Có hay không tác phẩm nghệ thuật bị dính lời nguyền?
Những cái chết, những vụ hoả hoạn thương tâm… phủ lên nhiều tác phẩm nghệ thuật màu sắc ma quái. Theo thời gian, câu chuyện càng được thêu dệt khiến tác phẩm gánh một lời nguyền ghê rợn, liệu có sự thật nào được lý giải?
|
Chọn cái chết để giải thoát
13 Reasons why dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jay Asher, ra mắt tháng 3/2017. Phim kể lại hành trình của Clay Jensen (do Dylan Minnette thủ vai) khi cậu phải nghe hết 13 đoạn ghi âm từ Hannah Baker (do Katherine Landford thủ vai), một nữ sinh đã bất ngờ tự tử. Sau mỗi đoạn băng, Hannah tiết lộ một lý do tìm đến cái chết.
Cuộn băng gồm 13 phần ghi âm, Hannah Baker đề cập đến 12 người trực tiếp liên quan đến bản thân cô: người yêu cũ, người yêu mới, bạn thân, thầy giáo... Trong đó, người yêu đầu của cô - Justin Foley xuất hiện 2 lần.
Trailer 13 Reasons why phần 1:
Hannah rơi vào bế tắc vì không có người trò chuyện, không ai hiểu tâm trạng hoảng loạn của cô sau hàng loạt biến cố: chia tay người yêu, bị cưỡng hiếp, bị bạn bè hiểu nhầm... Sau khi thu âm xong những điều cần nói với bạn bè, Hannah chọn cách cắt cổ tay tự tử.
Những tình tiết vừa phản ánh đúng sự thật vừa có phần ma quái trong 13 Reasons why ngay lập tức thu hút sự quan tâm của người xem. Chỉ sau nửa tháng phim lên sóng, trường hợp tự tử đầu tiên đã xuất hiện.
Theo đó, chàng trai 23 tuổi người Peru Alonso Lazo Medrano đã tự tử và để lại những cuốn băng ghi âm, đúng như những gì từng xuất hiện trong bộ phim. Cảnh sát cho biết Alonso Lazo Medrano đã nhảy từ ban công tầng 4 xuống, để lại 1 cuộn băng và 2 lá thư tuyệt mệnh - một gửi cho cô gái có tên Claudia và lá thư còn lại ghi danh sách những người mà Alonso khẳng định đã đẩy cậu tới cái chết như vậy.
|
Hannah Baker trong tranh của một họa sĩ trẻ |
13 Reasons why cũng mang tiếng đã đẩy 2 thiếu niên sống tại Úc tìm đến cái chết. Sau khi khám nghiệm hiện trường, cuộn băng tuyệt mệnh được đưa ra. Dù không ai khẳng định vì xem phim nên mới tìm đến cái chết nhưng phụ huynh của 2 cô gái đã tự tử đều cho rằng con của họ bị ám ảnh từ cái chết của Hannah.
Lily Mae Sharp, cô gái 13 tuổi sống ở Cheshire, Anh đã treo cổ tự tử chỉ 24 giờ sau khi quay một đoạn clip nhái lại một cảnh phim trong series 13 Reason Why.
Mới đây, một cô gái 15 tuổi tại bang Florida, Mỹ đã cắt cổ tay tự vẫn theo như cách mà Hannah đã làm. Được ngăn chặn kịp thời, cô gái được cứu sống nhưng từ những biểu hiện khác lạ của con gái, mẹ cô đã tìm hiểu được cô và một vài người bạn của mình bị ám ảnh bởi phim 13 Reasons why.
Từ những sự việc đó, cộng với những đồn thổi, 13 Reasons why được cho là phim bị lời nguyền, là series phim tự sát, không nên xem.
Những cái chết mang thông điệp
Sau khi những vụ tự tử giống hệt nhân vật Hannah xảy ra, Netflix nhận về nhiều chỉ trích từ phụ huynh. Một cuộc tranh luận lớn xảy ra giữa Netflix, phụ huynh và các chuyên gia tâm lý. Họ tranh luận về cách bộ phim phản ánh về độ tuổi vị thành niên nhưng lại miêu tả quá rõ quá trình tự sát và đó có phải là lý do dẫn đến hàng loạt vụ tử tử hay không?
|
Độ tuổi dậy thì và rắc rối từ những mối quan hệ bạn bè khiến nhiều thanh thiếu niên tại Mỹ tự tử |
Các chuyên gia tâm lý cho rằng không thể kết tội 13 Reasons why là nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử hàng loạt. Tiến sĩ – Bác sĩ tâm lý Beresin thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts nói: “Bộ phim là ví dụ điển hình về việc mọi người đang nghĩ rằng mọi quyết định tự tử đều vì cái chết của Hannah tác động mà không tìm hiểu nguyên nhân chính của nạn nhân. Chúng ta nên biết rằng có rất nhiều yếu tố khác dẫn đến tự tử”. Tiến sĩ Beresin giải thích thêm một số nguyên nhân dẫn đến tự tử như tiền sử bệnh tâm thần, những bất đồng ảnh hưởng tâm lý tồn tại từ lâu, stress và lạm dụng thuốc.
Tiến sĩ Jonathan Singer tại trường Đại học Loyola, Chicago, làm việc trong Hiệp hội Nhân chủng học Hoa Kỳ (AAS) cũng cho rằng từ 13 Reasons why có thể thấy có những sự thật đau lòng xảy ra tại trường học và nhiều người đã bỏ qua. “Nhiều người” - theo tiến sĩ Jonathan là bố mẹ thiếu sự quan tâm, bạn bè thiếu sẻ chia và các tổ chức xã hội còn chưa chú trọng tâm lý của trẻ vị thành niên.
Ví dụ như Lily Mae Sharp, cô trải qua thời niên thiếu một cách khó khăn khi bố mẹ ly dị và vào buổi chiều của ngày xảy ra sự việc, cô đã có cuộc xích mích với 2 cô bạn thân của mình. 6 ngày trước đó cô cũng đã phải có buổi nói chuyện với cô vấn nhà trường.
|
Đến khi tự tử nhiều bạn bè nạn nhân mới nhìn nhận lại hành động của bản thân trong thời gian qua |
Về phía Netflix, họ ủy nhiệm cho ĐH Northwestern, Mỹ tiến hành một khảo sát trên 5.400 phụ huynh và thanh thiếu niên ở 5 quốc gia (bao gồm cả Mỹ). Đa số khán giả là học sinh, cho rằng mức độ đề cập của phim đến vấn đề trường học là thực tế, thích hợp. Về phía phụ huynh, họ cho rằng nên có nhiều cuộc thảo luận về cách hỗ trợ các trường hợp đang gặp vấn đề về tâm lý, sức khoẻ và nên cung cấp số đường dây nóng ở cuối các tập phim.
Dựa trên phản hồi đó, Netflix đã bổ sung ở 13 Reasons why mùa 2 những sticker cảnh báo và khuyên người xem nên liên hệ nếu cần trợ giúp. Netflix cũng sẽ phát hành thêm một tập phim khác có tên Beyond the Reasons vào cuối series. Chương trình truyền hình đặc biệt gồm có sự tham gia của nhà sản xuất, diễn viên và chuyên gia sức khỏe tâm thần, cùng thảo luận về cách xử lý các vấn đề nhạy cảm, trong đó có nạn tấn công tình dục và trầm cảm cũng được thực hiện.
|
Các cuộn băng kèm thông điệp để lại điều đáng suy ngẫm với những người chứng kiến |
Netflix cũng tạo mã pin để kiểm soát quyền truy cập xem. Ví dụ: nếu cha mẹ xem chuỗi video đầu tiên và xác định video đó phù hợp với trẻ em, hoặc cho phép những người khác quyền truy cập vào tài khoản của họ hay không, phụ huynh có thể cài đặt.
Tổ chức Phòng chống Tự tử Hoa Kỳ (AFSP) sau series phim 13 Reasons why cũng đưa ra 13 lý do thanh thiếu niên tự tử. Trong đó, AFSP nhận thấy hội chứng trầm cảm và cảm giác cô đơn, không thể sẻ chia khiến nhiều người tìm đến cái chết. Bộ phim 13 Reasons why trong trường hợp này vô tình trở thành “người bạn” cùng chia sẻ sự cô độc với các nạn nhân, hoàn toàn không có những lời nguyền ma ám như dư luận thêu dệt.
Diễm Mi