Thông điệp gắn kết của người Mỹ trước sắc lệnh "gây bão" của ông Trump

01/02/2017 - 10:10

PNO - Làn sóng biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người nhập cư của Tổng thống Trump đang thổi bùng ngọn lửa tinh thần nhân văn, kêu gọi đoàn kết, hòa bình của người dân trên toàn thế giới.

Hai đứa trẻ, hai niềm tin, một thông điệp

Một trong những bức ảnh ấn tượng nhất trong những cuộc biểu tình chống sắc lệnh của ông Trump là khoảnh khắc ghi lại hai đứa trẻ ngây thơ gửi đến nhau nụ cười của tình đoàn kết. Bé gái Meryem (7 tuổi) người Hồi giáo và bé trai theo đạo Thiên Chúa Adin (9 tuổi) được bố công kênh trên vai tại sân bay quốc tế.

Bố của Meryem là anh Fatih Yildirim đang cầm trên tay tấm biển ghi chữ “thấu hiểu”. Trong khi đó, anh Rabbi Jordan Bendat-Appell- bốAdin thì gửi chia sẻ thông điệp: “Chúng ta chưa từng thấy điều này trước đây. Người theo đạo Thiên Chúa phản đối lệnh cấm”.

Thong diep gan ket cua nguoi My truoc sac lenh
Hình ảnh đẹp về tình người của hai ông bố và hai đứa trẻ. - Ảnh: Chicago Tribune

Nhiếp ảnh gia Nuccio DiNuzzo của Chicago Tribune đã nhanh chóng bắt lấy hình ảnh nhân văn khi các đồng nghiệp của mình đang hỏi thăm câu chuyện của hai gia đình.

Phó Thống đốc bang California Gavin Newsom đã đăng lại bức ảnh này trên trang Facebook cá nhân với chú thích: “Đây là khoảnh khắc mà chúng ta xứng đáng nỗ lực từng giây phút để có được”.

Anh Yildirim sống ở Chicago. Anh cùng vợ và bốn con của mình đến đây để ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh của ông Trump. Gia đình anh còn nướng bánh mang đến cho các luật sư túc trực ở sân bay hỗ trợ các đối tượng bị cấm nhập cảnh. Đây là lần đầu tiên anh Yildirim xuống đường biểu tình như thế.

Thong diep gan ket cua nguoi My truoc sac lenh
Tinh thần đoàn kết được lan tỏa. - Ảnh: Washington Post

Yildirim là người Thổ Nhĩ Kỳ, đến Mỹ năm 2002 và năm ngoái anh mới nộp hồ sơ xin trở thành công dân Mỹ. Con gái Meryem từ khi nghe thấy những lời đe dọa của ông Trump thì thường xuyên khóc vì lo sợ bố mình bị trục xuất.

Anh Rabbi thì cho biết vợ chồng anh thống nhất trấn an các con rằng: “Chúng ta luôn ở bên người tị nạn”. Anh nói vợ chồng anh tôn trọng công lý và mong muốn đây là bài học về giá trị cuộc sống cho các con mình.

Thong diep gan ket cua nguoi My truoc sac lenh
Thông điệp yêu thương ở Boston. - Ảnh: NBC Boston

Thế giới ủng hộ lẽ phải

Những ngày qua, hàng ngàn người ở London và nhiều thành phố khác của Anh đã xuống đường phản đối sắc lệnh cấm đến Mỹ đối với người dân của 7 quốc gia Hồi giáo.

Biểu tình chống ông Trump lan ra ở Manchester, Glasgow, Edinburgh, Cardiff, Newcastle, Sheffield, Oxford, Cambridge, Brighton, Gloucester, Leeds, York, Liverpool, Leicester…

Thong diep gan ket cua nguoi My truoc sac lenh
Người dân London biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người nhập cư của ông Trump. - Ảnh: BBC

Jocy Levy (25 tuổi) lần đầu tiên tham gia biểu tình ở London cho biết: “Tôi đến đây vì lương tâm không cho phép mình đứng ngoài cuộc”. Nhiều người biểu tình cùng cho biết, họ không muốn nhìn thấy những điều tương tự xảy ra thêm một lần nào nữa.

Cây viết bình luận của Anh Owen Jones nói rằng: “Chúng ta cần đoàn kết với những người bị chính phủ với tâm thế đầy căm ghét của ông Trump nhắm vào”.

Phẫn nộ trước sắc lệnh của ông Trump, hơn 1,5 triệu người đã đồng lòng ký tên yêu cầu Thủ tướng Anh Theresa May hủy kế hoạch đón tiếp ông Trump đến Anh thời gian tới.

Lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn nói: “Chúng ta không nên chào đón ông Trump đến Anh trong khi ông ta luôn xâm phạm những giá trị mà chúng ta chia sẻ bởi lệnh cấm đáng xấu hổ và những cách tấn công tồi tệ và người tị nạn và nữ quyền”.

Tại đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, 50 người Mỹ đang sinh sống ở Nhật Bản ngày 31/1 đã tập trung biểu tình chống sắc lệnh: “Không cấm người Hồi giáo”, “Xây cầu thay vì xây tường”, “Người tị nạn khiến nước Mỹ vĩ đại”.

Thong diep gan ket cua nguoi My truoc sac lenh
Người Mỹ đến đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, Nhật Bản biểu tình ngày 31/1. - Ảnh: AP

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng đã thẳng thắn đưa ra quan điểm ủng hộ người tị nạn. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault chia sẻ trên Twitter rằng chào đón người tị nạn là nhiệm vụ của sự đoàn kết. Kẻ khủng bố không có một quốc tịch cụ thể và việc đối xử phân biệt không phải là câu trả lời đúng.

Thong diep gan ket cua nguoi My truoc sac lenh
Biểu tình chống lại sự thù ghét ở bang Montana của Mỹ. - Ảnh: Missoulian

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Theo tôi, những hành động như vậy đang đi ngược với giá trị cốt lõi về hỗ trợ người tị nạn trên tinh thần quốc tế cũng như hợp tác toàn cầu”. Người phát ngôn của bà Merkel cho biết cuối tuần trước, bà cũng đã điện đàm với Tổng thống Mỹ về vấn đề này.

Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek viết trên Twitter: “Chúng tôi vui lòng đón nhận những tài năng không được quay trở về Mỹ”.

Các lãnh đạo từ Australia, Canada, Pakistan, Saudi Arabia cũng đã bày tỏ sự phản đối đối với sắc lệnh của ông Trump.

                                  Minh Bách (Theo CNN, Chicago Tribune, BBC, Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI