Thực vật trong sự pha trộn giữa khoa học và nghệ thuật
Nghệ thuật minh họa hệ thực vật (Botanical Art) là sự pha trộn giữa khoa học và nghệ thuật. Ngày nay, ta có thể thấy những tác phẩm này trong sách giáo khoa sinh học, sách nghiên cứu chuyên ngành, các triển lãm sắp đặt. Nó dần trở thành một nhánh nghệ thuật phổ biến, bởi lẽ không chỉ ghi lại một cách chi tiết với độ chính xác vòng đời của các giống loài, nó còn mang đậm dấu ấn cá nhân trong từng nét vẽ và cách đặt tên của người nghệ sĩ.
|
Triển lãm FLORA Of Southeast Asia chuyển tải thông điệp: Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày các loài thực vật bản địa biến mất? Khi ấy, con người sẽ ra sao? |
Với gần 130 tác phẩm đặc sắc từ Botanical Art Society Singapore (Hiệp hội Minh họa hệ thực vật Singapore), FLORA Of Southeast Asia gồm tác phẩm của các họa sĩ Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan… tái hiện các loài thực vật bản địa của Đông Nam Á một cách chi tiết và đầy tinh tế. Đại diện duy nhất từ Việt Nam là nghệ sĩ Phan Thị Thanh Nhã với 5 tác phẩm minh họa các loại rau dùng trong bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm rau muống, rau nhút, sen, súng và lục bình.
Đa dạng chất liệu từ màu nước, than chì, bút chì màu cho đến sơn dầu và acrylic, xuyên suốt triển lãm, ta sẽ thấy nhiều giống cây quen thuộc như dâm bụt, phong lan, khế, mồng tơi… Triển lãm chia theo các khu riêng, gồm nấm, dây leo, cây bụi, thực vật biểu sinh, thực vật ngập nước, thực vật thân gỗ…
Ngoài tên khoa học, ở nhiều tác phẩm, các họa sĩ cũng đặt tên cho những đối tượng mình mong muốn thể hiện theo đặc điểm ngoại hình, đặc tính… Đó là tên riêng đôi khi bí ẩn, có lúc dịu dàng và cũng gợi mở. Chẳng hạn như cây nắp ấm của họa sĩ Linda Octavia (Indonesia) là Chase me, I’ll catch you (Hãy đuổi theo em, anh sẽ vào tròng), cây muồng hoàng yến của Sandunmali Kulasekara (Singapore) là Golden shower tree (Cây vòi sen vàng) hay hoa leo móng cọp của Icka Gavrilla (Indonesia) là The Red Flame (Những đốm lửa đỏ)…
Không chỉ hình minh họa, FLORA Of Southeast Asia cũng mang rất nhiều thực thể vẫn đang sinh trưởng vào không gian chung. Đó là các loài thực vật bản địa nguyên bản nhất, xuất hiện tự nhiên tại các địa phương, hệ sinh thái và môi trường sống hiếm khi có sự xâm nhập của con người. Ở đó, những cá thể tương đối phổ biến như rêu, dương xỉ, tùng nho, cỏ lan chi, lan vũ nữ… đã đem đến một không gian tươi mát cho buổi triển lãm.
Thông điệp ấn tượng
Đông Nam Á hiện được đánh giá là vùng thực vật bậc cao đa dạng với ước tính khoảng 50.000 loài có hoa (chiếm 15% tổng số thế giới), và cũng bao gồm 4 trong tổng số 25 điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu. Tuy nhiên hiện môi trường sống của hệ thực vật bản địa đang bị đe dọa do đô thị hóa, khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường… Vì là cơ sở sinh thái cho môi trường sống, một khi hệ thực vật này bị phá hủy, cả hệ thống cũng sẽ sụp đổ theo hiệu ứng chung và ảnh hưởng đến cả con người.
|
Không gian triển lãm Botanical Art tại FLORAL 3. Nguồn ảnh De La Sól |
Để bảo vệ chúng không phải là việc làm quá khó. Những loài bản địa thường cần ít nước, phân bón hay thuốc trừ sâu để sinh trưởng trong khi chúng lại có rất nhiều lợi ích trong việc cung cấp lượng lớn mật hoa, phấn hoa và các loại hạt, cũng như trở thành thức ăn cho các loài bướm, côn trùng, chim và những loài bản địa khác. Bằng cách ưu tiên chọn cây bản địa, các nhà hoạch định chính sách, những người chăm sóc cảnh quan cũng như người yêu mến thực vật có thể tạo ra được sự khác biệt trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Đối tượng hướng đến của triển lãm là bất cứ ai, từ người làm vườn, người yêu thích thiên nhiên, nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ hay nhà vận động bảo vệ môi trường. Qua các trải nghiệm, thông điệp về môi trường cũng như nâng cao ý thức bảo vệ mảng xanh đã được truyền tải.
Ngay ngày đầu diễn ra triển lãm, không chỉ có các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật, nhiều phụ huynh cũng dẫn theo con em để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên, từ đó mang đến bài học tương tác thiết thực. Ở FLORA Of Southeast Asia không chỉ có sự tương tác qua hình ảnh mà có thêm trải nghiệm thiên về đồ họa.
Đó là những tác phẩm Botanical Art trưng bày trong không gian chung, được thêm công nghệ tạo sự chuyển động, từ đó trông như có thể dịch chuyển cũng như khoe sắc. Dẫu vậy, trong các chuyển cảnh tái hiện hiện tượng nhiễu sóng, biến mất… trên màn hình LED, buổi triển lãm cũng đang đặt ra một câu hỏi khác, rằng liệu sẽ có một ngày nào đó ta chỉ có thể thấy những giống loài này qua màn hình? Đến khi đó, con người sẽ ra sao?
Đi vào một phòng trưng bày không có ánh sáng, với hơi lạnh, nhạc lounge và nền là những tấm gương…, ta có một phút tự nhìn lại mình, từ đó chìm đắm vào thiên nhiên. Đó cũng đồng thời là nhìn vào chính mình, để thấy được sự liên kết với hệ thực vật, từ đó có thêm ý định để trân trọng nó.
Triển lãm FLORA Of Southeast Asia do De La Sól - Sun Life Flagship và Botanical Art Society (Singapore) đồng hành tổ chức, diễn ra đến ngày 16/7. Chương trình mở cửa tự do từ 9 - 21g hằng ngày, tại số 244 Pasteur, quận 3, TPHCM.
Thuận Phát