (tập 3 Hãy cứ cho đi), đã truyền đi niềm tin về sự lạc quan, tử tế.
Yêu thương bản thân để người thân yên lòng là mẫu số chung khác của những nhân vật trong các tập Mùa xuân nho nhỏ (kể về hoa khôi truyền cảm hứng chống căn bệnh ung thư Thủy Tiên), Bước chân không nghỉ (cô gái dân tộc Tày mất một chân Bế Thị Băng nhưng nhảy múa giỏi, tích cực đi thiện nguyện), Ngược chiều gió (Lý Dào Quyên - sinh viên dân tộc Dao mất một cánh tay, gia cảnh nghèo khó vẫn xuống Hà Nội học đại học), Phép thử cuộc đời (chàng trai Lạng Sơn Dương Hữu Phúc mất hai tay vẫn quyết tâm học ngành thiết kế đồ họa). Cách họ bình tĩnh kể về quá trình thích nghi từ khi là một người bình thường đến lúc trở thành người khuyết tật vì tai nạn, đã đem đến những bài học về nghị lực sống.
Xuyên suốt chương trình, “cố gắng” là hai từ được các nhân vật nhắc đến nhiều nhất. “Nhìn lên không bằng ai, nhưng nhìn xuống không ai bằng mình”, đó còn là những gì mà chương trình muốn nhắn gửi khi kết nối các nhân vật với những mảnh đời tương đồng, thậm chí còn “nghịch cảnh” hơn. Tất cả đến với chương trình không phải để nói về những điều to tát, hay truyền đi những thông điệp lớn lao, mà chỉ để kể về câu chuyện của cuộc đời mình, và nhờ sự chia sẻ dung dị đó mà người xem cảm thấy “thấm” hơn.
Chương trình còn có một cái kết đẹp ở mỗi tập, khi đem đến cho nhân vật những món quà để hiện thực hóa những mong mỏi, ước mơ của họ, và đồng hành cùng họ trên con đường tiếp theo. Có thể nói đại dịch làm cho cuộc sống khó khăn, bất trắc hơn, nhưng chỉ cần có nghị lực và niềm tin, thì mọi thứ chỉ là chuyện nhỏ, đó là thông điệp tích cực truyền đi từ Trạm yêu thương.
Trailer Trạm yêu thương:
Nhà sản xuất Trạm yêu thương, chị Đoàn Minh Hằng cho biết: “Sau chương trình, ê-kíp nhận được nhiều phản hồi tích cực và ấm áp của khán giả. Trước hết là về tên chương trình, nhiều người chia sẻ rất thích cái tên Trạm yêu thương, bởi ý nghĩa nhân văn và hình tượng của nó. Có khán giả còn tặng chương trình những bài thơ về cái tên này, hoặc ngỏ ý muốn có thêm nhiều buổi nói chuyện chia sẻ về ý nghĩa của Trạm yêu thương. Đây là những nguồn động viên rất lớn với ê-kíp thực hiện chương trình, khi tạo ra một nơi để mọi người có thể đến và chia sẻ yêu thương trong cuộc sống này. Đặc biệt sau mỗi số, nhiều khán giả liên lạc muốn biết thêm thông tin về các nhân vật để có thể trò chuyện, chia sẻ và bày tỏ sự trân trọng với họ trong cuộc sống. Những chia sẻ này đều được ê-kíp gửi đến nhân vật như một lời khích lệ, động viên họ. Có như vậy, Trạm yêu thương mới lan tỏa được ý nghĩa của mình”.
Nhà hát Thanh Niên chỉ trình làng 1 vở diễn mới trong mùa tết là "Tung hoàng Pattaya". Vở hài kịch xoay quanh những drag queen người Việt tại Pattaya (Thái Lan).