Thông cấp bảo hiểm y tế: Bệnh nhân có thể “đi tay không” tới bệnh viện

03/01/2025 - 06:16

PNO - Bộ Y tế đã ban hành danh mục 167 bệnh, nhóm bệnh được thông cấp bảo hiểm y tế ở cơ sở khám chữa bệnh cơ bản và chuyên sâu. Tuy nhiên, việc thực hiện dự báo còn khó khăn và phải tiếp tục rà soát, hướng dẫn cụ thể.

Bệnh viện lo quá tải

Sáng 2/1, tại Hội nghị triển khai Thông tư 01 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - nhấn mạnh, thông tư mới mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh khi ban hành danh sách 167 mặt bệnh, nhóm bệnh được thông cấp BHYT ở tuyến khám chữa bệnh cơ bản và chuyên sâu.

Đây là lần đầu Bộ Y tế xây dựng danh mục bệnh được thông cấp trong hàng ngàn mã bệnh theo danh mục đã ban hành. Với quy định mới này, bệnh nhân chỉ cần nhớ mã thẻ BHYT, có thể “đi tay không” đến cơ sở khám chữa bệnh, không cần giấy chuyển viện mà vẫn được BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo tỉ lệ % mức hưởng được quy định.

Bệnh nhân thanh toán bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Phổi Hà Nội
Bệnh nhân thanh toán bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Phổi Hà Nội

Trong số danh mục này, Bộ Y tế quy định 62 bệnh, nhóm bệnh được khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu. Vụ BHYT cho hay đã nhận được nhiều câu hỏi, vì sao chỉ có 62 mặt bệnh này mà không có thêm các trường hợp khác?

Bà Trần Thị Trang lý giải: nguyên tắc để xây dựng danh mục, đó là bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh sử dụng kỹ thuật cao nhưng cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, cơ bản chưa thể chủ động triển khai được. Đặc biệt, danh sách này còn phải bảo đảm cân đối quỹ BHYT và tránh quá tải ở cấp cao hơn.

“Ví dụ toàn bộ bệnh ung thư, tiểu đường được thông toàn bộ lên cấp chuyên sâu thì chắc chắn sẽ quá tải. Nếu chúng ta không phân luồng theo mức độ, chuyên môn thì sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh nặng khác” - bà Trần Thị Trang phân tích.

Bà cũng mong người dân chia sẻ để cùng Bộ Y tế xây dựng những chính sách khả thi, mang tính đón đầu, phát triển được hệ thống y tế nói chung. Bởi, không thể để tình trạng người dân ở các tỉnh, vùng xa, lũ lượt kéo về Hà Nội, TPHCM chữa bệnh trong khi không tập trung xây dựng, phát triển hệ thống y tế cơ sở.

Sau khi Thông tư 01 có hiệu lực từ ngày 1/1, ông Chử Quốc Hoàn - Phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện K) - cho biết, chỉ tính riêng 3 tuần đầu của tháng 1 này, Bệnh viện K có tới 20.000 người bệnh không cần phải có giấy chuyển viện để được tiếp tục điều trị tại bệnh viện, vì giấy chuyển tuyến trước đó của người bệnh hết hạn. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, điều này đã chứng minh ngay hiệu quả của chính sách.

Tuy nhiên, đại diện của Sở Y tế TP Đà Nẵng lo lắng: việc thông tuyến với 167 bệnh, nhóm bệnh có thể gây ra tình trạng quá tải ở các tuyến cơ bản và chuyên sâu. Ông Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức - nói: “Chắc chắn sẽ có quá tải”.

Ông lo lắng bệnh viện có nguy cơ “vượt trần BHYT”. Bởi, bản chất của việc thông tuyến là do năng lực điều trị bệnh nặng ở tuyến dưới chưa đáp ứng được. Bệnh viện cũng không thể đoán có bao nhiêu bệnh nhân tới bệnh viện để xác định mức trần BHYT.

Hạn chế đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở cấp chuyên sâu

Một trong những điểm mới tại Thông tư 01 là quy định về đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu. Nếu như trước đây, các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa ở cả 4 tuyến đều được đăng ký BHYT ban đầu, trừ 1 số cơ sở hạng đặc biệt như Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương... thì theo quy định mới, việc đăng ký phải tập trung ở cấp ban đầu và 1 phần ở cấp cơ bản.

Đăng ký BHYT ở cấp chuyên sâu sẽ bị hạn chế, chỉ tập trung vào một số đối tượng như: người có công với cách mạng, người đủ 75 tuổi trở lên, trẻ dưới 6 tuổi; người cần chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế. Điều này, theo bà Trần Thị Trang sẽ giúp phân luồng hệ thống khám chữa bệnh, bảo đảm cân đối giữa các cấp chuyên môn kỹ thuật, tập trung sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, đáp ứng chăm sóc sức khỏe người dân ở gần nơi cư trú, làm việc.

“Quy định của thông tư giúp mỗi cấp chuyên môn kỹ thuật có thể tập trung vào nhiệm vụ của mình. Ví dụ như cấp chuyên sâu tập trung vào nghiên cứu đào tạo chuyên sâu, chỉ đạo tuyến, kỹ thuật cao... Do đó, các cấp này cần hạn chế các mặt bệnh cơ bản, các bệnh mà năng lực chuyên môn ở các cấp trước có thể đảm nhận được” - Vụ trưởng Vụ BHYT lý giải thêm.

Trên thực tế, nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc bệnh nhân ở cơ sở khám chữa bệnh ban đầu không được bảo đảm quyền lợi về chất lượng thuốc, trang thiết bị kỹ thuật như ở bệnh viện cấp cơ bản, chuyên sâu.

Bà Trần Thị Trang cho hay, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có các văn bản hướng dẫn, tạo ra sự đồng bộ. Trước hết, với danh mục thuốc, thiết bị y tế thuộc phạm vi chi trả của BHYT, Bộ Y tế sẽ xây dựng thông tư mới, thay thế các thông tư cũ có liên quan để tăng cường vấn đề khai thác sử dụng thuốc, thiết bị y tế ở cấp ban đầu và cấp cơ sở.

“Tinh thần là mở rộng tối đa theo năng lực, khả năng đáp ứng của cơ sở cấp ban đầu và cơ bản. Người dân dù khám bệnh ở tuyến chuyên sâu hay đưa về quản lý ở cấp ban đầu và cơ bản đều có điều kiện tiếp cận thuốc, thiết bị y tế... một cách công bằng; được hưởng các loại thuốc chất lượng, thậm chí là thuốc mới được đưa vào danh mục chi trả của BHYT”, bà Trang nói và kỳ vọng các chính sách tới đây có thể thu hút mạnh mẽ người dân đăng ký khám chữa bệnh ở cơ sở y tế ban đầu.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI